Điểm nghẽn của VN phát sinh do xung đột thương mại Mỹ - Trung

Một mặt trận mới đã mở ra trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi các công ty dịch chuyển sản xuất đến Việt Nam đang tham dự vào một trận chiến ác liệt để tranh giành các lao động có tay nghề, khiến tình trạng thiếu hụt lao động tay nghề cao hiện nay trở nên trầm trọng hơn và thúc đẩy những kêu gọi về cải cách đào tạo để giải quyết vấn đề này.


Việt Nam đã nổi lên như một trong những người hưởng lợi nhất trong xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Xuất khẩu vào Mỹ đã tăng 21,5% trong 8 tháng đầu năm nay, và nhiều công ty gồm công ty mẹ của Google là Alphabet Inc hoặc Nintendo đã công bố kế hoạch mở cơ sở sản xuất ở Việt Nam. 



Các thỏa thuận thương mại của Hà Nội, bao gồm FTA mới ký gần đây với Liên minh châu Âu, cũng trở thành một điểm hấp dẫn. 

Jef Stokes của công ty Maxport - một nhà sản xuất quần áo có trụ sở ở Việt Nam đã nêu bật tình trạng thiếu cải cách trong hệ thống đào tạo là một phần của vấn đề. Stokes nói: “Nguồn lao động mới không có kỹ năng rất dồi dào nhưng ngay cả những công nhân may vá cơ bản cũng cần phải được đào tạo ít nhất là 6 tháng cho nên sự kiên nhẫn là một chìa khóa quan trọng. Nguồn lao động phổ thông dồi dào nhưng những người được đào tạo chất lượng cao thì không đủ. Đó là một điểm nghẽn”. 

Các công nhân, kỹ sư và nhà quản lý về công nghệ thông tin (IT) đã ở tình trạng khan hiếm nhưng nhu cầu tăng thêm từ những công ty tránh chiến tranh thương mại lại càng làm gia tăng sự biến động trong các công nhân có tay nghề và các chủ sở hữu nhà máy. 

Việc thiếu hụt này diễn ra là điều không có gì ngạc nhiên khi mà dân số Việt Nam chỉ bằng 7% dân số Trung Quốc và Việt Nam vẫn thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần chi trung bình 6,7 tỷ USD một năm để tăng công suất phát điện hàng năm lên 10% từ 2016 đến 2030. 


Sự tăng tốc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và các công ty xem xét lại chuỗi cung ứng khu vực của họ vì chiến tranh thương mại đã khơi dậy mối lo ngại về mức độ sẵn có của lực lượng lao động tay nghề cao tại Việt Nam. 

Trong 57,5 triệu lao động Việt Nam, chỉ có 12% là có tay nghề cao theo như hãng tuyển dụng ManpowerGroup. Việc này làm gia tăng cạnh tranh để giành những tài năng trong các nhà đầu tư mới - theo lời Sieburg, một nhà tư vấn cho các công ty đang xem xét hoạt động tại Việt Nam. 

Lược dịch từ Reuters

Post a Comment

Tin liên quan

    -->