Nhà tư tưởng Nga Aleksandr Dugin đã viết cuốn sách “Cơ sở Địa chính trị” mà một số người tin rằng nó đã được sử dụng như một cuốn sách giáo khoa trong Học viện Tổng tham mưu của Nga. Cuốn sách này có một chương trình bày kế hoạch thôn tính người láng giềng Trung Quốc.
Sách của ông Dugin nói rằng kế hoạch này phải bắt đầu từ những tỉnh dân cư thưa thớt của Trung Quốc như Tân Cương hoặc Tây Tạng trước khi tiến đến Mãn Châu - nơi mà trước đó Mông Cổ nên chiếm giữ, như vậy sẽ tạo ra một vùng đệm giữa hai cường quốc. Cuốn sách chưa được dịch từ bản gốc tiếng Nga nhưng một bản dịch không chính thức cho thấy nó nói rằng Trung Quốc “phải bị phân rẽ càng nhiều càng tốt”.
Dugin thậm chí đề xuất rằng sẽ bồi thường địa chính trị cho Bắc Kinh ở Campuchia, Lào, Philippines, Indonesia và Australia.
Tuy nhiên chuyên gia Steve Sestanovich - giáo sư trường Quốc tế và Công vụ tại Đại học Columbia đã bác bỏ khả năng xung đột nổ ra giữa Nga và Trung Quốc. Ông nói: “Tư tưởng của Dugin về Trung Quốc từ thập niên 1990 phản ánh sự không thoải mái của Nga khi sống quá gần một láng giềng năng động và quyền lực, nhưng dù sao nó cũng không phản ánh chính sách Trung Quốc đương đại của Nga. Với Putin, quan hệ gần gũi với Trung Quốc là một thành công chiến lược quan trọng để bù đắp cho sự ghẻ lạnh của phương Tây. Nếu quan hệ Nga - Trung đi xuống thì sẽ là một thất bại to lớn với ông”.
Ông Dugin cũng được cho là có quan hệ mạnh mẽ với cả quân đội Nga và điện Kremlin.
Tuy nhiên Sestanovich không đánh giá cao ảnh hưởng của Dugin trong chính trị hiện đại Nga: “Đừng phóng đại ảnh hưởng của Dugin. Với một số người trong tầng lớp tinh hoa về an ninh quốc gia, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của ông ấy có thể phù hợp với sở thích cá nhân của họ. Nhưng trong chính sách cụ thể họ sẽ không khuynh hướng theo Dugin. Nếu bạn là một tướng lĩnh Nga, bạn có lẽ biết một chút về Dugin nhưng nếu nhắc lại đề xuất của ông ấy trong một cuộc hợp chắc chắn sẽ khiến bạn bị xem là một kẻ ngu ngốc”.
Thật vậy, Vladimir Putin đã được Tập Cận Bình trao tặng Huân chương Hữu nghị là huân chương cao nhất của Trung Quốc. Tương tự như vậy, ông Tập Cận Bình đã được trao Huân chương Hiệp sĩ Saint Andrew - huân chương cao nhất của Liên bang Nga.
Moscow và Bắc Kinh được xem là đồng minh và chia sẻ các quan điểm tương đồng về một số vấn đề địa chính trị. Cả hai đã tiếp tục những hỗ trợ lịch sử cho Chính phủ Syria và ủng hộ chế độ Bashar al-Assad.
Bất chấp việc cả hai nước theo chế độ cộng sản trong thời Chiến tranh Lạnh, giữa thập niên 1950 hai nước đã chia rẽ.
Sau khi Nikita Khrushchev lên án Joseph Stalin, sự khác biệt chính sách của Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã ngày càng sâu sắc với việc Mao Trạch Đông gọi Liên Xô là “những kẻ phản bội theo chủ nghĩa xét lại”. Cả hai nước sau đó cạnh tranh để trở thành người dẫn đầu chủ nghĩa cộng sản toàn cầu.
Tiếp đó, Đặng Tiểu Bình nắm quyền ở Trung Quốc sau cái chết của Mao Trạch Đông và sự kết thúc của Cách mạng Văn hóa. Đặng đã mở cửa Trung Quốc cho đầu tư nước ngoài và tiến hành cải cách, hiện đại hóa Trung Quốc. Những thực tế thay đổi ở Trung Quốc đã phản ánh trong chính sách Perestroika ở Liên Xô báo hiệu sự kết thúc của thời kỳ chia rẽ Trung - Xô.
Nguồn: https://www.express.co.uk/news/world/1154785/Russia-China-World-War-3-news-war-Aleksandr-Dugin-invasion-cold-war