Con tàu sát Trung Quốc đã ở vào tâm điểm của cuộc đối đầu với Việt Nam ở Biển Đông mấy tháng qua đã quay trở lại vùng biển gần lãnh thổ Trung Quốc vào chiều hôm qua, theo dữ liệu từ website theo dõi hoạt động hàng hải.
Theo website MarineTraffic, vào lúc 4 giờ chiều hôm qua, tàu Hải Dương Địa Chất số 8 có vị trí ở ngoài khơi Macau. Trước đó vào ngày 24/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oanh nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng: “Theo hiểu biết của tôi thì công việc hiện nay đã hoàn thành”.
Trước đó, tàu Hải Dương Địa Chất số 8 được các tàu cảnh sát biển vũ trang hộ tống đã nhiều lần đi qua một lô dầu khí do công ty năng lượng Rosneft của Nga vận hành trong khu vực gần bãi Tư Chính. Các nhà quan sát nói rằng sự hiện diện của các tàu Trung Quốc trong khu vực này là một phần trong các nỗ lực của Bắc Kinh để ngăn chặn Hà Nội hợp tác với các hãng năng lượng quốc tế nhằm khai thác nguồn năng lượng trong vùng biển này.
Việc tàu Hải Dương Địa Chất số 8 rút về diễn ra giữa lúc có báo cáo rằng dàn khoan dầu Hakuryu - 5 thuộc công ty Khoan dầu Nhật Bản mà Rosneft thuê, đã hoàn thành nhiệm vụ khoan trong khu vực gần Tư Chính.
![]() |
Dàn khoan Hakuryu-5. |
Mặc dù Trung Quốc và Việt Nam nói họ tìm kiếm một giải pháp ngoại giao để ngăn chặn đối đầu nhưng không ai trong họ cho thấy bất kỳ tín hiệu nào của sự nhượng bộ và căng thẳng đã tiếp tục gia tăng.
Hôm thứ Hai (21/10), Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nói với các quan chức quân sự và quốc phòng tham dự diễn đàn an ninh khu vực ở Bắc Kinh rằng Biển Đông là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.
Ông Ngụy Phượng Hòa nói: “Chúng tôi sẽ không cho phép dù chỉ là một tấc lãnh thổ mà tổ tiên chúng tôi đã để lại bị mất đi”.
Cũng trong ngày hôm đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói với các đại biểu quốc hội rằng Việt Nam sẽ không bao giờ nhân nhượng vấn đề lãnh thổ. Ông nói: “Tình hình ở Biển Đông đã trở nên ngày càng phức tạp. Đảng và Nhà nước ta đã kiên định nhấn mạnh rằng những gì thuộc về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta sẽ không bao giờ nhân nhượng”.
Ian Storey - thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu ISEAS - Yusof Ishak ở Singapore nói rằng việc tàu Hải Dương Địa Chất 8 rút có thể chỉ là “tạm thời”.
Ông nói: “Trung Quốc đã nêu quan điểm của họ về các hoạt động khoan dầu trong đường 9 đoạn và mong muốn Việt Nam đình chỉ các hoạt động thăm dò và khai thác tiếp theo. Nhưng tất nhiên là Việt Nam sẽ không làm vậy”.
Zhang Mingliang - chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam ở Quảng Châu nói rằng việc tàu Trung Quốc rút lui không chắc là có liên quan gì đến những bình luận của Việt Nam. “Tôi nghĩ lý do chính là nó đã hoàn thành công việc. Nhưng việc rút đi cũng có thể được xem như một nỗ lực để giảm căng thẳng với Mỹ”.
Zhang cũng nói rằng việc rút tàu này đối với quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội không có nhiều ý nghĩa khi hai nước đã dính lứu vào một trong những tranh chấp lãnh thổ phức tạp nhất thế giới. “Tác động với quan hệ Trung - Việt sẽ hạn chế bởi vì đã có quá nhiều tranh chấp kiểu như này”.
Theo SCMP