Căng thẳng thương mại với Mỹ và TQ đẩy Hàn Quốc đến Việt Nam

Đối mặt với căng thẳng thương mại dai dẳng với Trung Quốc và Mỹ, Hàn Quốc đang làm sâu sắc quan hệ với Việt Nam – đất nước đang nổi lên vượt qua Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của các công ty Hàn Quốc. 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang tìm kiếm cơ hội mở rộng thương mại với Việt Nam như cách cho các tập đoàn khổng lồ như Samsung Electronics đa dạng cơ sở sản xuất và thị trường xuất khẩu. Seoul thấy nước Mỹ dưới thời ông Trump đang trở thành đối tác thương mại đòi hỏi hơn và không đáng tin cậy, trong khi căng thẳng với Trung Quốc về việc Mỹ triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc đã kéo dài hơn 1 năm. 

Các công ty Hàn Quốc đã xây dựng những nhà máy từ lâu ở Việt Nam nhưng tranh chấp THAAD đã khiến Việt Nam trở thành cơ sở sản xuất và thị trường xuất khẩu hấp dẫn hơn, theo lời Kim Ill-san – Giám đốc chi nhánh Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh. 


Một kết quả thấy rõ là xuất khẩu của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng gần 50% chỉ trong năm 2017 và tăng hơn gấp đôi trong 3 năm qua. Việt Nam giờ đây được kỳ vọng trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Hàn Quốc vào năm 2020 theo như Hiệp hội nói trên. 

Kim nói: “Hàn Quốc chủ yếu bán tư liệu sản xuất và nguyên vật liệu cho Việt Nam, nhưng khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng, sẽ có nhiều tiềm năng để bán sản phẩm tiêu dùng”. 

Trong một cuộc họp hôm thứ 2 nói về chuyến thăm hồi tháng 3 đến Việt Nam, Moon Jae-in nói sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại và xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm tổn thương kinh tế Hàn Quốc, và ông kêu gọi đất nước hãy chuẩn bị. Những người đứng đầu ngành tài chính của Hàn Quốc và Việt Nam đã đồng ý gặp gỡ thường xuyên để mở rộng hợp tác kinh tế, theo như Nội các Hàn Quốc nói trong một tuyên bố. 

Các công ty như Samsung và Lotte Group đang đi đầu trong các nhà đầu tư ở Việt Nam – những người từng tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh như dệt may, đang dấn bước vào sản xuất điện tử, dịch vụ và bán lẻ. 

Hàn Quốc bây giờ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam với tổng dầu tư trực tiếp đạt con số kỷ lục đến 7,4 tỷ USD trong 11 tháng của năm ngoái, theo Sở Thúc đẩy Thương mại – Đầu tư Hàn Quốc. Và Hàn Quốc cũng vượt qua Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam năm ngoái. Gần 1/3 xuất khẩu của Hàn Quốc đến Việt Nam là thiết bị bán dẫn và màn hình cho các dây chuyền sản xuất điện tử. 

Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh và dân số trẻ, Việt Nam cũng cung cấp một thị trường hấp dẫn cho các nhà bán lẻ. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 1 so với cùng kỳ năm trước là 7,4% và 1/3 dân số của họ ở độ tuổi 15 đến 34. 

Trong lĩnh vực bán lẻ, Lotte Group – đơn vị đang bị áp lực tại Trung Quốc vì việc triển khai THAAD, đang tìm cách bán các tạo dựng các chuỗi cửa hàng ở đây với kế hoạch tăng số lượng cửa hàng bán lẻ ở Việt Nam lên gấp 6 lần (từ 13 lên 87) vào năm 2020. E-mart Inc, đơn vị vận hành các cửa hàng giảm giá lớn nhất Hàn Quốc đang xây dựng cửa hàng thứ hai ở Việt Nam sau khi rút khỏi Trung Quốc vì buôn bán khó khăn. 

Đầu tư của Hàn Quốc đang giúp tăng trưởng và thịnh vượng ở Việt Nam. Samsung nói đơn vị này sử dụng 100.000 người tại các nhà máy ở Hà Nội trong khi con số của các công ty liên kết và cung cấp cho nó ước tính khoảng 300. 

Phát biểu ở Hà Nội tháng trước, Moon mô tả sự tăng cường quan hệ với Việt Nam là một hợp đồng cùng thắng. 

Moon nói: “Khoảng 5500 công ty Hàn Quốc hiện đang kinh doanh ở Việt Nam. 1 triệu công nhân Việt Nam có việc làm tốt và các công ty Hàn Quốc đang tăng trưởng nhanh dựa vào các công nhân Việt Nam năng động và cần cù”. 

Mối quan hệ đó đang được làm sâu sắc hơn. Trong chuyến thăm của Moon tới Việt Nam, hai nước và các công ty của họ đã ký 18 bản ghi nhớ. Nó là một phần của cái mà Moon gọi là chính sách Đông Nam mới, tăng cường liên kết với các thành viên của khối ASEAN trong khi giảm dựa vào quan hệ kinh tế và ngoại giao với Mỹ và Trung Quốc. 

Chắc chắn sự mở rộng thương mại và sản xuất ở Việt Nam sẽ chỉ mang đến giá trị hạn chế trong việc đối phó lại Trump và Bắc Kinh, đặc biệt nếu căng thẳng thương mại tồi tệ hơn. Nhiều sản phẩm mà các công ty Hàn Quốc đang làm tại Việt Nam được nhắm tới thị trường Trung Quốc và Mỹ. 

Kwak Sungil – Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Quốc tế tại Hàn Quốc nói: “Việt Nam và ASEAN không thể thay thế cho Mỹ và Trung Quốc nhưng họ là thị trường bổ sung mới để chuẩn bị chống lại các cú sốc ở hai nền kinh tế lớn kia”.

1 Nhận xét

  1. Bài phân tích chính xác về động lực khiến Hàn Quốc nỗ lực vào Việt Nam. Tuy nhiên, đễ tránh ảnh hưởng 1 chiều Việt Nam phải mở rộng thương mại và sản xuất với 2 đối tác lớn về quân sự, kinh tế và ngoại giao: Ấn và Nhật. Sau khi đưa được Ấn và Nhật lên tầm cỡ Hàn Quốc, cọng thêm liên kết song song vũ khí cao - Việt Nam mới thực sự có an ninh quân sự, kinh tế và ngoại giao để đối đầu áp lực Trung, Mỹ, mà khg bị thiệt thòi!

    Trả lờiXóa
Mới hơn Cũ hơn