Trung Quốc rút binh sỹ khỏi khu vực đụng độ với Ấn Độ

Các nguồn tin trong chính phủ Ấn Độ nói rằng Trung Quốc đã bắt đầu rút binh sỹ khỏi khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ sau vụ đụng độ tồi tệ nhất trong 50 năm qua giữa hai nước khiến 20 binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng.

Một đoàn xe của quân đội Ấn Độ trên đường đến Ladakh. 

Người ta đã thấy quân đội Trung Quốc tháo dỡ lều và các cấu trúc vào hôm qua tại vị trí trong thung lũng Galwan gần nơi xảy ra vụ đụng độ gần đây, theo nguồn tin giấu tên trong chính phủ Ấn Độ. Các xe tải đã được thấy rút khỏi khu vực này cũng như Hot Spring và Gogra - hai vùng biên giới tranh chấp khác. 

Trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có đưa trang thiết bị quay lại thung lũng Galwan không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian nói cả hai bên “đang thực hiện các biện pháp hiệu quả để tháo gỡ và hạ nhiệt tình hình biên giới”. Người phát ngôn của Trung Quốc nói trong một cuộc họp báo rằng: “Chúng tôi hy vọng Ấn Độ sẽ cùngTrung Quốc thỏa hiệp và có các biện pháp cụ thể để thực hiện những điều hai bên đã đồng ý, tiếp tục liên lạc mật thiết thông qua các kênh ngoại giao và quân đội, và phối hợp với nhau để hạ nhiệt tình hình ở biên giới”. 



Việc Trung Quốc rút quân diễn ra vài tuần căng thẳng vì cuộc đụng độ tồi tệ nhất giữa hai nước trong 50 năm qua. 

Ấn Độ và Trung Quốc đã đổ lỗi lẫn nhau về kẻ gây ra vụ ẩu đả ở thung lũng Galwan hôm 15/6, trong đó 20 binh sỹ Ấn Độ đã thiệt mạng và ít nhất 76 người khác bị thương. 

Trong vụ đụng độ này, binh sỹ hai bên đã đánh nhau bằng gậy và dùi cui ở độ cao 4270 m so với mặt biển giữa nhiệt độ dưới 0. 

Trung Quốc vẫn chưa xác nhận liệu họ có chịu thương vong nào không nhưng con số tử vong của Ấn Độ là cao nhất trên khu vực biên giới này trong hơn 50 năm qua - một sự leo thang đáng kể đã dẫn tới những tuần đàm phán giữa quan chức quân sự cấp cao hai nước để làm giảm căng thẳng. 

Vào hôm 3/7, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có chuyến thăm gây ngạc nhiên đến Ladakh ở phía Bắc Himalayan và trong một câu nói ám chỉ Trung Quốc ông đã bảo rằng “kỷ nguyên của chủ nghĩa bành trướng” đã kết thúc. 

Ấn Độ tuyên bố chủ quyền với 38000 km2 vùng đất hiện đang thuộc kiểm soát của Trung Quốc trong khi Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền với 90.000 km2 đất trong lãnh thổ Ấn Độ. 


Các nhà phân tích nói căng thẳng gần đây tại đường kiểm soát thực tế (LAC) là phản ứng của Trung Quốc trước việc Ấn Độ xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự tại đường biên giới thực tế này trong những năm gần đây. 

Một lý do khác, theo một số chuyên gia, là có liên quan đến động thái đơn phương của Ấn Độ năm ngoái, khi họ bãi bỏ Điều 370 trong hiến pháp - tức là điều khoản cho phép vùng Kashmir tự trị mà vùng Kashmir này bao gồm cả khu vực Ladakh. 

Trong khi đó Trung Quốc, cũng như Pakistan đã nhìn động thái của Ấn Độ như động thái đơn phương ảnh hưởng đến lãnh thổ của họ nên đã phản đối mạnh mẽ động thái này tại Hội đồng Bảo an LHQ năm ngoái. 

Trong một bài viết nêu ý kiến trên Al Jazeera, Tariq Mir - một nhà báo ở Srinagar ở Kashmir đã viết: “Cuộc đối đầu giữa binh lính Ấn Độ và Trung Quốc ở Ladakh cuối cùng có thể là biểu hiện cho những gì có thể sẽ trở thành một cuộc đối đầu quân sự lớn hơn trong năm nay giữa Ấn Độ và Pakistan dọc theo đường biên giới dài ở Kashmir”. 

Theo Al Jazeera

Post a Comment

Tin liên quan

    -->