Có phải TQ đang thua trong cuộc chiến PR với Mỹ?

Trong một buổi thuyết trình tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh tuần trước, nhà kinh tế học xuất chúng Yu Yongding đã có một câu hỏi: Tại sao không có công ty Trung Quốc nào bị Mỹ cáo buộc đánh cắp sở hữu trí tuệ lên tiếng tự bảo vệ và đấu tranh? 


Yu Yongding vốn là một cựu cố vấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã nói: “Trung Quốc đã thua thiệt rất nhiều trong cuộc chiến tuyên truyền này. Đây là chuyện chúng ta cần sửa chữa. Nói cách khác, trong lĩnh vực công luận, dù cho có việc chúng ta làm có lý nhưng cũng sẽ trở thành phi pháp”. 

Như Yu nhấn mạnh, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng Twitter về Trung Quốc hơn 100 lần kể từ khi bắt đầu chiến tranh thương mại hồi tháng 7 năm ngoái, chính phủ Trung Quốc lại im lặng hơn nhiều. 



Các nhà phân tích nói rằng sự mất cân bằng truyền thông này đã cho phép Mỹ thống trị các thông tin về chiến tranh thương mại khi Bắc Kinh chỉ dựa vào hệ thống truyền thông nhà nước được kiểm soát cẩn thận của họ để đưa các câu chuyện của phía mình và vật lộn để thu hút khán giả quốc tế. 

Rào cản cho bộ máy tuyên truyền quan liêu của Trung Quốc chủ yếu là nó thiếu hiểu biết về công chúng phương Tây, sự hạn chế trong các ranh giới chính thức và các định kiến hiện có về Trung Quốc. 


Jonathan Hassid - Trợ lý giáo sư khoa học chính trị và là nhà nghiên cứu về truyền thông Trung Quốc tại Đại học Iowa nói: “Sự thiếu hiệu quả của chiến lược truyền thông của Trung Quốc là điều có thể thấy trong chiến tranh thương mại. Mặc dù rất ít lãnh đạo thế giới hoặc dân chúng của họ có cảm tình hay tin tưởng Trump nhưng cũng không ai tin tưởng phía còn lại (tức Trung Quốc). Và Trump có thể kiểm soát hữu hiệu các tường thuật của báo chí quốc tế ngay cả khi đối mặt với một truyền thông tương đối thù địch”. 

Trong khi Trump tổ chức cuộc họp báo 70 phút sau cuộc gặp cấp cao với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G-20 hôm 29/6, thì hãng thông tấn chính thức Trung Quốc là Tân Hoa Xã chỉ xuất bản một tuyên bố rất ít có ảnh hưởng về cuộc gặp này, trong đó nó không đề cập đến thảo luận về lệnh cấm của chính phủ Mỹ đối với người khổng lồ công nghệ Huawei. 


Nhưng Huawei - công ty có lợi ích kinh doanh quan trọng khắp thế giới, đã ở tuyến đầu và trung tâm trong cơn bão thương mại Mỹ- Trung ngay từ khi cuộc chiến bắt đầu. Công ty này - vốn tuyên bố không có liên hệ gì với chính phủ Trung Quốc, cũng bị loại trừ ra khỏi các tường thuật chiến tranh thương mại, đã lớn tiếng bảo vệ bản thân trước các cáo buộc từ đánh cắp công nghệ đến lách trừng phạt Iran. 

Trong khi Tập Cận Bình gặp Trump ở Osaka, người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi ở trụ sở công ty tại Thâm Quyến nói với các phóng viên về tương lai công nghệ 5G và làm sao Canada ra khỏi mớ bòng bong hiện nay với Trung Quốc vì vụ bắt giữ hai người Canada ở Trung Quốc vì cáo buộc đánh cắp bí mật nhà nước. 


Kể từ khi con gái Nhậm Chính Phi là Sabrina Mạnh Vãn Chu bị bắt ở Vancouver tháng 12 năm ngoái, cô ta đang đối mặt khả năng bị dẫn độ về Mỹ, vị tỷ phú 74 tuổi này - người đã tránh xuất hiện công khai hàng thập kỷ, đã có nhiều cuộc phỏng vấn với truyền thông phương Tây. 

Jiang Min - giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học Bắc Carolina tại Charlotte nói rằng sự xuất hiện truyền thông của Nhậm cho phép ông xuất hiện bằng xương bằng thịt trước công chúng quốc tế. 



