Bàn về việc lập liên minh nhỏ trong Asean để đối phó TQ

Liên minh là một trong những thuật ngữ nặng nề về mặt chính trị mà các quốc gia thành viên có chủ quyền của khối Asean có xu hướng tránh né – đặc biệt là trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Giữ cho khu vực tránh khỏi xung đột trực tiếp với người láng giềng khổng lồ là Trung Quốc, từ lâu đã được xem là nhu cầu bắt buộc để phục vụ phát triển kinh tế.



Tuy nhiên những ví dụ gần đây nhất về những va chạm trong khu vực này có thể thúc đẩy một số nước Đông Nam Á vượt ra ngoài khuôn mẫu đã thiết lập đó.

Gần đây Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ là Đô đốc John Aquilino đã nói rằng Trung Quốc hiện đã quân sự hoá toàn bộ ít nhất 3 đảo nhân tạo ở vùng biển tranh chấp. Những đảo này “đã mở rộng khả năng tấn công của Trung Quốc vượt ra ngoài bờ biển của họ” và “làm mất ổn định khu vực”.

Trung Quốc đã tăng tốc tích tụ quân sự trong những năm gần đây, sau động thái ầm ĩ phản đối Indonesia khai thác dầu khí ở đảo Natuna. Vụ việc này dẫn tới việt Jakarta tăng cường phối hợp với các đối tác chính trong Asean và đẩy nhanh kế hoạch tăng cường chi tiêu cho hải quân. Tuyên bố của Jakarta cho biết họ có ý định mua 42 chiếc máy bay chiến đấu Rafale của Pháp với giá trị nhiều tỷ USD và Hoa Kỳ đã phê chuẩn việc bán 36 chiếc F-15 cho Indonesia, đánh dấu ý định áp dụng một lập trường cứng rắn hơn với hành động của TQ.

Indonesia có kế hoạch triệu tập một cuộc họp đặc biệt với các quan chức chịu trách nhiệm về an ninh hàng hải từ Singapore, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines để làm sống lại đề xuất từ 1 năm trước về việc thành lập một “liên minh thiện chí” mà các nhà phân tích đã dự đoán từ lâu.

Mặc dù cuộc họp dự kiến hồi tháng 2 đã không diễn ra nhưng các diễn biến khác cũng đáng chú ý. Hồi tháng 12, cơ quan An ninh Hàng hải của Indonesia và Việt Nam đã ký một bản ghi nhớ về tăng cường quan hệ an ninh hàng hải, Sau đó, vào tháng 1, Indonesia và Singapore ký một thoả thuận quốc phòng mới. Sự hợp tác với các đối tác khác cũng có thể sắp diễn ra.

Nhân tố căn bản đằng sau sự thành lập một nhóm “mini” như vậy là để thoát khỏi sự ràng buộc của cơ chế đồng thuận và gia tăng sự chia rẽ trong Asean, đặc biệt là khi Campuchia giữ ghế chủ tịch của khối. Sự bế tắc trong đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông đã tạo thêm sức hấp dẫn của một khuôn khổ mini bên trong khối Asean. Tuy nhiên sự phô trương phải được kiềm chế trước khi bất kỳ một “liên minh” nào như vậy thực sự trở nên hiệu quả.

Điều rõ ràng nhất là ngay trong các thành viên Asean cũng có những cách tiếp cận khác biệt đối với tranh chấp. Với việc TQ yêu sách gần hết vùng biển thông qua cái gọi là “đường 9 đoạn”, Việt Nam và Philippines sẵn sàng áp dụng lập trường cứng rắn. Trong khi đó, Brunei có một thái độ kém cứng rắn hơn còn Malaysia thì do dự hơn.

Sự khác biệt cũng biểu hiện rõ ràng trong phản ứng với các đề xướng của bên ngoài nhằm kiềm chế chủ nghĩa bành trướng của TQ. Sự chia rẽ gây ra bởi tuyên bố AUKUS là một ví dụ gần đây nhất. Philippines tin rằng cung cấp cho Australia tàu ngầm năng lượng hạt nhân có thể duy trì cân bằng quyền lực trong khu vực, trong khi Malaysia cảnh báo rằng hợp đồng này có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân khu vực và họ đã đi xa đến mức cử bộ trưởng quốc phòng đến Trung Quốc tham vấn.

Chính trị nội bộ cũng có thể làm xáo trộn những cách tiếp cận. Philippines là ví dụ rõ ràng khi Tổng thống Rodrigo Duterte đã phung phí chiến thắng khó khăn của người tiền nhiệm tại Toà Trọng tài Quốc tế để xoa dịu Bắc Kinh – trước khi lật ngược quan điểm của ông trước cuộc bầu cử quốc gia năm 2022. Trong trường hợp Indonesia, một bộ máy quan liêu phân tán đã dẫn tới việc gửi đi những tín hiệu trái ngược giữa các bộ chủ chốt.

Và bất chấp sự hiếu chiến của Bắc Kinh, nhiều nước Đông Nam Á vẫn xem Trung Quốc là một cường quốc kinh tế không thể thay thế được và là điều cần thiết để bảo đảm tính hợp pháp ở trong nước. Cuộc khảo sát mới nhất của Viện Yusoft Ishak với giới tinh hoa Đông Nam Á cho thấy 76,7% người được hỏi xem TQ là một trong những sức mạnh kinh tế ảnh hưởng nhất trong khu vực.

Khác xa so với một khối gắn kết, các bên tranh chấp trong Asean cũng đang cạnh tranh lẫn nhau. Việt Nam, Malaysia, Philippines có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở quần đảo Trường sa.

Sự thiếu lòng tin cản trở tiềm năng hợp tác, ngay cả trong những khu vực ít tranh cãi. Ví dụ một cuộc tuần tra chung trên eo biển Malacca do Indonesia, Malaysia và Singapore tổ chức chỉ cung cấp hợp tác cấp thấp để giải quyết nạn cướp biển chứ không phải là biện pháp thể chế hoá hơn như sự thành lập một cấu trúc chỉ huy chung.

Không chỉ mỗi TQ là thủ phạm duy nhất khiến các câu hỏi về việc khai thác tài nguyên thiên nhiên nảy sinh. Phần lớn hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát, gọi tắt là IUU, ở trong khu vực là do các láng giềng Asean gây ra.

Tại Indonesia, hầu hết các vi phạm này đều do ngư dân Việt Nam gây ra. Câu nói khét tiếng của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Indonesia lúc bấy giờ là Susi Pudjiatuti rằng “nhấn chìm nó đi” đã dẫn tới một cuộc đấu khẩu ngoại giao với Hà Nội – một trong những đối tác tiềm năng quan trọng nhất về mặt chiến lược với Indonesia.

Từ lâu, TQ đã khai thác sự thiếu lập trường chung giữa các thành viên Asean. Việc tìm kiếm sự thống nhất giữa các nước cùng chí hướng, trước hết và quan trọng nhất, là điều cần thiết để vượt qua thủ đoạn ‘chia để trị” của Bắc Kinh.

Giải quyết tranh chấp song phương và sự ngờ vực là quan trọng nhất. Việc giải quyết những sai lệch nội bộ như vậy là điều kiện tiên quyết để tạo ra bất kỳ nhóm hiệu quả nào, cho dù nó có chính thức mang tên một liên minh không.

Nguồn: https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/stiffening-asean-spine-south-china-sea

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn