Ở Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất khu vực. Đất nước này đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã đóng góp nhất định vào kết quả này.
Kể từ khi Mỹ đình chỉ hợp tác với Trung Quốc trong một loạt ngành công nghiệp, lợi nhuận của hoạt động sản xuất ở Trung Quốc đã giảm. Mặt khác, khi tiêu chuẩn cuộc sống nói chung cũng tăng lên, chi phí nhân công ở các nơi khác lại rẻ hơn Trung Quốc. Điều này đã thúc đẩy các nhà sản xuất tìm kiếm các điểm đến rẻ hơn như Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc biến đất nước thành một địa điểm tốt cho những nhà đầu tư và các công ty đang tới. Nhiều công ty đã dịch chuyển các đơn vị của họ qua biên giới từ Trung Quốc sang Việt Nam. Những người này bao gồm các công ty công nghệ như Nokia, Samsung và Olympus, cũng như những nhà sản xuất giầy dép như Nike, Adidas.
Việt Nam đã thu hút quan tâm đặc biệt từ Australia trong thời gian gần đây. Họ đã ở những chiến tuyến đối lập nhau trong mấy thập kỷ trước nhưng bây giờ kinh doanh đã đưa các chính phủ đến bên nhau.
Chuyến thăm của Thủ tướng Australia Scott Morrison đến Việt Nam hồi tháng 8 đã phản ánh sự gia tăng quan hệ song phương. Chuyến thăm của ông Morrison là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Australia đến Hà Nội kể từ năm 1994 và nó được đặc trưng bởi hợp tác trong các lĩnh vực kinh doanh và quốc phòng.
Quan hệ buôn bán
Buôn bán song phương giữa Việt Nam và Australia đã đạt 14,5 tỷ USD một năm và đang gia tăng mỗi ngày. Australia xuất khẩu 5 tỷ USD hàng hóa vào Việt Nam trong năm 2018 trong khi nhập khẩu 6,1 tỷ USD.
Đầu tư của Australia chỉ chiếm 0,1% đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhưng điều này đang sắp thay đổi khi nhiều công ty đang quan tâm đến khả năng mở các chi nhánh ở Việt Nam. Nhiều công ty như ANZ trong ngân hàng điện tử (banking), Austal trong đóng tàu, Linfox trong hậu cần (logistics) và đại học RMIT Quốc tế cũng đã vào Việt Nam.
Australia cũng đang xem xét xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp khí hóa lỏng (LNG) cho Việt Nam. Cựu cầu thủ bóng bầu dục Australia là Wes Maas đã đầu tư vào Việt Nam và thành lập một đơn vị xây dựng vào tháng 7/2019. Khu vực ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh có những dãy dài các kho hàng của các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc. Mức lương trung bình ở Việt Nam cũng chỉ thấp bằng 1/10 ở Australia.
So sánh
Năm 2019, Việt Nam xếp thứ 69 trên bảng xếp hạng thế giới theo chỉ số thuận lợi cho kinh doanh. Trong khi đó Ấn Độ xếp thứ 77. Ấn Độ đã tụt hậu vì các vấn đề giấy tờ và đất đai nặng nề. Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng GDP hơn 6% kể từ năm 2000 trong khi các láng giềng Đông Nam Á đã loạng choạng vì chiến tranh thương mại. Các món hàng điện tử xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm 22%.
Guy Debelle - Phó Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia đã nói Việt Nam đang ở gần mức độ khả năng tối đa. Nhiều doanh nghiệp đã dịch chuyển sản xuất đến Việt Nam để né tránh tác động của thuế quan. Việt Nam đã cấp giấy phép đầu tư cho khoảng 1720 dự án trong 6 tháng đầu năm 2019. Nền kinh tế này đã tăng trưởng với tốc độ hơn 7% trong năm 2018 và đó là mức cao nhất trong 10 năm.
Xuất khẩu của Australia vào Trung Quốc gồm các lĩnh vực nặng như sắt thép, nhưng xuất khẩu của họ vào Việt Nam là dịch vụ, hậu cần và các sản phẩm khác. Một tập đoàn Australia là SunRice, đã thành lập chi nhánh ở Việt Nam và đang xuất khẩu gạo đến các nước láng giềng. Sở dĩ có việc này vì Australia không có thỏa thuận tự do thương mại về gạo với các nước này. Điều này cho thấy chính sách tự do thương mại của Việt Nam đã giúp thu hút các nhà tư bản công nghiệp của Australia như thế nào.
