Thời báo châu Á: Không ai có thể chặn đà phát triển Việt Nam

Tăng trưởng đang vút bay, thương mại và đầu tư trỗi dậy – tất cả bất chấp các đe dọa trừng phạt của Trump đối với quốc gia định hướng xuất khẩu này. 


Những ngày này, Việt Nam đang bay cao. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được dự đoán tăng trưởng 7%, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang gia tăng nhanh chóng và thỏa thuận tự do thương mại mới ký với châu Âu hứa hẹn quyền truy cập ưu tiên vào thị trường xuất khẩu giàu có này. 



Con ruồi quấy rối duy nhất hiện nay đến từ Washington bên kia đại dương, thủ đô của kẻ cựu thù, nơi Tổng thống khó lường Donald Trump đang phát động chiến tranh thương mại trên nhiều mặt trận. 

Việt Nam đến nay là người thắng lớn trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Điều đó thể hiện ở dòng FDI chảy từ Trung Quốc gồm cả của các công ty nước ngoài đang đóng tại Trung Quốc và các công ty của người Trung Quốc di chuyển nhà xưởng đến Việt Nam để tránh thuế Mỹ, và kế đó là sự tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ. 

Rải ngân FDI đã đạt 9,1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi cam kết FDI cho các dự án mới đã tăng 90% lên 18,5 tỷ USD, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Hơn 1720 dự án mới với giá trị 7,4 tỷ USD đã được cấp phép đầu tư trong 6 tháng qua, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Hong Kong xếp số 1 với 5,3 tỷ USD (nhờ vào việc mua cổ phần Beerco Limited và Vietnam Beverage Co Ltd) trong khi Hàn Quốc đứng thứ 2 với 2,7 tỷ USD, đại lục Trung Quốc xếp thứ 3 với 2,3 tỷ USD. 



Các hãng Trung Quốc đã di chuyển hầu hết các ngành công nghiệp gia công giá trị thấp sang láng giềng Việt Nam để tránh sự gia tăng bất ổn do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên hiện nay sự bất ổn đó đang mở rộng sang cả Việt Nam. 

Trước khi tham dự thượng đỉnh G20 ở Osaka hồi tháng trước, Trump đã nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business News rằng Việt Nam là “kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong mọi người... Nhiều công ty đang chuyển tới Việt Nam, nhưng Việt Nam đã hưởng lợi từ chúng ta thậm chí còn tồi tệ hơn Trung Quốc”. 

Trump sau đó đã áp thuế hơn 400% với một số sản phẩm thép nhập từ Việt Nam và một số người lo ngại rằng danh sách đánh thuế sẽ mở rộng hơn nữa khi thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã đến mức kỷ lục vào năm ngoái. 


Murray Hiebert, chuyên gia Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế(CSIS) ở Washington nói: “Bình luận của Trump rằng Việt Nam là kẻ tội lỗi nhất vì gia tăng thặng dư thương mại với Mỹ là một phát bắn thẳng vào Hà Nội. Không ai an toàn trước những giận dữ của Trump về việc một nước thu được lợi từ Mỹ theo quan điểm của ông ta”. Do đó Việt Nam trở thành nạn nhân vì thành công thương mại của mình, ít nhất là trong thương mại với Mỹ. 



Việt Nam đã đi từ nguồn nhập khẩu lớn thứ 12 của Mỹ vào năm ngoái đến vị trí thứ 8 vào cuối tháng 5 năm nay khi Mỹ nhập khẩu 25,8 tỷ USD hàng hóa Việt Nam và chỉ bán được 4,2 tỷ USD hàng hóa sang Việt Nam. 

Việc đó khiến Việt Nam trở thành nước có thặng dư thương mại với Mỹ lớn thứ 5 trên toàn cầu sau Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản, Đức. Thống kê này do Cục Thống kê Mỹ đưa ra. 

Việt Nam đã thực sự được hưởng thặng dư thương mại với Mỹ kể từ khi hai kẻ cựu thù này ký thỏa thuận thương mại song phương vào đầu thập niên 1990. Tuy nhiên sự nhảy vọt trong năm nay trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung đã thu hút sự chú ý của Trump vào Việt Nam. 

Có rất ít nghi ngờ về việc Việt Nam hiện đang là điểm đến ưa thích ở Đông Nam Á cho dòng FDI chạy trốn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dù cho sự dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đã diễn ra từ trước khi nổ ra chiến tranh thương mại. 



Michael Kokalari – kinh tế trưởng tại VinaCapital, một công ty tư nhân hàng đầu ở Việt Nam, nói rằng: “Chúng tôi đã ở trên lộ trình di chuyển sản xuất từ Trung Quốc đến Việt Nam. Chiến tranh thương mại có nghĩa là những biến động ngắn hạn với thị trường nhưng về lâu dài nó củng cố thêm xu hướng rõ ràng này”. 

Hầu hết FDI đã chảy vào Việt Nam trong những năm gần đây là đến từ các nước châu Á khác, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và gần đây nhất là từ Trung Quốc. 

Các công ty ở những nước này đang đối mặt với đình trệ, thị trường suy giảm vì dân số già hóa nhanh chóng trong nội địa. Trong khi đó Việt Nam đại diện cho một thị trường đang lên tiềm năng với 98 triệu dân và hơn 70% trong đó là dưới 50 tuổi. 

Việt Nam có một lực lượng lao động lớn, được đào tạo khá tốt và mức lương ở nhà máy của họ chỉ bằng 1/3 so với ở Trung Quốc, bằng một nửa ở Thái Lan và thấp hơn cả Indonesia hoặc Philippines. 

Mặc dù có một số nhà đầu tư lớn của Mỹ ở Việt Nam như Intel, Exxon, nhưng chủ yếu FDI của Việt Nam đến từ phần còn lại của châu Á trong 30 năm qua. 



Hàn Quốc dẫn đầu trong lĩnh vực này với tổng giá trị vốn đăng ký đạt 64,8 tỷ USD, chiếm 18,5% tổng số FDI, theo sau nó là Nhật Bản với 57,4 tỷ USD chiếm 16,4% và tiếp đó là Singapore, Đài Loan, British Virgin Islands và Hong Kong. 

Phần lớn FDI chảy vào các ngành sản xuất chi phí thấp. Kokalari nhấn mạnh: “Sản xuất ở Việt Nam hiện nay đóng góp khoảng 20% GDP. Trong tất cả các nền kinh tế của những con hổ châu Á khác, sản xuất chiếm khoảng 30% GDP”. 

Năm ngoái thu nhập bình quân đầu người Việt Nam đã là 2500 USD, gần đến mức 3000 USD mà tại đó các nền kinh tế mới nổi có xu hướng chứng kiến sự bùng nổ. Năm 2018, tiêu dùng nội địa đóng góp 65% GDP Việt Nam. 

Năm ngoái, tổng xuất khẩu của Việt Nam đạt 241,5 tỷ USD, tăng 12% và gần bằng cơ cấu của Thái Lan. Tuy nhiên đến 70% đơn hàng xuất khẩu được tính cho các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam. 

Ví dụ như tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc đã chiếm 25% tổng xuất khẩu của Việt Nam. Hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ là Apple tuần trước nói rằng họ sẽ bắt đầu thử sản xuất Airpods ở Việt Nam. 



Các quan chức Việt Nam có thể lưu ý thực tế này trong các đàm phán với đại diện thương mại Mỹ - những người đang cảm thấy phiền vì thặng dư thương mại gia tăng. Họ cũng có thể chỉ ra rằng nếu Mỹ ở lại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một hiệp định mà cựu Tổng thống Barack Obama khởi xướng nhưng Trump đã rút ra, thì các nhà xuất khẩu Mỹ có thể đã được hưởng mức thuế thấp hơn ở Việt Nam ngày nay. 

Sau khi Trump đưa Mỹ ra khỏi thỏa thuận này, 10 thành viên còn lại, gồm Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Việt Nam đã ký thỏa thuận được xét duyệt lại mang tên Thỏa thuận Tiến bộ và Toàn diện Đối tác Xuyên Thái Bình Dương vào tháng 3 năm ngoái. 

Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới về sản phẩm nông nghiệp, ở đó Mỹ đã đột nhiên có thặng dư mới kể từ khi Trung Quốc đánh thuế trả đũa vào nông sản Mỹ. 

Hôm 30/6, Việt Nam cũng ký thỏa thuận Tự do Thương mại EU và Việt Nam (EVFTA), trong đó Việt Nam sẽ giảm 65% thuế với các sản phẩm EU và trong vòng 10 năm, hầu hết thuế sẽ bị loại bỏ. Ngược lại, sản phẩm Việt Nam sẽ được bán sang EU với mức thuế giảm. Thỏa thuận này chắc chắn cũng sẽ thu hút thêm FDI từ EU vào Việt Nam trong các năm tới. 



Cả hai thỏa thuận thương mại và đầu tư này đều khiến Mỹ bị gáo nước lạnh, đặc biệt trong thời điểm Việt Nam là một trong số ít đồng minh tin cậy của Mỹ trong khu vực này đang chống lại sự gia tăng quyết đoán và bành trướng của Trung Quốc. 

Kokalari nói: “Mọi quốc gia khác trong khu vực, với các mức độ nhiều ít khác nhau, đang xoay từ Mỹ sang Trung Quốc. Thật trớ trêu, bất chấp thực tế rằng Mỹ đã chiến tranh chống lại Việt Nam, đây là nước duy nhất trong ASEAN mà Trung Quốc có ít ảnh hưởng”.


Tuy nhiên trong kỷ nguyên Trump, các đồng minh chiến lược không nhất thiết là những bạn bè tự do thương mại. 



Hiebert nói: “Thật vậy, Việt Nam có thể là một trong những đồng minh gần gũi nhất của Mỹ về vấn đề Trung Quốc nhưng hãy nhìn vào cách Trump đã đánh vào Nhật và Hàn Quốc với thuế quan trong khi ông ta có thể vẫn sử dụng sự giúp đỡ của họ đối với vấn đề Triều Tiên”. 

Dĩ nhiên Việt Nam có một lịch sử lâu dài về thương lượng hiệu quả với Mỹ. Các quan sát hy vọng Hà Nội thực hiện một vài “hợp đồng” với Trump trước tháng 10, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được dự kiến đến thăm Washington. 

Hiebert nói: “Để tránh sự lạnh nhạt của Trump, Hà Nội có thể muốn mua nhiều sản phẩm Mỹ hơn, bao gồm cả những thứ mà Trung Quốc đang tránh (như lúa mì và thịt lợn). Hoặc là họ có thể làm việc với Mỹ để giảm bớt một vài rào cản đang gây khó cho doanh nghiệp Mỹ ở Việt Nam”. 

Nguồn: https://www.asiatimes.com/2019/07/article/no-stopping-vietnams-trade-war-juggernaut/

Post a Comment

Tin liên quan

    -->