Icon

Hồ Sơ

Hồ Sơ

31 July 2019

Báo Ấn Độ: Thuyết 'TQ trỗi dậy hòa bình' đang bị thử thách ở Biển Đông

Các báo cáo đang xuất hiện về một sự cố nghiêm trọng khác diễn ra trên Biển Đông, liên quan đến một tàu khảo sát Trung Quốc gọi là Hải Dương Địa Chất số 8 và các hoạt động của nó nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Tàu Hải Dương Địa Chất này đang được hộ tống bởi nhiều tàu hải cảnh và tàu đánh cá Trung Quốc và từ 4/7 nó đã thực hiện các khảo sát hàng hải trong vùng biển Việt Nam.

Trong thực tế, cho đến nay, vị trí gần nhất của nhóm tàu Trung Quốc có lúc chỉ cách đường cơ sở của Việt Nam 36 hải lý và cách giới hạn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 31 hải lý. 



Hơn nữa, đã có báo cáo rằng nhóm tàu Trung Quốc đã bị phát hiện gần lô dầu khí 06-1 của Việt Nam - nơi liên doanh giữa PetroVietnam, Rosneft của Nga và ONGC của Ấn Độ đã thường xuyên khai thác dầu khí trong 17 năm qua. Khu vực này nằm hoàn toàn trong thềm lục địa Việt Nam như quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Do đó, sự hiện diện của Trung Quốc không thể được giải thích là ôn hòa và là một vấn đề lo ngại cho Việt Nam, Nga và cả Ấn Độ. 

Nếu như điều này là chưa đủ thì những tàu hải cảnh hộ tống của Trung Quốc thậm chí được báo cáo là đã phun vòi rồng vào các tàu thực thi pháp luật Việt Nam trong khu vực này và thực hiện những cú cơ động nguy hiểm để đâm va vào các tàu Việt Nam. 

Theo các nguồn tin ngoại giao Việt Nam, Việt Nam đã liên lạc với phía Trung Quốc nhiều lần qua nhiều kênh khác nhau và trao công hàm phản đối về vụ việc. Hà Nội đã yêu cầu nhóm tàu Trung Quốc rút khỏi vùng biển lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế của mình ngay lập tức. Tuy nhiên phía Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của họ. 

Vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và khu vực tàu khảo sát TQ đang hoạt động phi pháp. 

Không có gì phải phủ nhận là Biển Đông là một vấn đề nhạy cảm. Trung Quốc, dựa trên sự giải thích lịch sử của họ đã yêu sách gần như toàn bộ Biển Đông trong khi các nước ASEAN như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cũng đặt ra các yêu sách cạnh tranh. 


Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Quốc cùng với sự bùng nổ kinh tế và trỗi dậy quân sự, đã quyết đoán trong khu vực Biển Đông. Họ đã xây các đảo nhân tạo, mở rộng các bãi đá ngầm và thậm chí thiết lập căn cứ quân sự và đường băng để thúc đẩy yêu sách. Đồng thời, họ bác bỏ yêu sách của các quốc gia ven biển khác trong khu vực và cự tuyệt lại phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế năm 2016 bác bỏ yêu sách của họ ở Biển Đông. 

Điều có thể hiểu được là Trung Quốc xem Biển Đông là một khu vực sống còn cho lợi ích của họ. Dù sao thì 70% dầu thô và 90% tàu thương mại của họ phải đi qua vùng biển này. Do đó, với việc ngày nay Trung Quốc đang trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ, Bắc Kinh có thể xem Biển Đông như một cái yết hầu mà Mỹ và đồng minh của Mỹ có thể siết chặt để gây tổn thương Trung Quốc. 

Vì lý do đó, Bắc Kinh có thể cảm thấy cần thiết phải thống trị khu vực này. Tuy nhiên Trung Quốc cũng nên nhận ra rằng Biển Đông cũng là khu vực sống còn với các láng giềng châu Á và các nước bên ngoài khu vực nhưng có cổ phần ở đây. Ví dụ gần 50% tàu Ấn Độ đi qua vùng biển này và New Delhi có lợi ích dầu khí chính đáng trong vùng biển này. 

Tổng kết lại, các nước khác nhau có thể có yêu sách chủ quyền chồng lấn trên Biển Đông nhưng không nước nào có thể chiến thắng ở đây bằng cách chơi một canh bạc ăn hết của đối phương. Nếu Trung Quốc đơn phương quyết đoán trong khu vực thì điều đó sẽ gây nguy hại cho quan hệ kinh tế sâu sắc của họ với các láng giềng ASEAN. Điều đó đơn giản là không có giá trị gì về lâu dài. 



Bên cạnh đó, câu hỏi mà Trung Quốc cần tự hỏi bản thân là liệu họ muốn trỗi dậy hòa bình hay là trỗi dậy phẫn uất. Nếu sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến người khác phẫn uất thì nó không bao giờ có thể đạt được mục tiêu trở thành một đất nước cộng sản chủ nghĩa vĩ đại. 

Một hàng xóm đầy căng thẳng sẽ luôn luôn cản trở tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc. Sự tăng trưởng năng lực công nghệ của Trung Quốc sẽ không thể đạt được tầm cao đầy đủ vì năng lượng sẽ bị phí phạm vào các tranh chấp không cần thiết. 

Điều này lại đưa đến một câu hỏi lớn hơn cho Trung Quốc: Khi Bắc Kinh trỗi dậy, ý tưởng văn minh của họ cho thế giới là gì? Liệu họ có tin vào chủ nghĩa đơn phương không? Nếu như vậy thì một số lời buộc tội mà họ đặt ra chống lại Mỹ cũng sẽ rơi vào ngưỡng cửa của họ. 


Mặt khác, Trung Quốc có thể mang lại sự hòa hợp kinh tế và thịnh vượng chung. Nhưng để làm điều này thì Trung Quốc sẽ phải bỏ cách tiếp cận hung hăng hiện nay với các vấn đề như Biển Đông. Thay vào đó, họ nên tăng tốc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý về Biển Đông. Hợp tác, an ninh chung và chia sẻ công bằng các nguồn tài nguyên cùng lợi ích nên là câu thần chú ở đây. 

Tuy nhiên trước khi đến được ngày đó, các nước như Việt Nam, khối ASEAN, Mỹ, Nga, Ấn Độ cần nêu vấn đề về sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và nhấn mạnh vào tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng luật pháp quốc tế và giữ gìn sự bất khả xâm phạm của vùng EEZ chính đáng. 

Nguồn: https://timesofindia.indiatimes.com/blogs/talkingturkey/rumble-at-sea-chinas-peaceful-rise-theory-is-being-tested-in-the-south-china-sea/

No comments:
bình luận nhận xét bạn đọc

Note: Only a member of this blog may post a comment.