Gần đây truyền hình quốc phòng của Việt Nam đưa tin về việc đại tu máy bay chiến đấu Su-27 ở trong nước. Sau chương trình này, trên báo mạng Trung Quốc đã có những bàn luận phỏng đoán về trình độ công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Tờ Toutiao hôm qua có bài viết như sau: Năm 1995, Không quân Việt Nam nhập khẩu máy bay Su-27 với số lượng 12 chiếc. Tuy nhiên đến nay, sau hơn 20 năm, do khí hậu Việt Nam thuộc nhiệt đới nên dễ dẫn đến ăn mòn kết cấu của máy bay. Hơn nữa các hoạt động huấn luyện liên tục không nghỉ càng làm cho máy bay nhanh chóng lão hóa. Bởi vậy những chiếc Su-27 trong loạt đầu tiên Việt Nam nhận được đã phải tiến hành đại tu.
Tuy nhiên, Không quân Việt Nam tài chính có hạn, không thể đem máy bay gửi sang Nga để đại tu cho nên cuối cùng Việt Nam quyết định tự tiến hành đại tu máy bay Su-27.
Gần đây, truyền thông chính thống Việt Nam công khai những hình ảnh nhà máy nơi diễn ra đại tu Su-27. Các hình ảnh cho thấy công nhân Việt Nam đang lần lượt bảo dưỡng các máy móc của máy bay và cọ rửa những chi tiết bị ăn mòn trên khung thân. Tất cả dường như nhằm cho thấy Việt Nam là một “cường quốc hàng không” khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam có thực sự có khả năng tự đại tu Su-27 và cải tiến được nó hay không?
Mọi người đều biết rằng trong chi phí máy bay hiện đại, hệ thống điện tử hàng không chiếm phần lớn, mặt khác trình độ cao thấp của điện tử hàng không thậm chí quyết định việc phát huy sức chiến đấu của máy bay. Một chiếc máy bay chiến đấu không có điện tử hàng không tốt thì không thể phát hiện địch từ trước và dễ có nguy cơ bị kẻ địch gây nhiễu, khi đó thì dù có tính năng cơ động xuất sắc cũng là vô tích sự, chỉ giống như một kẻ “ngu si tứ chi phát triển”.
Những hình ảnh đại tu mà Việt Nam công bố đều là cảnh công nhân Việt Nam bảo dưỡng các thiết bị cơ khí còn các cảnh về hệ thống điện tử hàng không thì hoàn toàn vắng bóng. Hình ảnh hiện thị công nhân Việt Nam tháo dỡ thành công radar của Su-27 nhưng cơ bản không đề cập đến việc radar này được bảo dưỡng thế nào hay là nâng cấp cải tạo.
Từ kinh nghiệm Trung Quốc cải tiến Su-27 mà xét thì hiện nay Việt Nam cơ bản không có năng lực tự nâng cấp điện tử hàng không của Su-27, đại khái vẫn phải quay lại tìm Nga giúp đỡ.
Đầu thập niên 1990, đồng thời với khi nhập khẩu Su-27, Trung Quốc đã xác định kế hoạch tự chủ sản xuất Su-27. Năm 1998, chiếc J-11 đầu tiên bay thử thành công. Đầu thế kỷ này các hệ thống điện tử hàng không trên máy bay Su-27 khi đối mặt với các máy bay thế hệ 4 của các nước xung quanh đã khó có thể xác lập ưu thế, Không quân Trung Quốc quyết định nâng cấp điện tử hàng không cho Su-27.
Tuy nhiên lúc đó Nga chào hàng cho Trung Quốc phương án Su-27SMK với giá quá cao, Trung Quốc không thể chấp nhận. Mà lúc đó, cho dù là đã tự chế tạo và trang bị được J-11 nhiều năm nhưng công nghiệp hàng không Trung Quốc vẫn ở giai đoạn mò mẫm trước hệ thống điện tử hàng không của Su-27.
![]() |
Máy bay Su-27 Trung Quốc. |
Do đó có thể thấy hệ thống điện tử hàng không của máy bay hiện đại phức tạp như thế nào. Sau đó, Trung Quốc đem loạt Su-27 nhập khẩu đầu tiên gửi đến Belarus để tiến hành cải tiến điện tử hàng không. Các máy bay Su-27 sau nâng cấp có khả năng mang được tên lửa hỗn hợp và tăng cường năng lực kháng nhiễu radar cũng như khả năng sục sạo mục tiêu.
Căn cứ vào kinh nghiệm này, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã tiến hành cải tiến cho số Su-27 còn lại và một số J-11 loạt đầu. Các thiết bị kiểm soát hỏa lực sử dụng hàng nội địa để thay thế và có thể mang được cả tên lửa không đối không nội địa. Ngoài ra còn trang bị thêm radar mới và thiết bị cảnh báo hồng ngoại. Các máy bay Su-27 và J-11 mà Trung Quốc tự chủ cải tiến có sức chiến đấu vượt xa so với nguyên bản ban đầu.
Ngược lại ở Việt Nam, ngay việc lắp ráp Su-27 cũng còn chưa biết thế nào, nếu muốn tự chủ cải tiến hệ thống điện tử hàng không thì có thể gọi là khó càng thêm khó. Tuy Việt Nam có năng lực bảo trì các hệ thống cơ khí máy móc của Su-27 là điều đáng khen nhưng xem thấy Su-27 Việt Nam sử dụng trình độ điện tử hàng không thập niên 1980 của Liên Xô, nếu không tiến hành nâng cấp thì khi đối diện các hệ thống phòng không hiện đại, khả năng tồn tại có thể gọi là nhỏ lại càng nhỏ.
Cuối cùng, việc cải tiến điện tử hàng không của Su-27 vẫn phải nhờ người Nga giúp đỡ nên sẽ khó tránh được việc bị “làm thịt” và do vậy gần như không tiết kiệm được bao nhiêu. Đây cũng là định mệnh của những nước nhỏ không làm chủ được các công nghệ cốt lõi hiện đại như Việt Nam.
Bình luận: Bài viết này nói không sai, có điều từ một nước nông nghiệp lạc hậu bị chiến tranh tàn phá, vốn liếng khoa học kỹ thuật không có bao nhiêu, nếu muốn phát triển đi lên thì bắt buộc phải đi qua những đoạn đường chông gai khó khăn. Nhìn một cách lạc quan thì cũng cần thấy rằng có thể tự tháo ra đại tu ở trong nước mà không phải nhất nhất gửi ra nước ngoài rồi chờ đợi cũng là chứng tỏ Việt Nam có những khả năng nhất định trong công nghiệp quốc phòng.