Hứa Thế Hữu tổng kết 4 yếu kém khi đánh Việt Nam

Năm 1979, trong cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung mà phía Trung Quốc lu loa là “Đối Việt phản kích tự vệ”, Hứa Thế Hữu chỉ huy 6 quân đoàn gồm các phiên hiệu: 41, 42, 43, 54, 55, 50 tạo thành binh đoàn phía Đông. Riêng quân đoàn 50 thiếu sư đoàn 149. Trong 28 ngày chiến tranh với Việt Nam lực lượng do Hứa Thế Hữu chỉ huy gây cho quân đội Việt những thiệt hại nặng nhưng cũng phải trả giá đắt. 

Vì vậy, Hứa Thế Hữu tổng kết nói: “Chúng ta đánh thắng nhưng cái giá không nhỏ, lương thực, đạn dược, nhiên liệu tốn không ít tiền. Giết địch 1000 thì tự ta cũng tổn thất 800, chúng ta cũng thương vong không ít đồng chí tốt. Trong bộ chỉ huy của chúng ta, đại bộ phận sĩ quan là từ thời chống Nhật và thời kỳ chiến tranh giải phóng, tư tưởng chiến lược quân sự của họ vẫn là ở thời kỳ chiến tranh giải phóng, quan niệm chiến thuật lạc hậu và sai lầm trong chỉ huy khiến một số bộ đội phải trả giá lớn”. 


Trong nhiều trường hợp, Hứa Thế Hữu đã nêu ra 4 bài học lớn nhất của cuộc chiến như sau: 

Thứ nhất, 30 năm không đánh trận, rất nhiều người không biết làm sao để thích ứng với việc đánh trận. Cán bộ cơ sở chưa từng qua trận mạc, có cả cán bộ cao cấp cũng chưa từng qua trận mạc, hiện tại bên dưới chỉ huy mấy ngàn người, trên vạn người thậm chí vài vạn người, muốn ngay lập tức thích ứng chiến tranh không phải dễ. 

Thứ hai, trong quá khứ chúng ta phần nhiều là đánh trận ở phương Bắc, đối với tác chiến ở phương Nam, từ bản thân tôi đến các cấp bên dưới đều không quen thuộc. Đối với việc tác chiến trong khí hậu rừng rậm cận nhiệt đới không có kinh nghiệm. Sau tháng 10 là mùa khô, sau tháng 5 là mùa mưa, chúng ta không quen kiểu khí hậu này. Chúng ta cũng không nhận thức đầy đủ địa hình sơn địa. Địa hình này dễ thủ khó công, ban đầu đối sách bất lực, mấy ngày sau mới tổng kết được chiến thuật có lợi. 

Thứ ba là đối với khó khăn chưa đánh giá hết. Sau khi đánh vào sâu tung thâm đối phương, hành quân không có người dẫn đường, đói không có người tiếp tế, thương binh không có người tải thương. Việt Nam cũng thực hiện toàn dân là binh, cô gái bà già đều bắn vào quân ta. 

Thứ tư là trang bị của chúng ta quá lạc hậu, chiến sĩ phải mang vác quá nặng. Lần tác chiến này, chiến sĩ mang vác 80 cân (tương đương 40 kg), có lúc 60 cân (tương đương 30 kg) nên không thể dễ dàng đi lại chứ chưa nói đến đánh nhau. Quá khứ đâu có quá nhiều thứ như vậy? chỉ có một tấm bạt nặng 2 đến 3 cân. Tôi ở Hồng quân 10 năm chưa từng đắp chăn, 8 năm kháng Nhật cũng chưa từng đắp chăn. Hiện nay chúng ta có một tấm áo mưa đã nặng 8 cân rồi, như vậy là quá lạc hậu. Chiến sĩ phải cõng đạn, lựu đạn, lương khô, nước uống... quá nặng nề. 

