Báo TQ: Việt Nam cần TQ để hoàn thành giấc mơ kinh tế 2045

GDP Việt Nam đã tăng với tỷ lệ hơn 7% trong năm thứ hai liên tiếp với mức tăng 7,02% trong năm 2019 theo Tổng cục Thống kê Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Việt Nam khao khát trở thành một đất nước thu nhập cao vào năm 2045 khi ông họp với các lãnh đạo tỉnh, thành phố hồi cuối năm ngoái. Để đạt được mục tiêu tham vọng này, đã có nhiều điều mà Việt Nam đang muốn phát triển với tốc độ nhanh hơn. 



Từ khi Việt Nam bắt đầu chiến dịch cải cách kinh tế và chính trị năm 1986, nền kinh tế Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể. Vào cuối thập niên 1990, nền kinh tế này đã tăng trường với tỷ lệ hàng năm trên 7%. Năm 2019, GDP Việt Nam ở quy mô 266 tỷ USD. Đà tăng trưởng kinh tế nhanh này có thể được đóng góp bởi 3 nhân tố. 

Thứ nhất, dòng vốn nước ngoài và những tiến bộ trong sản xuất, chế biến và các lĩnh vực mới nổi đóng vai trò đầu tàu cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đầu tư trực tiếp nước ngoài cam kết với Việt Nam đã tăng lên 38 tỷ USD trong năm 2019 với tỷ lệ tăng 7,2% so với năm 2018. Năm 2019, lĩnh vực sản xuất và chế biến cũng đã tăng trưởng 11,29% trong khi công nghiệp và chế tạo tăng trưởng 8,9%. 

Nhân tố thứ hai là nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam. Doanh thu thương mại của Việt Nam ước tính đạt 516 tỷ USD trong năm 2019, tăng gần 8% so với năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 263,45 tỷ USd, tăng 8,1% và nhập khẩu đạt 253,51 tỷ USD, tăng 7%. 


Nhân tố thứ ba là tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch và bán lẻ. Số du khách nước ngoài đến thăm Việt Nam đã đạt kỷ lục từ trước đến nay là 18 triệu người trong năm 2019, tăng 16,2% so với năm trước. 

Phù hợp với quy luật phát triển kinh tế, không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam duy trì được mức độ tiến triển với những đặc trưng phổ biến của các nước trong những thời kỳ đầu phát triển công nghiệp như thế này. 

Lấy Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc làm ví dụ. Trong 3 thập kỷ kể từ khi bắt đầu cải cách và mở cửa năm 1978, tăng trưởng trung bình hàng năm của Trung Quốc ở mức 9,8%. Từ giữa thập niên 1950 đến đầu thập niên 1970, Nhật Bản cũng trải qua một giai đoạn tăng trưởng tốc độ cao. Từ 1965 đến 1979, tăng trưởng GDP trung bình thực tế hàng năm của Hàn Quốc là hơn 9%. 

Do đó, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu kinh tế Việt Nam bước vào một ‘kỷ nguyên vàng’ trong 10 năm tới. 


Từ viễn cảnh khu vực, nó cho thấy sự nổi lên của các cường quốc mới nổi ở Đông Nam Á. Trong những năm gần đây, nền kinh tế các nước Đông Nam Á đã duy trì quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ hiếm thấy ở nơi nào khác trên thế giới. 

Báo cáo Chỉ số Phát triển Cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường năm 2019 nói: “Đông Nam Á duy trì động lực mạnh mẽ và đi đầu trong 7 khu vực trong 3 năm liên tiếp”. Indonesia, Việt Nam, Malaysia đã được xếp vào 3 nước hàng đầu khu vực này. “6 trong 10 nước Đông Nam Á nằm trong danh sách Top-20”. 

Dòng vốn nước ngoài, chi phí nhân công thấp, phát triển cơ sở hạ tầng và sự gia tăng tầng lớp trung lưu là những nhân tố chính đóng góp vòa tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của những nước này. 

Trung Quốc đã đi qua những giai đoạn đầu của công nghiệp hóa. Người khổng lồ Đông Á này đã trải qua tăng trưởng kinh tế cao với tỷ lệ hàng năm hơn 10%. Là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc đang sẵn sàng để chứng kiến sự trỗi dậy của các nước mới nổi Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. 



Việt Nam có thể đạt được mục tiêu vào năm 2045 hay không vẫn còn là điều cần phải chờ xem. Để hoàn thành mục tiêu này, Việt Nam sẽ phải duy trì tốc độ tăng trưởng hiện nay trong 2 thập kỷ tới. 

Để duy trì một sự tăng trưởng kinh tế ổn định, Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa. Thay vì tập trung vào tốc độ tăng trưởng, Việt Nam phải bảo đảm tăng trưởng ổn định và bảo đảm rằng họ có thể tạo ra nhiều đột phá hơn trong chuỗi công nghiệp toàn cầu. 

Việt Nam phải giải quyết một loạt thách thức như suy giảm kinh tế toàn cầu vì cuộc chiến tranh thương mại Mỹ nhắm vào Trung Quốc cho đến năng suất lao động thấp, chất lượng lao động thấp và chi phí nhân công gia tăng. 


Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam có liên quan trực tiếp đến nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc. Từ tháng 1 đến tháng 11/2019, quy mô thương mại hai nước đã đạt 145,54 tỷ USD, tăng 8% so với năm trước. Điều đó chỉ ra quan hệ sâu sắc giữa chuỗi công nghiệp của hai nước. 

Cho nên có thể kết luận rằng Trung Quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu của Việt Nam vào năm 2045. 

Theo Thời báo Hoàn Cầu

Bình luận: Không thể phủ nhận là trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có những sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Trong những năm tiếp theo, do Trung Quốc hiện nay đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và Việt Nam có vị trí địa lý nằm bên cạnh Trung Quốc cộng với mối quan hệ chuỗi cung ứng toàn cầu, kinh tế Việt Nam và Trung Quốc sẽ cần phải tiếp tục hợp tác tốt để cùng thắng. Tuy nhiên trong khi đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi, Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục cố gắng giảm phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc để bảo đảm con đường phát triển độc lập và bền vững. 

Post a Comment

Tin liên quan

    -->