Hàng trăm ngàn người đã diễu hành trên đường phố Hong Kong ngày 9/6 nhằm chống một dự thảo luật cho phép dẫn độ những người tình nghi về Trung Quốc xét xử.
Cuộc biểu tình đã rơi vào bạo lực vào những giờ đầu ngày 10/6 sau khi người biểu tình cố gắng xông vào cơ quan lập pháp của vùng lãnh thổ bán tự trị này - nơi sẽ bỏ phiếu cho đạo luật đang bị phản đối trong những ngày tới.
Hàng trăm cảnh sát vũ trang chống bạo loạn được trang bị gậy, khiên, súng hơi cay và bình xịt hơi cay đã dàn kín lối vào tòa nhà Hội đồng Lập pháp trong khi một nhóm người biểu tình tấn công vào hàng ngũ của họ.
Cảnh sát ước tính đã có 240.000 người tụ tập nhưng những người tổ chức biểu tình nói đã có hơn 1 triệu người tham gia vào hoạt động được xem là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ cuộc biểu tình phản đối luật an ninh quốc gia năm 2003.
Người tổ chức là Mặt trận Nhân quyền Dân sự tuyên bố đây là cuộc tập hợp lớn nhất trong 3 thập kỷ qua, chỉ đứng sau cuộc biểu tình năm 1989 với 1,5 triệu người tham gia để hỗ trợ cho cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn ở Trung Quốc.
Đưa tin từ Hong Kong, Sarah Clarke của Al Jazeera nói rằng người biểu tình xung quanh khu vực tòa nhà lập pháp đã bị giải tỏa nhưng dự kiến trong những ngày tới sẽ có những cuộc biểu tình khác.
Loading...
Trong một bài xã luận trên tờ China Daily, người ta cáo buộc “một số lực lượng nước ngoài” đang cố gắng làm tổn thương Bắc Kinh bằng cách tạo ra sự hỗn loạn ở Hong Kong. Bài xã luận có đoạn viết: ‘Bất kỳ người nào có đầu óc công bằng cũng sẽ coi dự luật sửa đổi là một điều luật hợp pháp, hợp lý nhằm củng cố luật pháp của Hong Kong. Thật không may, một số cư dân Hong Kong đã bị phe đối lập và các đồng minh nước ngoài của họ lừa bịp để ủng hộ cho chiến dịch chống dẫn độ của họ.
Trong khi đó những người phản đối nói rằng hệ thống luật pháp Trung Quốc sẽ không bảo đảm các quyền tương tự cho những bị cáo như ở Hong Kong. Người biểu tình tin rằng dự luật này sẽ gây tổn hại cho vai trò luật pháp của thành phố này và đặt nhiều người vào nguy cơ bị dẫn độ đến Trung Quốc vì các tội danh chính trị.
Trong cuộc biểu tình này, nhiều người cũng mang những chiếc ô vàng - một thứ đã thành biểu tượng của sự kháng cự bị động trong các cuộc biểu tình năm 2014 khi công dân đòi hỏi bầu cử minh bạch hơn.
Nguồn: https://www.aljazeera.com/news/2019/06/hong-kong-sees-umbrella-protest-china-extradition-bill-190609072541194.html.
Mõ Quốc Tế bình luận: Biểu tình ở Hong Kong diễn ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tác động tiêu cực lên nền kinh tế Trung Quốc. Những cuộc biểu tình này tuy danh nghĩa là phản đối một dự thảo luật về an ninh nhưng nó cũng là một sự kiện làm cho Trung Quốc phải bối rối vì họ vốn đã rất bận rộn với các đòn đánh về thương mại và công nghệ của Mỹ. Quy mô của cuộc biểu tình lần này cho thấy nó không phải hành động bột phát mà có sự tổ chức điều hành chặt chẽ. Do vậy chính phủ Bắc Kinh cho đây là một sự việc có bàn tay can thiệp của thế lực nước ngoài có lẽ cũng không phải là một “sự đổ thừa”.
Cuộc biểu tình này cũng diễn ra vào một thời điểm khá nhạy cảm là kỷ niệm 30 năm sự kiện Thiên An Môn. Trong thời gian một năm qua, Trung Quốc đã lần lượt phải đối mặt với mấy đòn tiến công về chính trị và ngoại giao: Từ vụ cáo buộc giam giữ hàng triệu người ở Tân Cương, tiếp đó là Mỹ tăng cường quan hệ với Đài Loan, rục rịch bán cho Đài Loan hàng tỷ USD vũ khí tiên tiến hơn; đến nay là biểu tình quy mô lớn ở Hong Kong. Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan đều là những chỗ nhạy cảm đối với Trung Quốc. Từ những sự kiện này có thể phỏng đoán rằng: Các đòn tiến công vào Trung Quốc này không diễn ra bột phát, ngẫu nhiên mà đang được tổ chức và chỉ đạo thống nhất từ một ai đó.