Thường được xem là những con vật khổng lồ hiền lành, nhưng voi đang ngày càng bị đẩy vào xung đột với con người ở Ấn Độ - nơi mà chúng giết chết khoảng 500 người mỗi năm.
Ấn Độ là quê hương của quần thể voi châu Á đông đảo nhất thế giới. Hiện nay voi châu Á được xếp vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng với sự suy giảm quần thể trên phạm vi của 13 quốc gia. Môi trường sống của voi đang bị xói mòn vì hoạt động nông nghiệp và cơ sở hạ tầng khi dân số Ấn Độ ngày càng tăng và sắp đạt 1,4 tỷ người.
Ở Ấn Độ có hơn 100 vườn quốc gia và khoảng 30 khu bảo tồn voi nhưng phần lớn trong số hơn 30.000 con voi ở Ấn Độ đang sống bên ngoài các khu bảo tồn này và ngày càng có ít không gian cho chúng lang thang tìm kiếm thức ăn. Điều đó khiến chúng tiếp xúc nhiều hơn với con người.
Krithi Karanth – trưởng nhóm khoa học bảo tồn kiêm giám đốc trung tâm Nghiên cứu Động vật hoang dã có trụ sở tại Banglaroe ở miền Nam Ấn Độ cho biết: “Một trong những thách thức lớn nhất ở Ấn Độ là chúng ta có chưa đến 5% diện tích đất dành cho động vật hoang dã và có hàng triệu người sống cạnh các khu bảo tồn hoặc ở bên trong khu bảo tồn”.
Cao khoảng 3m và nặng tới 5 tấn, một con voi cần ăn khoảng 150 kg thức ăn mỗi ngày – chủ yếu là cỏ, lá và vỏ cây. Nhưng các loại cây giàu dinh dưỡng hơn như mía, lúa và chuối có thể đặc biệt hấp dẫn chúng.
Những người nông dân cố gắng bảo vệ mùa màng của họ có thể bị voi vô tình giết chết khi họ cố gắng đuổi chúng đi. Bà Karanth nói: “Chúng tôi đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong khi người ta đi bộ về nhà vào ban đêm và gặp phải voi”.
Theo ước tính, Ấn Độ chiếm 70 đến 80% tổng số ca tử vong vì voi ở châu Á. Trên khắp Ấn Độ có khoảng nửa triệu hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi xung đột với voi mỗi năm, chủ yếu là do con vật này phá hoại mùa màng của họ. Mỗi năm cũng có khoảng 80 đến 100 con voi bị giết bởi các hoạt động liên quan đến con người, một số con bị con người trả đũa bằng các biện pháp như đầu độc hoặc dùng điện giật, những con khác bị tàu hoả cán qua.
Người nông dân đôi khi sử dụng ánh sáng và tiếng ồn để xua đuổi voi nhưng những cách này trở nên kém hiệu quả khi voi đã quen.
Việc trồng các loại cây mà voi không thích ăn như ớt, chanh, gừng hoặc đào rãnh và dựng hệ thống báo động để cảnh báo khi có voi ở gần có thể giúp làm cho voi tránh xa khu đất nông nghiệp. Các nhóm cộng đồng cũng có thể được đào tạo để hướng voi trở lại rừng và tránh xa cây trồng.
Một cách tiếp cận khác là giúp người dân ở các cộng đồng nông thôn đối phó với tác động mà voi có thể gây ra đối với cuộc sống hàng ngày của họ. Theo Karanth, chính phủ Ấn Độ sẽ bồi thường cho các gia đình bị thiệt hại do động vật hoang dã gây ra nhưng việc nhận được tiền có thể là một quá trình dài và quan liêu.
Về lâu dài, cách tốt nhất để giảm xung đột với voi là khôi phục và bảo vệ các khu rừng và các hành lang di cư truyền thống mà voi thường đi qua. Những dải rừng này liên kết môi trường sống tự nhiên của voi và việc bảo tồn chúng có nghĩa là động vật có ít lý do để đi lạc vào đất nông nghiệp hơn.
Lược từ CNN
https://edition.cnn.com/2021/06/20/asia/human-elephant-conflict-india-krithi-karanth-c2e-spc-intl-hnk/index.html