Ấn Độ ở cửa dưới
Amitabh Kant, giám đốc điều hành (CEO) của NITI Aayog - một tổ chức nghiên cứu chính sách của chính phủ Ấn Độ, đã chỉ ra các nhân tố đang chống lại Ấn Độ trong vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài. Ông nói chi phí sản xuất ở Ấn Độ cao hơn ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam. Ông đang dẫn đầu một ủy ban nhằm đưa ra các khuyến cáo để cải thiện xuất khẩu điện tử của Ấn Độ. Ấn Độ đã sản xuất 140 triệu máy thu phát cầm tay trong năm 2010 trong khi Việt Nam lúc đó chỉ sản xuất 38 triệu máy.
Mặc dù chất lượng khác nhau, Ấn Độ có lợi thế về số lượng. Nhưng điều này đã đảo ngược khi sản xuất điện thoại di động của Ấn Độ giảm xuống chỉ còn tương đương 2,5 tỷ USD năm 2019 nhưng sản xuất điện thoại của Việt Nam lại tăng đến 49 tỷ USD trong năm 2018. Sự cải thiện thành tích của Việt Nam không chỉ giới hạn ở điện thoại di động mà họ còn xuất sắc nói chung trong mọi mặt hàng điện tử.
Một nhân tố chìa khóa ở Việt Nam đã thu hút công nghiệp là mức thuế có lợi cho các hãng lớn đang xem xét việc chuyển địa điểm. Một số ít hãng lớn ở Việt Nam đã xoay xở để được hưởng mức thuế thấp gần bằng 0 trong 5 năm đầu và 5% trong một thập kỷ tiếp theo, 10% trong thập kỷ thứ 2. Trong khi đó, mức thuế của Ấn Độ với hãng nước ngoài có thể cao đến 43%.
Mục tiêu chiến lược
Sự quan tâm của Thủ tướng Australia đến Việt Nam không phải hoàn toàn giới hạn ở buôn bán mà còn vì Việt Nam là một vị trí chiến lược ở Biển Đông. Hợp tác quốc phòng và quân sự giữa hai nước cũng là một ưu tiên trong danh sách các mục tiêu chiến lược trong chuyến thăm của ông Morrison đến Việt Nam.
Việt Nam sẽ giữ một ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, và cũng sẽ là Chủ tịch khối ASEAN trong năm 2020. Việt Nam sẽ là chủ tịch đầu tiên của khối này sau khi khối áp dụng bản tuyên bố tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Australia sẽ có nhiều lợi ích trong cả an ninh và buôn bán khi các nước khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đến gần hơn dưới một chiếc ô và có thể phát triển quan hệ tốt hơn giữa các thành viên. Một phần hoạt động kinh doanh của Australia sẽ phụ thuộc vào sự thịnh vượng của các nước Đông Nam Á.
Tháng 3/2018, Việt Nam và Australia đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Có những khả năng về việc các công ty Australia sẽ cộng tác với Việt Nam để khai thác năng lượng ở các vùng biển Việt Nam. Một điểm cần chỉ ra là Ấn Độ cũng là một phần trong thỏa thuận này với Việt Nam; tuy nhiên họ đã rút lui khi sự phản đối của Trung Quốc trở nên gay gắt.
Lực lượng Australia đã giúp không vận lực lượng Việt Nam đến Nam Sudan, điều đó chỉ dấu về quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Hồi tháng 10, các tàu Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam đã gây ra những căng thẳng mới giữa hai nước ở Biển Đông.
Với Ấn Độ, cả Australia và Việt Nam là những nước quan trọng. Ấn Độ có quan hệ buôn bán thương mại đang tăng trưởng nhanh với cả hai nước và họ đang cố gắng tạo một cân bằng chiến lược khi họ cũng chia sẻ nhận thức tương tự về sự thống trị của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương và xa hơn thế. Bằng hiệu lực của địa lý, quan hệ giữa Australia và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển. Ấn Độ sẽ cần phải giữ sự thân thiện này.
Lược từ Bangkokpost