Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được những thỏa thuận thương mại tạm thời mà có vẻ xoa dịu được những người khó tính ở cả hai phía. Tuy nhiên họ sẽ không bao giờ đạt được một thỏa thuận thực sự để thay đổi cấu trúc và văn hóa của xã hội Trung Quốc để kết thúc chiến tranh thương mại.
Các nhà đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc có vẻ đã đạt được một “sự nhất trí về nguyên tắc” trong đàm phán thương mại. Điều này được Tân Hoa Xã loan báo hôm thứ 6 tuần trước (1/11). Thông tin trên Tân Hoa Xã nói: “Trong các cuộc đàm phán điện thoại, hai bên đã thảo luận nghiêm chỉnh và xây dựng về việc giải quyết thích đáng những mối quan tâm cốt lõi của nhau và đã đạt những thỏa thuận về nguyên tắc”.
Điều này mở đường cho một số thỏa thuận ngắn trong tương lai gần. Jeff Yastine - nhà phân tích cao cấp tại Banyan Hill Publishing nói: “Tôi nghĩ chính quyền Trump và Trung Quốc sẽ đi tới một thỏa thuận thương mại danh nghĩa hoặc một cái gì đó đại loại thế trong tháng sau - với các thỏa thuận về sản phẩm nông nghiệp và các vấn đề thương mại khác mà không có quá nhiều tranh cãi. Điều đó đủ để cả hai bên tuyên bố ‘chiến thắng’ mà không nhất thiết phải giành được điều gì vững chắc hơn so với khi họ bắt đầu”.
Tuy nhiên điều đó sẽ đủ để giữ thể diện cho cả hai bên. Yastine nói thêm: “Các nhà đàm phán Trung Quốc có thể mang nó về cho ông Tập và ông sẽ ký nó để xoa dịu những đảng viên của mình. Và ông Trump có thể giơ thỏa thuận này ra trong các cuộc vận động tranh cử và nói rằng ông có thể khuất phục người Trung Quốc theo ý muốn của mình”.
Tuy nhiên Yastine cũng nghĩ rằng thỏa thuận này sẽ không giải quyết được các vấn đề gai góc. Ông nói: “Về các đột phá thương mại thực tế, chẳng hạn các vấn đề gai góc như sở hữu trí tuệ và mở cửa hệ thống tài chính Trung Quốc cho các ngân hàng Mỹ - Tôi không nghĩ sẽ xảy ra trong phần còn lại của nhiệm kỳ đầu của Trump hoặc trong cả nhiệm kỳ 2 nếu như ông ta lại thắng cử. Với việc không còn có thể tranh cử vào năm 2024, tôi nghi ngờ rằng tổng thống sẽ đặt nó thành ưu tiên trong chính quyền của mình”.
Trong thực tế, nó có thể không bao giờ xảy ra dưới bất kỳ tổng thống nào của Mỹ. Giải quyết vấn đề sở hữu trí tuệ của Trung Quốc đòi hỏi sự thay đổi ở một truyền thống cũ trong hàng trăm năm qua đã quen đối xử với sở hữu trí tuệ như một “hàng hóa công cộng”. Và mở cửa hệ thống tài chính Trung Quốc cho ngân hàng Mỹ sẽ làm hao mòn những lợi ích được trao cho tầng lớp cai trị của Trung Quốc. Người ta sử dụng ngân hàng để phân phối tín dụng theo mệnh lệnh chính trị hơn là đòi hỏi của thị trường.
Bên cạnh đó, mở cửa ngân hàng cho cạnh tranh có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng tương tự như những gì đã xảy ra ở Nhật những năm 1990 sau khi họ mở cửa hệ thống ngân hàng của họ cho Mỹ.
Tiếp đó Trung Quốc có yêu sách lớn lao ở Biển Đông - điều đã đặt họ đối nghịch với Mỹ và các đồng minh về tự do hàng hải và điều này đang trộn lẫn vào với vấn đề thương mại.
Tuy nhiên Yastine hy vọng rằng một thỏa thuận thương mại có thể đạt được nếu sức ép thị trường buộc hai bên phải đàm phán nghiêm túc. Ông nói: “Chỉ có nhân tố X mới có thể thay đổi tình hình thương mại hiện thời là nếu có một sự sụp đổ thị trường chứng khoán hoặc khủng hoảng ngân hàng. Như chúng ta đã thấy năm 2008, các sự kiện dạng này có xu hướng thu hút sự chú ý của các nhà làm chính sách và khiến các điều trước đó tưởng là không thể thành “có thể giải quyết”. Trong tình huống như vậy, mối đe dọa của vòng xoáy vượt tầm kiểm soát của cả hai bên có thể đủ để buộc họ phải đàm phán nghiêm túc và loại bỏ một số lượng lớn những nhân tố bất ổn đang treo lơ lửng trên kinh tế toàn cầu”.
Theo Forbes