Có một trường phái quan điểm cho rằng đương thời Hứa Thế Hữu trong chỉ huy cũng tồn tại vấn đề quan niệm chiến thuật lạc hậu. Một số phương án tác chiến thực ra chính là phiên bản của chiến dịch Tế Nam trong thời chiến tranh giải phóng. Rồi vấn đề cá tính viên chỉ huy với công tác chỉ huy, liệu có thích hợp với yêu cầu của chỉ huy trong chiến tranh hiện đại. Đây cũng là điều đáng bàn. Chẳng hạn khi bộ đội hạ được Lạng Sơn, Trung ương mệnh lệnh rút quân nhưng Hứa Thế Hữu trì hoãn không lui. 



Hứa Thế Hữu nhìn vào bản đồ quân sự trầm tư không hạ mệnh lệnh. Ông ta kéo ngón tay trên bản đồ nói: “toàn là bình nguyên rồi, xe tăng đại pháo đúng lúc phát huy tác dụng rồi, không đến 2 giờ tôi có thể đến Hà Nội”. 

Nhưng từ chỉnh thể tình hình quốc tế mà nói, chúng ta không phải là không có mối lo phía sau, phải phòng bị có người đâm phía sau ta, áp lực phía quân khu Thẩm Dương rất lớn, Trung ương lại hạ lệnh rút lui tiếp. Hứa Thế Hữu biểu thị phục tùng mệnh lệnh nhưng lại kiên trì kéo dài một chút. 

Hứa Thế Hữu hy vọng kéo chủ lực Việt Nam từ Campuchia về. Ông ta lãnh đạo bộ đội nói: “chúng ta lại đẩy lên một chút, hù dọa họ một phen!...” 

Ông ta phái binh vượt Lạng Sơn mấy chục km, khi đó cơ quan chính phủ Việt Nam xôn xao chạy về Hà Nội. Nhận được báo cáo, Hứa Thế Hữu ha ha cười lớn. 
Bình luận: trên đây là bài viết của Sohu nói về các bài học rút ra của Hứa Thế Hữu sau cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979. Nhưng phần cuối nói về việc Hứa Thế Hữu nhìn bản đồ và nói đây đều là bình nguyên rồi, xe tăng đại pháo có thể phát huy tác dụng thì có nghĩa rằng chính ông ta cũng vướng vào chỗ không nhận thức đầy đủ khó khăn và địa hình. Mặt khác, sau 5 ngày đầu cuộc chiến, lực lượng tăng thiết giáp của quân Trung Quốc đã cơ bản bị tê liệt vì thiệt hại quá nhiều cho nên có muốn phát huy xe tăng cũng không được nữa (mời xem clip phía dưới để biết cụ thể tình hình thiết giáp TQ thiệt hại sau mấy ngày đầu tham chiến) . Rút cục lại thì cũng là may cho Hứa Thế Hữu vì Đặng Tiểu Bình đã bắt buộc ông ta rút lui cho nên thất bại của ông ta là chưa rõ ràng mà vẫn còn có thể bao biện bằng câu “diệt địch 1000 ta tổn thất 800”. 

Nếu như năm đó Hứa Thế Hữu hăng máu tiến qua Lạng Sơn theo đường quốc lộ 1 về đánh Hà Nội thì chắc chắn là sẽ có một trận đánh lớn với 2 quân đoàn của Việt Nam trên địa bàn Bắc Giang hoặc phía Nam tỉnh Lạng Sơn. Trong bối cảnh quân đội Trung Quốc đã liên tục đánh trận hơn 20 ngày, các đơn vị đều đã sứt mẻ, nguyên khí hao tổn, lại đã đi quá xa hậu phương tiến vào đất đối phương. Trong khi đó lực lượng Việt Nam có một nửa là quân nhàn đánh quân mệt, lại tác chiến trên địa bàn mình thông thuộc cho nên nếu trận đánh xảy ra, cho nên hy vọng thắng lợi của quân Trung Quốc là rất mong manh. Mặc dù vậy Trung Quốc đã tự rút về và tuyên bố thắng cuộc cho nên họ vẫn còn cớ để khoác lác là “nếu đánh tiếp chỉ 2 giờ sẽ đến Hà Nội”.

Tags: ho-sonoi-bat

1 Comments

Tin liên quan

    -->