TQ chạy đua chế tạo vệ tinh “hình ảnh ma” khắc chế máy bay tàng hình Mỹ

Trung Quốc đang phát triển một vệ tinh gián điệp mới sử dụng công nghệ hình ảnh ma có thể thay đổi cuộc chơi quân sự trong 1 thập kỷ tới.


Các công nghệ ngụy trang hiện tại - từ bom khói đơn giản được dùng để che giấu xe tăng hoặc bộ đội trên trận địa đến vật liệu công nghệ cao triệt tiêu phản xạ sóng radar trên một máy bay hoặc tàu chiến tàng hình - có thể sẽ vô dụng trước công nghệ hình ảnh ma theo như các chuyên gia vật lý nói.

Hình ảnh ma lượng tử có thể đạt đến độ nhạy chưa từng có khi nó phát hiện không chỉ các nguồn sáng vô cùng nhỏ tản mát của một mục tiêu, mà còn có thể phát hiện sự tương tác qua lại của nguồn sáng với các ánh sáng khác trong môi trường xung quanh để thu được nhiều thông tin hơn các phương pháp truyền thống.

Một vệ tinh được trang bị các cảm biến lượng tử mới có thể xác định và theo dõi các mục tiêu mà hiện không trông thấy được từ không gian chẳng hạn như các máy bay ném bom tàng hình bay trong đêm.

Máy bay B-2 Spirit của Mỹ là máy bay ném bom tàng hình duy nhất đang hoạt động trên thế giới hiện nay có thể thực hiện các đòn không kích chiến lược vào một đối thủ.

B-2 bay hầu như là trong đêm tối, một phần để tránh các máy ảnh quang học độ nét cao trên các vệ tinh gián điệp. Các máy bay này có một lớp sơn phủ để làm chệch hướng hoặc hấp thu sóng cực ngắn của các dải băng tần được sử dụng trên những radar không gian, cũng như công nghệ ngăn chặn nhiệt để tránh cảm biến hồng ngoại.

Thế hệ máy bay kế nhiệm B-2 là B21 đang được phát triển với các cải tiến nhưng công nghệ thì tương tự. Nó được dự kiến đi vào phục vụ vào năm 2025.

Gong Wenlin, Giám đốc nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Quang học lượng tử thuộc Học viện Khoa  học Trung Quốc ở Thượng Hải - là người đang cùng một đội phát triển thiết bị hình ảnh ma (Ghost imaging) đầu tiên cho các vệ tinh, nói rằng công nghệ của họ được thiết kế để bắt các vật “vô hình” như B-2.

Ông nói rằng phòng thí nghiệm của mình do nhà vật lý quang học lượng tử lỗi lạc Han Shensheng phụ trách, có thể hoàn thành một nguyên mẫu vào năm 2020 để thử nghiệm công nghệ trong không gian trước năm 2025. Vào năm 2030 ông nói có thể có ứng dụng quy mô lớn.

Trong khi công nghệ hình ảnh ma đã được thử nghiệm trên các hệ thống mặt đất, phòng thí nghiệm của Gong đang chạy đua với các đối thủ nước ngoài, gồm Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Quân đội Mỹ, để phóng vệ tinh đầu tiên sử dụng công nghệ này.

Nhóm nghiên cứu cho thấy tính khả thi kỹ thuật của công nghệ này với một cuộc thử nghiệm trên mặt đất năm 2011. 3 năm sau, phòng thí nghiệm của quân đội Mỹ công bố các kết quả tương tự. Gong nói: “chúng tôi đã đánh bại họ trên mặt đất. Chúng tôi tự tin đánh bại họ một lần nữa trong không gian”.

Vệ tinh hình ảnh ma sẽ có 2 máy ảnh, một cái nhằm vào các mục tiêu với cảm biến đơn phân giải trong khi máy ảnh kia đo sự thay đổi trong một vùng sáng rộng hơn qua môi trường.

Mục tiêu có thể bị làm sáng tỏ bởi bất kỳ nguồn sáng nào như mặt trời, mặt trăng hoặc thậm chí là chỉ một bóng đèn. Bằng cách phân tích và kết hợp các tín hiệu nhận được từ hai máy ảnh với một bộ thuật toán tinh vi trong vật lý lượng tử, các nhà khoa học có thể gợi lên hình ảnh của một đối tượng với độ nét vô cùng cao mà các phương pháp truyền thống trước đây không thể làm được.

Gong nói bóng tối, mây, sương mù và các yếu tố cản trở khác làm giảm tầm nhìn sẽ không còn là vấn đề nữa: “Một vệ tinh hình ảnh ma sẽ tiết lộ nhiều chi tiết hơn vệ tinh sử dụng radar tiên tiến nhất”.


Bởi vì hình ảnh lượng tự có thể thu thập dữ liệu từ một dải quang phổ rộng, các bức ảnh chúng thu được có thể trông “tự nhiên hơn” với mắt người hơn các ảnh đen trắng của hình ảnh từ radar dựa trên sóng phản xạ điện từ. 

Theo SCMP

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn