Báo Malaysia: Cuộc chiến của Nga có thể khuyến khích TQ, báo hiệu rắc rối cho Asean

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine có thể là một chuyện xa vời với nhiều người ở Đông Nam Á. Tuy nhiên cuộc chiến tranh này có sự liên quan sâu sắc với chúng ta – và nhiều nhà phân tích đang theo dõi cẩn thận những phản ứng của Trung Quốc với cuộc khủng hoảng này.



Giống như Nga, Trung Quốc cũng là một cường quốc kinh tế có vũ khí hạt nhân. Chúng ta không thể không rút ra những điểm tương đồng giữa cách nhìn của Nga về Ukraine với những gì Trung Quốc đang nghĩ về một Đài Loan nghiêng về phương Tây. Nếu Trung Quốc thấy không có nhiều hậu quả nghiêm trọng chống lại Nga, hoặc tác động của những hậu quả này là yếu thì nó có thể khuyến khích TQ tiến xa hơn trong tuyên bố chủ quyền với Đài Loan theo những cách hữu hình hơn – và quan trọng hơn là họ sẽ quyết đoán khẳng định uy quyền ở Biển Đông.

Giống như châu Âu phụ thuộc nguồn cung khí đốt của Nga với 40% lượng khí đốt của châu Âu nhập từ Nga, nhiều nước châu Á cảm thấy phụ thuộc vào Trung Quốc về thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các nước Đông Nam Á có quan hệ thương mại gần gũi với Trung Quốc, trong đó Trung Quốc chiếm 20% kim ngạch thương mại hàng hoá của toàn asean năm ngoái.

Trung Quốc cũng là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào nhiều thành viên Asean như Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Myanmar, Campuchia và Lào. Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong là nhà đầu tư lớn thứ hai vào Asean trong năm 2020. Các dự án vành đai và con đường của Trung Quốc là một trong những nguồn chính tài trợ cho phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước nói trên.

Hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Asean sẽ chỉ tăng nhanh hơn khi thoả thuận tự do thương mại RCEP được ký năm 2020 và có hiệu lực từ 1/1/2022. Theo Nikkei, Trung Quốc đã tranh thủ sự suy giảm FDI trong thời gian đại dịch để chi nhiều tiền hơn Mỹ trong khu vực.

Việc này đã dẫn tới những mối quan hệ rất phức tạp khi Trung Quốc quyết đoán các yêu sách trên những vùng biển xung quanh Asean với nhiều vụ đụng độ quân sự và tranh chấp hàng hải xảy ra trong các năm qua. Cơ hội nào cho các nước Đông Nam Á đứng vững trước Trung Quốc?

Ngoài tầm quan trọng địa chiến lược với an ninh và thương mại, Biển Đông cũng giàu tài nguyên, đáng kể nhất là dầu, khí đốt và thuỷ sản. Trung Quốc trước đây đã đưa ra yêu sách toàn bộ Biển Đông với cơ sở quyền lịch sử với khu vực này từ thời nhà Hạ và đã ban hành Luật Lãnh thổ biển và vùng tiếp giáp năm 1992.

Bên cạnh việc gia tăng tuần tra, Trung Quốc cũng đã và đang xây dựng số lượng đáng kể các đảo nhân tạo để làm căn cứ quân sự như những gì đã được vệ tinh phát hiện từ 8 năm trước. Một ví dụ là Đá Vành Khăn – một nơi cách Philippines 250 km và cách Sabah 437 km.

Trong khi đó, Nhật, Mỹ, Australia, Anh đã tăng sự hiện diện hải quân ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mỹ đã thực hiện thường xuyên các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông kể từ năm 2013 và nêu quan điểm rằng các hoạt động của họ là để duy trì tự do hàng hải như một trong những nguyên tắc thông lệ quốc tế dưới Công ước LHQ về Luật Biển. Tuy nhiên, những việc này bị Trung Quốc coi là khiêu khích.

Vì Asean luôn duy trì “trung lập”và không can thiệp, chúng ta khó có thể dựa vào sự ủng hộ của các cường quốc phương Tây nếu Trung Quốc leo thang những lập trường đã hung hăng của họ trong những vấn đề hàng hải này. Bài học từ cuộc chiến trước mắt ở Ukraine – nơi Nato đã cung cấp những hỗ trợ rất ít ỏi sau khi họ hứa hẹn sẽ kết nạp Ukraine. Đó là bằng chứng rằng chúng ta không thể dựa dẫm vào các thế lực bên ngoài để giải quyết xung đột ở khu vực.

Cách duy nhất cho Asean để tự bảo vệ là đoàn kết cả khối – nhưng chính đây lại là một vấn đề. Các nước thành viên Asean tuân thủ nguyên tắc của Asean là dựa trên sự đồng thuận. Tức là dù cho chỉ một thành viên phản đối thì mọi thứ sẽ không được quyết định. Trong thực tế, quy tắc đồng thuận này đã bị TQ khai thác năm 2017 trong hội nghị thượng đỉnh Asean lần thứ 30 ở Manila. Khi đó các nước thành viên không thể đi đến một thoả thuận để phản đối các nỗ lực quân sự hoá của TQ và tranh chấp ở Biển Đông.

Sự phản ứng của Đông Nam Á với Nga đã tiết lộ sự rạn nứt trong bản thân khối Asean khi những lãnh đạo các nước thành viên có các phản ứng và ý kiến khác nhau. Chỉ có Singapore mạnh mẽ chỉ trích Nga xâm lược và áp đặt trừng phạt lên Nga còn phần còn lại của Asean thì bày tỏ mong muốn một giải pháp hoà bình và không gọi Nga là kẻ xâm lược. Thậm chí, Myanmar đã ca ngợi là ủng hộ hoàn toàn với Nga.

Hầu hết các thành viên Asean đã mua sắm vũ khí trang bị từ Nga. Nga là nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu cho Đông Nam Á trong 20 năm qua, vượt xa Mỹ, Pháp, Đức hay Anh. Trong các khách hàng của công nghiệp quốc phòng Nga có Việt Nam, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Lào và Thái Lan. Với thực tế đó, còn ai mà họ có thể trông cậy cho việc bảo trì và thay thế phụ tùng ngoài Nga?

Chúng ta có thể dự kiến một phản ứng tương tự từ Asean nêu Trung Quốc kiểm soát Biển Đông và bước chân vào xung đột quân sự. Khu vực có lợi ích trong việc duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc để được hưởng lợi về kinh doanh, thương mại, đầu tư và cơ hội, và mỗi nước thành viên đều dựa vào Trung Quốc để giải quyết những nhu cầu chính trị và phát triển của bản thân. Tuy nhiên, với sự không thống nhất trong nội bộ Asean, sự dàn xếp như vậy rất có thể là sự sụp đổ của chúng ta.

Tác giả là Phó Giáo sư Tiến sĩ Guido Benny – Đại học Taylor.

Nguồn: https://www.themalaysianinsight.com/s/371947

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn