Báo Mỹ: Nga tham gia vào cuộc đối đầu Mỹ Trung ở Biển Đông sau hiệp định với VN

Nga đã đồng ý một lộ trình hợp tác quân sự mới với Việt Nam – điều có thể sẽ đưa Moscow vào cuộc tranh giành quyền lực đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông.

Hợp đồng được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Việt Nam Ngô Xuân Lịch ký vào hôm thứ 4 mùng 4/4 vừa qua tại Moscow theo tin tức của hãng thông tấn Tass.


Thỏa thuận được ký bên lề Hội nghị An ninh Quốc tế lần thứ 7 diễn ra ở Moscow. Nó đã vạch ra chi tiết hợp tác quân sự giữa hai nước từ 2018 đến 2020. Tướng Lịch nói với Shoigu ông hài lòng vì Nga và Việt Nam đang từng bước tăng cường hợp tác quân sự và hải quân.

Như một phần của thỏa thuận, Nga sẽ triển khai một tàu cứu hộ từ hạm đội Thái Bình Dương đến Việt Nam. Con tàu này sẽ tham gia tìm kiếm và cứu nạn trong khu vực. Moscow cũng sẽ gửi một phái đoàn đến Việt Nam để tiếp tục bàn bạc một dự thảo hợp đồng về tìm kiếm và cứu nạn đối với các tàu ngầm gặp rủi ro.

Mặc dù Nga và Việt Nam có một quan hệ quốc phòng từ thời Chiến tranh Việt Nam, hiện giờ Nga đang thúc đẩy sự hiện diện mạnh mẽ hơn và công khai hơn. Quan hệ giữa hải quân của Nga và Việt Nam một bộ phận quan trọng trong mối quan hệ hai nước. Hồi tháng 2, hai tàu hộ vệ Gepard do Nga chế tạo đã đi vào phục vụ trong Hải quân Việt Nam, phối hợp với 2 tàu Gepard khác đã được chuyển giao năm 2011 trong hợp đồng trị giá 350 triệu USD.


Hai nước đã đồng ý thực hiện huấn luyện quân sự chung và tướng Lịch nói 176 binh sỹ Việt Nam sẽ đến Nga để tham gia. Cuối tháng 1, có tuyên bố nói rằng quân đội Nga và quân đội Việt Nam đang thiết lập các kế hoạch tập trận chung trong 3 năm tới.

Hồi tháng 3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng tầm nhìn quân sự Việt Nam – Nga đang được hướng đến một cấu trúc hợp tác đảm bảo phát triển bền vững và phù hợp với các lợi ích an ninh” ở châu Á.

Sự tấn công ngoại giao này là một phần trong các nỗ lực rộng lớn hơn của Nga ở Đông Nam Á – nơi Moscow cũng đang theo đuổi quan hệ gần gũi hơn với các láng giềng phía Tây của Việt Nam là Lào. Tháng 1, ông Shoigu đã thăm Lào để tăng cường quan hệ quân sự gần gũi hơn. Sau chuyến thăm, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nói hầu như mọi thứ lực lượng vũ trang Lào hiện nay đang có đều có liên hệ với Nga”.

Nga rõ ràng xem Đông Nam Á là một mảnh đất màu mỡ cho quan hệ ngoại giao gần gũi hơn và thị trường bán vũ khí. Với Việt Nam và Lào, Moscow cũng dường như đang vun trồng quan hệ.

Quan hệ gần gũi giữa Moscow và Hà Nội có thể mang tới cho Nga quyền truy cập trực tiếp vào Biển Đông đang tranh chấp nóng bỏng. Tháng 4/2017, 3 tàu từ hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã thực hiện chuyến thăm 5 ngày đến cảnh Cam Ranh của Việt Nam. Khi quan hệ hợp tác quân sự tăng lên, các chuyến thăm như vậy chắc chắn sẽ trở nên thường xuyên hơn.


Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Brunei, Philippines và Đài Loan đều có yêu sách lãnh thổ ở vùng Biển Đông giàu tiềm năng hải sản, tài nguyên thiên nhiên và là tuyến đường hàng hải quan trọng. Trung Quốc đã bị chỉ trích vì xây dựng các đảo nhân tạo để củng cố yêu sách của mình, và Hoa Kỳ đã thực hiện nhiều hoạt động tự do hàng hải gần đó để khẳng định lại thẩm quyền của mình.

Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào hiện đại hóa hải quân và không quân của mình để thách thức uy thế của Mỹ và củng cố chính sách khu vực của mình. Giờ đây Nga cũng đang xem xét tung thế lực của mình vào cuộc chơi mặc dù vẫn chưa rõ là họ sẽ chọn một bên hay là duy trì hình ảnh đơn độc của mình. Trung Quốc và Nga trước đây đã thực hiện tập trận chung ở Biển Đông – biểu thị rằng hải quân hai nước có thể hợp tác với nhau.

Có khả năng Nga sẽ chọn giữa Trung Quốc và các lợi ích của bản thân Nga ở Biển Đông, nhưng hiện nay quan hệ Bắc Kinh và Moscow vẫn đang tốt đẹp. Hôm thứ 3, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nói ông đang tham dự Hội nghị Moscow để cho Mỹ thấy quan hệ gần gũi giữa lực lượng vũ trang của Nga và Trung Quốc... Chúng tôi đến để ủng hộ bạn”.

Cả Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực nội địa của họ trong những tháng gần đây. Dựa vào các nỗ lực của Putin và Tập Cận Bình, Shoigu nói, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang đạt được mức độ cao chưa từng có. Tháng 11/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói ông đã thực hiện một quyết định chiến lược và cân nhắc kỹ lưỡng rằng Mỹ sẽ đóng một vai trò lớn hơn và lâu dài hơn trong việc định hình tương lai nước Mỹ và khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Với sức mạnh cứng và mềm của Trung Quốc đang tăng lên và sự mở rộng ảnh hưởng của Nga, cục diện tương lai của châu Á Thái Bình Dương sẽ không chỉ được quyết định bởi một mình nước Mỹ.



Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn