Việt Nam và Thái Lan nhận “cổ tức” từ Covid-19

Bangkok, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang nhộn nhịp trở lại cuộc sống sau các lệnh phong tỏa cục bộ vì dịch Covid-19.

Một nhà hàng ở Bangkok mở cửa trở lại. 

Nhờ vào phản ứng y tế công cộng có tính kỷ luật của chính phủ, các công ty và nhân dân ở Thái Lan và Việt Nam giờ đây đang nhận được một trạng thái “bình thường mới” mà có vẻ như giống với cái cũ - đó là kẹt xe và mọi thứ. 

Những bãi biển gần Bangkok nhất đang đầy du khách. Các trường học, nhà hàng, rạp chiếu phim và hộp đêm ở Việt Nam đã mở cửa trở lại trong khi các trận bóng đá tại sân vận động với khán giả chật cứng đã được phép phục hồi hoạt động. Hầu hết người Việt Nam đã ngừng việc đeo khẩu trang. 

Mặc dù đợt sóng lây nhiễm thứ hai vẫn đang có nguy cơ ở đây và mọi nơi, các nhà chức trách ở cả Việt Nam và Thái Lan đã được khuyến khích vì nhiều tuần nay không có các ca lây nhiễm mới Covid-19. 



Với các nước Đông Nam Á khác - chưa kể Mỹ và châu Âu- vẫn đang vật lộn để kiểm soát dịch bệnh này, câu hỏi cho hai trong số các nền kinh tế lớn nhất khu vực này không chỉ đơn thuần là liệu họ có thể lấy lại được chỗ đứng hay không. Vấn đề là: Liệu việc mau chóng trở lại bình thường có nghĩa là sẽ có một “cổ tức Covid” dưới hình thức những đơn hàng và khoản đầu tư lớn hơn không? 

Thái Lan và Việt Nam nằm trong những nước đầu tiên bị virus corona tấn công sau Trung Quốc, và bây giờ họ ở trong những nước đầu tiên nổi lên từ điều tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng này. 

Tiếp sau một khởi đầu yếu, chính quyền Thái Lan đã dùng các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn xu hướng lây lan dịch bệnh bằng cách đóng cửa nhà hàng, quán bar, công viên và hầu hết các nơi công cộng, cấm bán rượu và áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm. 

Nhưng hầu hết các công ty không phải bán lẻ đều được phép hoạt động với điều kiện tuân thủ các hướng dẫn giãn cách xã hội. Chính phủ Thái đã xoay sang các gia đình doanh nhân giàu nhất nước để kêu gọi giúp đỡ và một số đã tăng cường hỗ trợ y tế hoặc cam kết duy trì việc làm. 


Harald Link - nhà tỉ phú của tập đoàn B Grimm nói: “Thái Lan có một hệ thống y tế công cộng tốt và chính phủ đã lắng nghe 2 nhóm: bác sĩ và các doanh nhân, hiệp hội các ngân hàng và khu vực tư nhân để giới hạn thiệt hại tối thiểu. Các nhà máy vẫn hoạt động, các siêu thị vẫn hoạt động nên mọi người có thể ăn và làm việc”. 

Hai thành phố lớn nhất của Việt Nam đã thực thi giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong 3 tuần hồi tháng 4 nhưng hầu hết các công ty ở đây cũng vẫn làm việc. Nhà chức trách đã thực hiện một trong những chế độ theo dõi liên hệ nghiêm khắc nhất thế giới, định vị không chỉ các liên hệ đầu tiên mà cả những người tiếp xúc thứ hai với người nhiễm bệnh và buộc họ phải vào cách ly ở cơ sở nhà nước hoặc ở nhà. 

Thái Lan đã xác nhận chỉ hơn 3100 ca nhiễm và Việt Nam chỉ hơn 300 ca. Mặc dù những con số tương đối thấp này có thể là do một số khoảng cách trong xét nghiệm nhưng không có chỉ dấu nghiêm trọng nào về việc che giấu những người nhiễm bệnh. Cả hai nước hiện giờ đang nói về tái mở cửa biên giới với một số chuyến bay thương mại đối với những khu vực an toàn. 

Viễn cảnh phục hồi trong có vẻ tương đối tươi sáng cho Việt Nam khi các nhà làm chính sách dự kiến tăng trưởng 5%. Thái Lan với nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào du lịch, đang dự kiến sự suy giảm 5 đến 6% - một mức độ tồi tệ nhất kể từ năm 1998 là năm khủng hoảng tài chính châu Á. 



Trước đại dịch, cả hai nước đã thắng lợi trong các làn sóng đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất của các công ty đa quốc gia, bao gồm các tập đoàn Trung Quốc đang tìm cách né tránh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. 

Dịch Covid-19 đã làm tăng tốc xu hướng này khi khiến các công ty dễ bị tổn thương hơn nếu họ hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung và thị trường Trung Quốc. 

Tuan Anh Le, Phó chủ tịch đầu tư của Dragon Capital - một nhà quản lý tài sản ở thành phố Hồ Chí Minh nói: “Người ta thấy rằng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ căng thẳng. Quan điểm của tôi là Việt Nam sẽ hưởng lợi”. 

Apple, Nintendo và Google là một vài cái tên trong những nhà sản xuất đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang Việt Nam - những quyết định đã được đưa ra trước khi có dịch bệnh nhưng giờ đây việc này lại thúc đẩy những người khác làm theo. 


Chính phủ Việt Nam trong một phản ứng kích thích đã có những kế hoạch tạo thuận lợi cho hàng tỷ USD trong các dự án cơ sở hạ tầng gồm đường sắt bắc nam, hai tuyến metro và sân bay mới. Những điều này theo ông Tuan Anh Le, sẽ “mở nút thắt tiềm năng Việt Nam” và tăng cường hơn nữa tăng trưởng bằng cách tháo gỡ một số nút cổ chai trong logistics hiện nay. Tuần này Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn một thỏa thuận thương mại được chờ đợi từ lâu với EU. 

Thái Lan đã phản ứng với dịch Covid-19 với một trong những gói kích thích lớn nhất châu Á và các nhà sản xuất Thái Lan từ gạo đến trái cây và đồ điện tử đã giúp vào việc chống đỡ cho xuất khẩu trong mùa xuân này dù thị trường toàn cầu đóng cửa. 

Theo Finacial Times

Post a Comment

Tin liên quan

    -->