Cây cầu nối liền ba thành phố Hong Kong- Chu Hải - Macau ở miền Nam Trung Quốc đã chính thức hoàn thành sau 9 năm xây dựng.
Cầu có tổng chiều dài 34 dặm (55km), trở thành cầu vượt biển dài nhất thế giới. Ước tính kinh phí xây dựng cầu lên tới 20 tỷ USD. Cầu có một đoạn đường hầm đi ngầm dưới nước và hai điểm đầu cuối của đường hầm này đặt trên 2 đảo nhân tạo.
Cây cầu này ra đời sẽ giúp giảm thời gian di chuyển giữa các thành phố ven biển sôi động ở miền Nam Trung Quốc mà người ta gọi là Greater Bay Area. Theo Tân Hoa Xã, Greater Bay là nơi có số dân cư sinh sống còn nhiều hơn toàn bộ dân số nước Anh và GDP của nó lớn hơn cả nước Australia. Ở khu vực này cũng có 3 cảng container nằm trong top các cảng lớn nhất thế giới.
Hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng là lý do chính khiến các nhà thiết kế cầu lựa chọn giải pháp làm một đoạn đường ngầm dưới nước. Li Jiang - một người trong ban quản lý dự án cầu nói: “Một phần cây cầu đi qua 2 đường vận tải thủy của 2 cảng của Quảng Châu. Nếu chúng tôi xây cầu bên trên tuyến đường thủy này, nó sẽ phải rất rộng và cao”.
Nhưng những tuyến đường thủy đó cũng đi gần sân bay quốc tế Hong Kong - và chiều cao của cầu có thể đặt ra đe dọa an toàn cho các chuyến bay. Các quan chức cũng cam kết làm cẩn thận để bảo vệ cá heo trắng Trung Quốc sinh sống trong khu vực đó.
Theo Tân Hoa Xã, cây cầu hoàn thiện với khối lượng sắt thép đủ để xây 60 tòa tháp Eiffel và khối lượng bê tông đủ để xây 22 tòa nhà Chrysler. Hãng thông tấn Trung Quốc cũng cho biết cây cầu được thiết kế để chịu được động đất mạnh và siêu bão.
Bên cạnh khó khăn của bản thân quá trình xây dựng, cây cầu cũng gặp một số phức tạp về biên giới khi nó kết nối Hong Kong và Macau là những đặc khu hành chính tự trị với thành phố Chu Hải ở đại lục Trung Quốc.
Để sử dụng cây cầu này, các xe hơi tư nhân sẽ cần giấy phép đặc biệt được kiểm soát chặt chẽ. Báo Bưu điện Hoa Nam cho biết phí sử dụng cầu cho xe cộ từ 60 tệ (khoảng 8,5 USD) đến 300 tệ (khoảng 43 USD).
Trong khi những công ty vận tải có vẻ thực sự phấn khích về sự xuất hiện của cây cầu thì người dân Hong Kong lại có cảm giác khá phức tạp về nó. Nhiều người đặt câu hỏi về việc liệu cây cầu sẽ có ích thế nào và cũng có những lo ngại về việc chính quyền trung ương Trung Quốc có thể sử dụng cây cầu như một cách để loại bỏ sự độc lập của Hong Kong.
Tags:
tin-tuc