Tàu sân bay năng lượng hạt nhân với chiều dài 333m và trọng tải 100.000 tấn là niềm tự hào của hạm đội Mỹ nhưng Bắc Kinh nghĩ chúng cũng là gót Asin của Washington.
Chuẩn Đô đốc Lou Yuan đã nói với các khán giả ở Thâm Quyến rằng tranh chấp tiếp diễn về chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông có thể được giải quyết bằng cách đánh chìm 2 siêu tàu sân bay Mỹ.
Hãng thông tấn trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin rằng ông Lou đã có một bài phát biểu rộng về quan hệ Mỹ - Trung. Nhà bình luận quân sự diều hâu cấp cao này được đưa tin là đã tuyên bố cuộc chiến thương mại gần đây “rõ ràng không đơn giản chỉ là va chạm kinh tế và thương mại” mà là một “vấn đề chiến lược căn bản”.
Bài phát biểu của ông Lou được đưa ra vào ngày 20/12/2018 trong hội nghị cấp cao Danh sách Công nghiệp Quân sự. Trong đó đã tuyên bố rằng các khả năng mới của Trung Quốc về tên lửa đạn đạo chống hạm và tên lửa hành trình chống hạm đã có nhiều khả năng hơn để đánh trúng tàu sân bay Mỹ dù cho nó nằm trong trung tâm của một “bong bóng” bảo vệ.
Ông Lou nói: “Điều Mỹ lo sợ nhất là sẽ bị tổn thương”. Ông nói việc mất một siêu tàu sân bay sẽ khiến Mỹ phải thiệt hại mạng sống của 5000 người trên tàu. Đánh chìm 2 chiếc thì thiệt hại sẽ cao gấp đôi. “Chúng ta sẽ xem người Mỹ lo sợ như thế nào”.
Những ngôn từ chiến tranh
Chuẩn Đô đốc Lou Yuan là Phó Hiệu trưởng Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc.
Trong phát biểu của mình, ông nói có “5 vấn đề quan trọng của Hoa Kỳ” có thể lợi dụng: quân đội của họ, tiền của họ, nhân tài của họ, hệ thống bầu cử của họ, và nỗi lo sợ đối thủ của họ.
Ông Lou - người giữ một vị trí trong học viện quân sự chứ không phải trong hoạt động thực tế đã nói rằng Trung Quốc nên “sử dụng sức mạnh của mình để tấn công các điểm yếu của đối phương; Tấn công vào nơi đối thủ lo sợ bị đánh và những nơi đối thủ yếu”.
Đây không phải lần đầu tiên một bình luận hung hăng như vậy được đưa ra và đây cũng chỉ là một phần trong sự gia tăng ngôn từ chiến tranh đều đặn giữa hai nước.
Hồi tháng 12 năm 2018, tờ Thời báo Hoàn Cầu đã xuất bản một quan điểm diều hâu tương tự như vậy khi nói về yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với Đài Loan, Biển Đông và biển Hoa Đông. Trong đó, ông Lou nói: “Nếu hạm đội Mỹ cập cảng Đài Loan, đó là lúc Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc triển khai binh sỹ để thúc đẩy thống nhất hòn đảo này”.
“Thống nhất hoàn toàn quốc gia là một đòi hỏi cần thiết. Thành tựu của 40 năm cải cách mở cửa đã mang lại khả năng và lòng tin cho việc bảo vệ chủ quyền của chúng ta. Những ai cố gây rối ở Biển Đông và Đài Loan nên cẩn thận về tương lai của họ”.
Đó chỉ là một trong một chuỗi những quan điểm diều hâu tương tự.
Trung tướng đã nghỉ hưu Vương Hồng Quang từng nói “Quân đội Trung Quốc có thể chiếm Đài Loan chỉ trong 100 giờ với thương vong vài chục người” và rằng “2018 là năm rối loạn ở Đài Loan và khả năng xung đột quân sự có thể diễn ra ở Đài Loan sớm. Nhưng chừng nào Mỹ chưa tấn công đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông thì chiến tranh chưa xảy ra ở khu vực này”.
Các tàu sân bay to lớn khổng lồ của Mỹ được xem là trung tâm của hải quân và cũng đại diện cho sức mạnh của quốc gia.
Với mức chi phí 8,5 tỷ USD một chiếc, các tàu sân bay là một khoản đầu tư kinh tế khổng lồ. Và các câu hỏi rằng liệu chúng có còn thích hợp với chiến tranh hiện đại đã và đang nổi lên.
Giống như các thiết giáp hạm được bọc thép và vũ trang nhiều pháo hạng nặng trước Thế chiến II, một số nhà phân tích quân sự cho rằng tiến bộ công nghệ đã làm những tàu sân bay lỗi thời. Trước kia, tàu sân bay có thể chiếu sức mạnh quân sự (thông qua máy bay nó mang) từ ngoài tầm nhìn và tầm phòng thủ của đối phương.
Giờ đây, với vệ tinh hiện đại và các radar vượt đường chân trời, tàu sân bay không còn giữ được khả năng không bị nhìn thấy nữa. Và các hệ thống tên lửa trên bờ có thể ở ngoài tầm với của các máy bay trên hạm, từ đó khiến tàu sân bay phải di chuyển vào vùng nguy hiểm trước khi nó có hiệu quả.
Nhưng các mạng lưới radar hạng nặng, mồi bẫy và hệ thống phòng thủ tên lửa trên tàu sân bay và trên các tàu hộ tống của nó được tin là có khả năng chống lại các cuộc tấn công từ các tên lửa thế hệ hiện tại.
Tuy nhiên cả Nga và Trung Quốc đã tuyên bố họ đang nhanh chóng đưa vào phục vụ một thế hệ vũ khí siêu thanh với đặc điểm đơn giản là nó di chuyển quá nhanh để có thể đánh chặn.
Nguồn: https://www.news.com.au/technology/innovation/military/sink-two-aircraft-carriers-chinese-admirals-chilling-recipie-to-dominate-the-south-china-sea/news-story/aaa8c33d57da62e7d5e28e791aa26e0f
Tags:
hau-truong-chinh-tri