Rộ tin đồn Việt Nam đưa tàu chiến Gepard ra Tư Chính

Trong bối cảnh tình hình đối đầu ở thềm lục địa phía Nam đang diễn ra căng thẳng, trên mạng gần đây xuất hiện tin đồn về việc Việt Nam đã cử tàu chiến ra khu vực Tư Chính.


Cụ thể là ông Ryan Martinson, trợ lý giáo sư tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ hôm 17/8 đăng lên mạng xã hội Twitter một hình ảnh đồ họa trích từ dữ liệu theo dõi tàu thuyền. Trong phần mô tả Martinson viết: “Đồ họa này cho thấy đường đi của Haiyang Dizhi 8 (điển hình đường đi ‘di chuyển chậm’ của một tàu khảo sát) và tàu Quang Trung rõ ràng đã tìm cách ngăn chặn hoạt động của nó. 




Sau bài đăng này của Ryan Martinson, một số tờ báo ở hải ngoại cùng với một số cư dân mạng trong nước đã xôn xao dự đoán căng thẳng có thể leo thang thành xung đột quân sự. 

Bên cạnh đó, ông Alexander Vuving - giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương hôm 17/8 đã chia sẻ lại bài đăng của Ryan Martinson kèm theo bình luận cá nhân rằng: “Sự giao tranh tương tự như các tàu khảo sát Trung Quốc với tàu hải quân Việt Nam đã xảy ra trong gần như cùng khu vực này năm 1994”. 


Trong khi đó, trên fanpage Facebook Đơn vị Tác chiến điện tử ngày 18/8 có thông tin phản bác lại sự việc này như sau: “Thông tin Việt Nam điều tàu hộ vệ Quang Trung (FFG-016) ra đối đầu là sai hoàn toàn, bắt nguồn từ việc tín hiệu “VNPS Quang Trung” xuất hiện sát nhóm tàu khảo sát Trung Quốc trên bản đồ vệ tinh. Rất tiếc đây là sự cố trong hệ thống nhận diện tự động (AIS) của tàu biển. 


Tàu hộ vệ Quang Trung chắc chắn không xuất hiện tại khu vực đối đầu với Trung Quốc. Cái này chúng tôi đã thông báo từ tối 16/8 sau khi phát hiện vấn đề với AIS, nhưng có vẻ mấy chuyên gia Tây ngồi soi bản đồ lại mắc sai lầm”. 

Theo quan điểm cá nhân của Mõ, việc tín hiệu VNPS Quang Trung xuất hiện ở khu vực Việt Nam và Trung Quốc đang đối đầu trên biển cũng chưa thể biết rõ là thế nào. Nó hoàn toàn có thể là tín hiệu của một tàu vận tải, tàu dân sự nào đó được định danh như vậy. Nó cũng có thể là do lỗi hệ thống AIS như fanpage Tác chiến điện tử nói. Và tất nhiên cũng có thể đó chính là tín hiệu của tàu Quang Trung. 

Tuy nhiên, đứng trên quan điểm chiến lược đấu tranh thì sự xuất hiện của tàu chiến Quang Trung ở khu vực đối đầu là rất ít có khả năng xảy ra. Hẳn quý vị còn nhớ, trong chương trình nói về việc Philipines tin bạn mất bò, tôi đã có tóm tắt cho quý vị là năm 2012, vì Philippines thiếu phương tiện của lực lượng chấp pháp nên phái một tàu của hải quân ra khu vực đang đối đầu với Trung Quốc ở Scarborough. Lấy cớ Philippines dùng tàu quân sự để giải quyết tranh chấp trên biển, Bắc Kinh đã lập tức leo thang cử nhiều tàu chiến đến khu vực này. 



Mặt khác, Việt Nam đã có tầm nhìn xa trông rộng về vấn đề sử dụng lực lượng phi quân sự cho tranh chấp lãnh thổ trên biển khi thành lập Cảnh sát biển từ năm 1998. Mặc dù Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển trực thuộc Bộ Quốc phòng nhưng về danh nghĩa nó là lực lượng thực thi pháp luật trên biển chứ không phải lực lượng quân sự. 




Trong 10 năm trở lại đây, Cảnh sát biển Việt Nam đã được ưu tiên đầu tư để tiến thẳng lên hiện đại. Ngoại vấn đề về trang bị hỏa lực ra thì các tàu của Cảnh sát biển Việt Nam hiện nay, mà chủ lực là thiết kế tàu DN2000 còn hiện đại hơn cả tàu của hải quân. Tới đây lại còn có chương trình đóng tàu DN4000 với trọng tải hơn 4000 tấn. Tại sao Việt Nam đầu tư đóng tàu cho Cảnh sát biển hiện đại hơn cả tàu hải quân? Vấn đề đó tôi đã có dịp trình bày trong chương trình VN Youtuber dưới đây.



Tầm nhìn xa trông rộng của Việt Nam về vai trò của lực lượng thực thi pháp luật trên biển (hiện nay gồm Cảnh sát biển và Kiểm ngư) trong tranh chấp biển đảo là điều mà ngay chính học giả Trung Quốc cũng đã phải đánh giá cao.



Hơn nữa, với kinh nghiệm còn nóng hổi của Philippines năm 2012, không dại gì mà Việt Nam lại lộ liễu phái tàu chiến của hải quân ra giữa vùng đang đối đầu tranh chấp với Trung Quốc như vậy. Bởi vì Trung Quốc sẽ chỉ chờ có vậy để lu loa Việt Nam dùng lực lượng quân sự để đe dọa tàu dân sự của họ để rồi phái nhiều tàu quân sự đến khu vực leo thang căng thẳng. 




Với những phân tích như trên, tôi cho rằng, trong khi đối đầu vẫn tiếp diễn ở gần Tư Chính thì các lực lượng quân sự của Việt Nam có liên quan đều đã được đặt vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, một số tàu hải quân cũng có thể đã được phái đến những khu vực xung yếu để tuần tra và túc trực đề phòng tình huống xấu. Tuy nhiên tôi tin chắc rằng tàu hải quân của Việt Nam sẽ không bao giờ xuất hiện trực tiếp trong khu vực đang diễn ra đối đầu. Nhiều nhất là các tàu này sẽ xuất hiện ở tuyến sau để trợ uy cho Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam.

Nguồn tham khảo:
https://twitter.com/Alex_Vuving/status/1162852524849684481
https://twitter.com/rdmartinson88/status/1162786417375895553
https://www.facebook.com/WarComissar/photos/a.213966772059624/2343921439064136/?type=3&theater

Post a Comment

Tin liên quan

    -->