Báo TQ: Tăng thiết giáp VN ngày nay có muốn học TQ cũng không học được

Tờ Toutiao hôm qua có bài viết với tiêu đề: “Bộ đội tăng thiết giáp Việt Nam thế kỷ trước từng hướng Giải phóng quân “bái sư”: Hiện tại muốn học cũng không học được”. 


Bài báo này viết: Truyền hình Việt Nam gần đây công khai hình ảnh hoạt động huấn luyện thường ngày của bộ đội tăng thiết giáp. Trong đó có thể thấy quân đội Việt Nam sử dụng thiết bị mô phỏng huấn luyện giống với thiết bị của quân đội Trung Quốc. Chiếc giá sắt này có chi phí thấp, thao tác dễ dàng, có tác dụng bổ trợ nhất định cho kỹ năng lái xe tăng của chiến sĩ mới. Tuy hai nước đều sử dụng nhưng tình hình hiện tại lại hoàn toàn khác biệt. Bộ đội tăng thiết giáp Việt Nam vẫn dùng những giá sắt này làm thiết bị huấn luyện chủ yếu còn quân Trung Quốc thì ngày càng ít sử dụng. Hiện nay trong quân đội Trung Quốc chỉ còn dùng nó cho người nhập môn. Vậy vấn đề đặt ra là: đều là bộ đội tăng thiết giáp, vì sao khác biệt lớn như vậy? 



Trước hết, bộ đội tăng thiết giáp của Việt Nam và Trung Quốc có thể gọi là có quan hệ “thày trò”. Trước đây, hồi tháng 8/1950, cơ quan tình báo Pháp tuyên bố rằng có học viên Việt Nam học lái xe tăng ở học viện quân sự Quảng Châu - Trung Quốc. Đến ngày 5/10/1950, quân đội Việt Nam thành lập đơn vị tăng thiết giáp đầu tiên là trung đoàn 202. Đơn vị này có nòng cốt là những người học ở Liên Xô và Trung Quốc trở về. Đây cũng là những hạt giống đầu tiên của bộ đội tăng thiết giáp Việt Nam. Trong nhiều năm sau đó, tăng thiết giáp Việt Nam cũng không ngừng học tập từ Liên Xô và Trung Quốc về chiến thuật và cách sử dụng vũ khí trang bị. Cho nên tính đến nay, bộ đội tăng thiết giáp Việt Nam trong hoạt động huấn luyện có tham khảo tiêu chuẩn của quân đội Trung Quốc cũng là điều có thể hiểu được. 

Thứ hai, các phương tiện của bộ đội tăng thiết giáp Việt Nam cũng tương đối lạc hậu, nhiều xe tăng chủ lực không có thiết bị điện tử và cũng không có năng lực tác chiến thông tin hóa. Chiếc giá sắt huấn luyện này gần như có thể mô phỏng đại bộ phận thao tác trên xe thật. Cái gọi là “tương đối lạc hậu” thật sự không phải là cố ý bôi đen Việt Nam. Gần đây họ mua 64 xe tăng T-90S nhưng cũng chỉ như muối bỏ biển. Có lẽ có người không tin, hiện tại trong bộ đội tăng thiết giáp Việt Nam, xe tăng và xe bọc thép chủ lực hoàn toàn khác biệt so với các trang bị đương đại, đại bộ phận trang bị hiện có đều là sản phẩm của thế kỷ trước, thậm chí có một số loại đáng lẽ nên cho vào bảo tàng nhưng vẫn kiên trì được giữ trong bộ đội tuyến 1. Dưới đây là một số ví dụ: 


Việt Nam vẫn sử dụng T-34/85. Xe tăng này là xe tăng chiến đấu chủ lực của Liên Xô trong Thế chiến thứ II. Thập niên 1960, sau khi Trung Quốc và Liên Xô giúp Việt Nam thành lập lực lượng tăng thiết giáp, T-34 bắt đầu hoạt động trong quân đội Việt Nam. Sau hơn 60 năm, những xe tăng T-34 này vẫn đang hoạt động. Từ các bức ảnh Việt Nam công bố năm 2018 cho thấy những xe tăng T-34 này vẫn được bảo dưỡng tốt không có han gỉ và sáng bóng như mới khiến mọi người khen ngợi. 


Pháo chống tăng Su-100 


Hiện tại Việt Nam vẫn đang sử dụng pháo tự hành chống tăng Su-100. Pháo này cũng là sản phẩm Liên Xô thời Thế chiến II. Tuy thời đó nó là một “hảo thủ” chống tăng nhưng với xe tăng hiện đại, hỏa lực chống tăng của Su-100 gần như không uy hiếp được. Tuy nói như vậy nhưng truyền thông Việt Nam lại không nghĩ thế. Truyền thông Việt Nam năm 2018 khi đưa tin về những chiến xa cấp độ bảo tàng này vẫn nói những pháo tự hành Su-100 này là một trong những pháo tự hành mạnh nhất của Việt Nam, đồng thời cũng cho biết những trang bị này tương đối cũ nhưng qua bàn tay vàng của các kỹ thuật viên Việt Nam bảo trì bảo dưỡng lại vẫn sáng bóng như mới. Nghe nói những pháo tự hành đồ cổ này của Việt Nam hiện đang phục vụ trong lữ đoàn tăng thiết giáp 574 của Quân khu 5. 

Xe tăng lội nước PT-76


Những xe tăng PT-76 này so với T-34 và Su-100 có mới hơn bởi vì nó được bắt đầu chế tạo năm 1947, và đến 1952 mới trang bị cho quân đội Liên Xô. Có tư liệu cho biết, xe tăng PT-76 của Việt Nam bắt đầu phục vụ cùng thời với T-34 vào thập niên 1950 đến 1960. Tuy nhiên đến nay Việt Nam vẫn giữ gìn nó cẩn thận. Hồi năm 2017 trong một chương trình của truyền hình quốc phòng của Việt Nam, nhân viên kỹ thuật Việt Nam thậm chí còn nghiên cứu chế tạo kính ngắm mới cho xe tăng này. Tuy trình độ công nghệ của hệ thống này không cao nhưng kiểu chí khí bất chấp tuổi tác này thật đáng kính phục. 

Xe tăng M41


Đây cũng là một loại xe tăng “mới” vì năm 1953 mới bắt đầu trang bị cho quân đội Mỹ. Những xe tăng M-41 của việt Nam là chiến lợi phẩm thu được sau chiến tranh với Mỹ. Khi quân Mỹ rút khỏi Việt Nam, họ chỉ mang đi những máy bay và trực thăng quý giá, những trang bị nặng của lục quân cơ bản không muốn mang đi. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, quân đội Việt Nam đã trang bị không ít loại xe tăng này của Mỹ. Nói cũng trùng hợp, loại xe tăng nặng hơn 20 tấn M41 này rất thích hợp với địa hình Việt Nam. Bộ đội tăng thiết giáp Việt Nam đối với nó rất ưa thích. Nhưng đáng tiếc là Việt Nam không thể tự chế tạo nó, đây có thể nói là một mối hận lớn. 

Xe tăng T-54/55


Việt Nam hiện vẫn trang bị các xe tăng chiến đấu T-59 do Trung Quốc viện trợ và các T-54/55/62 do Liên Xô viện trợ. Những xe tăng này là chủ lực của bộ đội tăng thiết giáp Việt Nam. Cho dù những xe tăng này đã phục vụ hàng chục năm nhưng so với các xe tăng nói ở trên thì nó vẫn là những xe “siêu cấp”. Quân đội Việt Nam cũng giữ tinh thần tiết kiệm nên đã bắt đầu cải tiến hiện đại hóa những xe tăng này nhưng tiến triển khá chậm nên việc nâng cao sức chiến đấu rất hạn chế. Nếu trên chiến trường tương lai gặp những xe tăng chiến đấu có pháo cỡ nòng 120mm hoặc 125mm, chúng liệu có chịu được? 

Do vậy có thể thấy, bộ đội tăng thiết giáp Việt Nam sử dụng “giá sắt” để huấn luyện vẫn là rất thích hợp. 

Cuối cùng, vì sao Giải phóng quân Trung Quốc không dùng những “giá sắt” này? Rất đơn giản, bởi vì Giải phóng quân đã hướng đến con đường phát triển kỹ thuật số rồi... 



Nguồn: https://www.toutiao.com/a6670120824181096964/

Bình luận: Bài viết trên đây dựa vào một công cụ hỗ trợ huấn luyện lái xe tăng của Việt Nam để chê cười. Tuy nhiên, trong những bình luận bên dưới bài viết, có một số người không nghĩ như vậy. Một người viết: “Người Nga cũng nhìn những chiếc H-6 của chúng ta như vậy, đừng cười người khác, khinh địch là đại kỵ”. Người khác viết: “điều quan trọng nhất là thích nghi chiến trường, xe tăng của chúng ta ở địa hình Việt Nam thích hợp mới được nếu không thì cũng không có sức chiến đấu”.




2 Comments

Tin liên quan

    -->