Jiang, người trước đây đã làm việc cho đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV nói: “Việc ông Nhậm xuất hiện và kể các câu chuyện của phía mình với khán giả quốc tế là điều rất hiếm. Ông ấy có cơ hội trình bày câu chuyện của phía mình và ông ấy đã làm khá tốt. Nhưng đồng thời, ông ấy không phải một nhân vật công chúng... vẫn có rất nhiều khác biệt văn hóa, và hầu hết khán giả Mỹ, họ không hiểu nhiều về Trung Quốc”. 

Với việc thiếu một bộ mặt công khai, Bắc Kinh đã vấp váp trong cuộc chiến quan hệ công chúng trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi tất cả quan chức cấp cao Trung Quốc không có bình luận công khai. Họ chủ yếu dựa vào những người phát ngôn chính phủ mà những người này thì chỉ nói đúng những gì được cho phép. 


Hassid nói rằng nơi Trung Quốc thành công là trong việc kiểm soát các tường thuật và thảo luận về chiến tranh thương mại trong nội địa. Các phương tiện truyền thông nhà nước kiểm soát đã nhận chỉ đạo trực tiếp về việc giảm tin bài về chiến tranh thương mại và tránh những chủ đề nhất định. Trong khi đó, kiểm duyệt trên internet Trung Quốc xem “chiến tranh thương mại” và “Hoa Kỳ” là những khái niệm bị kiểm duyệt trên các mạng xã hội như WeChat từ năm ngoái, theo WeChatScope - một dự án theo dõi các bài báo bị kiểm duyệt trên ứng dụng này tại Đại học Hongkong. 

Hassid nói: “Tuy nhiên tôi nghi ngờ rằng nếu nền kinh tế trì trệ hơn nữa, khoảng cách giữa những tuyên bố màu hồng của truyền thông chính thức và thực tế sẽ trở thành một khoảng cách nhìn thấy được”. 

Và trong khi truyền thông nhà nước như Nhân dân Nhật báo thường xuyên đăng các xã luận hùng hồn trên trang nhất nhưng những bài luận dài này gần như không có tác động nào đến khán giả quốc tế. 


Wei Zongyou - Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Fudan ở Thượng Hải nói: “Trung Quốc vẫn còn nhiều khoảng trống cần cải thiện trong cách phát thông điệp. Chỗ này bao gồm các thông tin truyền thông chính xác đối với phía Mỹ, các kênh và phương pháp gửi thông tin, và chia sẻ thông tin nội địa”. 

Trong khi đó, vẫn có những chi tiết khác biệt trong truyền thông Trung Quốc cho những đối tượng khác nhau: những người ở đại lục, người Trung Quốc ở nước ngoài và người nước ngoài không nói tiếng Trung Quốc. Các bình luận liên quan thương mại từ Nhân dân Nhật báo - tờ báo đã phân biệt các biên tập cho nội địa và hải ngoại - thường có khác biệt rõ rệt khi đọc bằng tiếng Trung và bằng tiếng Anh. 

Phiên bản bình luận bằng tiếng Trung của tờ báo này về cáo buộc Trung Quốc cưỡng bức chuyển giao công nghệ nói rằng: Một số người ở Mỹ bị mù và điếc, không phải vì vấn đề thị lực hoặc thính giác mà vì vấn đề tâm lý của họ. Kết quả là những gì mọi người trên thế giới thấy là một lối suy nghĩ khờ dại mà họ đắm mình vào và không thể tự thoát ra”. 



Nhưng phiên bản bằng tiếng Anh thì lại mềm mỏng hơn: “Một số người ở Mỹ bị điếc trước thực tế rằng các tiến bộ công nghệ của Trung Quốc đến từ nỗ lực làm việc, tri thức và sáng tạo của nhân dân Trung Quốc. Chấp vào một tư duy như vậy, bản thân Mỹ đang trở thành một trò cười của thế giới”. 

Zeng Yuan - chuyên gia truyền thông chính trị tại Đại học Leeds nói truyền thông Trung Quốc đã cố tìm cách duy trì “cân bằng tế nhị” trong việc lan truyền chủ nghĩa dân tộc trong nội địa mà không trở nên quá diều hâu trong mắt công chúng quốc tế khi phiên bản tiếng Anh sẻ dụng ngôn ngữ ít hung hăng hơn. 

Bà Zeng mô tả chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc là không hiệu quả khi chống với tiếng nói đa dạng từ những người ủng hộ và chỉ trích Trump. Nguyên nhân một phần là vì Trung Quốc thiếu minh bạch, chống lại yêu sách của Mỹ nhưng không cung cấp thông tin cụ thể. Phần còn lại là vấn đề uy tín hiện tại của truyền thông nhà nước Trung Quốc. 

Lược từ SCMP: https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3017582/chinas-propaganda-machine-losing-public-relations-battle-us

Post a Comment

Tin liên quan

    -->