Covid-19 có thể tạo cơ hội cho TQ thi hành “ngoại giao sổ nợ”

Khi đại dịch Covid-19 gây ra sự tàn phá kinh tế toàn cầu, Trung Quốc có thể kiểm soát tài sản của các quốc gia đang nợ nần họ với tốc độ nhanh chóng hơn hoặc là họ sẽ tăng cường chính sách ngoại giao mềm bằng cách xóa nợ.

Một công trình xây dựng đường sắt nối Lào với TQ nằm trong sáng kiến Vành đai và Con đường. 

Lựa chọn này đã được nêu ra bởi tác giả của bản báo cáo Harvard về chiến thuật của Trung Quốc được gọi là “ngoại giao sổ nợ”, và xuất hiện giữa bối cảnh có lời kêu gọi các nước G20 tán thành giãn nợ 1 năm cho các nước nghèo nhất. 


Các công ty và ngân hàng sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã trở thành những nhà cho vay chính toàn cầu dựa trên các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn dưới sáng kiến Vành đai và Con đường của ông Tập Cận Bình. 

Các nhà quan sát về Trung Quốc trước đây đã cảnh báo về thủ đoạn “ngoại giao sổ nợ”, trong đó các nước đang phát triển không có khả năng trả các khoản vay lớn trong đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc nên bắt buộc phải chuyển quyền kiểm soát các tài sản cho Trung Quốc. 

Một báo cáo năm 2018 của trường Phân tích chính sách Kenedy thuộc Đại học Harvard cho Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác định các nước như Pakistan và Sri Lanka nằm trong số những nước đã nhượng cảng biển chính hoặc căn cứ quân sự. 

Hiện nay, khi các nước đối mặt với sự tàn phá kinh tế không lường trước được từ đại dịch, các tác giả này cho rằng điều đó có thể đẩy nhanh sự vỡ nợ. 


Đồng tác giả bản báo cáo là Sam Parker tuần trước nói: “Tôi nghĩ đó là màn đầu tiên. Nhưng dù thế nào thì đòn bẩy nợ của Trung Quốc trên các nước này cũng sẽ tăng lên. Dù thế nào thì các hậu quả xấu sẽ xảy ra do không thể trả nợ được cho Trung Quốc. Tôi nghĩ tiến trình sẽ bị đẩy đi rất nhanh”. 

Giữa bối cảnh toàn cầu đối phó với đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã gia tăng sự tập trung vào các chiến lược gây ảnh hưởng, đặc biệt là nhắm vào ngoại giao mềm. Khi Trung Quốc báo cáo thành công trong việc chiến thắng dịch, họ đã bắt đầu cung cấp trợ giúp cho các nước khác đang phải vật lộn với virus. 

Đồng tác giả bản báo cáo là Gabrielle Chefitz nói Trung Quốc có 2 lựa chọn. “Nợ là một phương tiện rất linh hoạt. Như chúng ta thấy Trung Quốc đang thúc đẩy quyền lực mềm to lớn... có những cơ hội cho Trung Quốc để đòi hỏi được trả nợ bằng các tài sản chiến lược hoặc sẽ xóa nợ để phục vụ tuyên truyền về quyền lực mềm của TQ như một lãnh đạo toàn cầu”. 

Các quan chức Trung Quốc đã gợi ý họ có thể giảm nợ. Hôm 6/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian nói: “Với các nước đang đối mặt với nợ nần khó khăn, Trung Quốc sẽ không bao giờ thúc ép nhưng sẽ giải quyết thông qua các kênh trao đổi song phương”. 



Tuyên bố của Zhao được tiếp nối bởi một quan chức giấu tên nói với Reuters rằng Trung Quốc đồng ý rằng “một số nước không nên bị thúc ép trả nợ trong cuộc khủng hoảng này”. Quan chức này nói thêm: “Các nước đang phát triển, đặc biệt các nước thu nhập thấp, đang đối mặt với thách thức lớn. Chúng tôi sẵn sàng duy trì liên lạc với các nước liên quan thông qua các kênh song phương”. 

Hôm 7/3, Bộ trưởng Tài chính Ghana Ken Ofori-Atta đã kêu gọi Trung Quốc xem xét nợ của các nước châu Phi. Ông nói với Trung tâm Phát triển Toàn cầu có trụ sở ở Washington rằng: “Các khoản nợ của châu Phi với Trung Quốc khoảng 145 tỷ USD, năm nay phải trả nợ hơn 8 tỷ USD... Vì thế cần được xem xét”. 

Theo The Guardian

Post a Comment

Tin liên quan

    -->