Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ 2 đã kết thúc mà không có thỏa thuận nhưng Việt Nam - người làm chủ nhà hội nghị, đã để lại một tác động lâu dài.
Năm ngoái, tại một quán rượu ở Washington DC, một người đàn ông đã hỏi tôi rằng chiến tranh Việt Nam đã kết thúc chưa. Câu hỏi của anh ấy là một ví dụ cho thấy nhận thức của nhiều người phương Tây về Việt Nam. Không phải vì di sản chiến tranh Việt Nam, cuối tháng 2 vừa qua, cả thế giới đổ dồn ánh mắt về Việt Nam - nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã thực hành một chính sách đối ngoại đa phương và hiệu quả, đặc biệt là với Mỹ. Tháng 11/2017, Tổng thống Trump đã có một chuyến công du châu Á. Việt Nam là điểm đến đầu tiên ở Đông Nam Á. Trump là tổng thống thứ hai (sau Richard Nixon) đã đến thăm Việt Nam trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ đầu tiên, và là Tổng thống Mỹ đầu tiên đã thăm Việt Nam trước khi thăm Philippines - một đồng minh lâu năm của Mỹ.
Một tháng sau chuyến đi của Trump, tháng 12/2017, Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, Đại tướng Terrence J. O’Shaughnessy đã ngồi trong buồng lái chiếc Su-30MK2 tại căn cứ không quân Biên Hòa. Máy bay Su-30MK2 là chiếc tiêm kích tiên tiến nhất của Không quân Nhân dân Việt Nam, và Mỹ là một “cựu thù” của Việt Nam. Hình ảnh tướng O’Shaughnessy trong chiếc Su-30MK2 có tính biểu tượng mạnh mẽ, minh họa cho sự gần gũi hơn của Mỹ với Việt Nam.
Sau đó, hồi tháng 3/2018, tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson và đoàn hộ tống của nó đã có chuyến thăm cảng Đài Nẵng. Điều này nâng cao hơn nữa hình ảnh quan hệ hợp tác.
Việt Nam đã làm sâu sắc quan hệ hợp tác với Mỹ cũng như với Hàn Quốc và Nhật Bản. Họ cũng vẫn duy trì quan hệ thân mật với Triều Tiên, điều đó cho phép Việt Nam đóng vai trò như một cây cầu để đóng góp vào hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Hợp tác Việt - Nhật đã mở rộng trong nhiều năm qua. Ví dụ, nhiều tàu hải quân của Nhật đã thăm các cảng Việt Nam những năm gần đây. Năm 2017, tàu chở trực thăng JS Izumo (DDH-183) - tàu chiến lớn nhất của Nhật kể từ Thế chiến II, đã có chuyến hành trình ra nước ngoài lần đầu tiên khi nó thăm Việt Nam. Các tàu chiến khác của Nhật cũng đã cập cảng Việt Nam.
Tháng 9/2018, tàu khu trục của Hải quân Hàn Quốc ROKS Moon Mu the Great (DDH-976) đã cập cảng Đà Nẵng trong chuyến thăm Việt Nam 4 ngày. Trong chuyến hải trình này, tàu ROKS Moon Mu the Great đã làm Trung Quốc tức giận khi nó đi gần vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông.
Các đời tổng thống trước đã thất bại trong việc giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và tìm một giải pháp ngoại giao để bình thường hóa với Triều Tiên, một phần là vì các giải pháp của họ có liên quan đến sự trợ giúp của Trung Quốc. Trump tin rằng đây là cơ hội của ông để có một di sản lâu dài.
Thách thức cho các giao kèo của Trump là bất kỳ nỗ lực hiệu quả nào để giải quyết vấn đề Triều Tiên sẽ đòi hỏi sự tham gia của Trung Quốc. Đây sẽ là một khó khăn khi căng thẳng Mỹ - Trung đang leo thang vì chiến tranh thương mại. Washington không nên trông đợi hỗ trợ từ Bắc Kinh trong thỏa thuận với Bình Nhưỡng, và cũng nên thận trọng với Tokyo và Seoul, bởi vì ngoại giao thương mại của Trump có thể đặt các lợi ích của Nhật, Hàn trong cùng một hàng với Bắc Kinh.
Trong suốt giai đoạn bất ổn ngoại giao này, Hà Nội đã duy trì một mối quan hệ thân mật và gần gũi với Bình Nhưỡng. Đồng thời cũng phát triển quan hệ sâu hơn với Tokyo và Seoul. Từ đó, Việt Nam đã tình cờ trở thành một trung tâm liên lạc ngoại giao giữa Washington, Seoul, Tokyo và Bình Nhưỡng.
Có thể sẽ còn nhiều năm nữa để Washington và Bình Nhưỡng đạt một thỏa thuận ngoại giao. Thất bại của Washington và Bình Nhưỡng trong việc đạt một thỏa thuận ở Hà Nội tháng trước có thể là một dấu hiệu rằng cần có thời gian cho hai nước phát triển một quan hệ mạnh mẽ hơn. Nhưng dù sao thì địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh này và kết quả của nó đã đưa ra một cách tiếp cận ngoại giao sáng tạo đối với tiến trình ngoại giao Mỹ - Triều. Nó đã cho thấy Việt Nam có thể đóng một vai trò mới trong vũ đài quốc tế thông qua những đóng góp vào đối thoại hòa bình và hoạt động ngoại giao tiên phong, có tính xây dựng trong hội nghị thượng đỉnh lần 2 Mỹ - Triều Tiên.
Nguồn: https://nationalinterest.org/blog/korea-watch/vietnam-proves-valuable-during-second-north-korea-summit-49197