Báo TQ: Việt Nam đang giữ 2/3 đảo tiềm năng nhất Trường Sa

Tờ Toutiao hồi tháng 8 đăng một bài báo nói rằng trong số các đảo chìm đảo nổi ở Trường Sa (phía TQ gọi là Nam Sa) có 3 đảo có tiềm năng mở rộng nhất nhưng Trung Quốc chỉ kiểm soát được 1 đảo trong đó.


Bài báo viết: Đối với Biển Đông, những người tương đối hiểu biết đều biết rằng các đảo ở Biển Đông chủ yếu là do một số rạn san hô tạo thành, số lượng đảo tự nhiên rất ít, hơn nữa diện tích đều không lớn. Do đảo tự nhiên có hạn, vậy thì đảo nhân tạo rõ ràng là ưu tiên quan trọng. Các rạn san hô Biển Đông rất nhiều nên cũng là một điều kiện để lựa chọn xây đảo nhân tạo. 



Quần đảo Trường Sa là những hòn đảo nằm cách đại lục Trung Quốc khá xa, hơn nữa đại bộ phận đều bị thế lực nước ngoài “chiếm đóng phi pháp” (chữ dịch nguyên văn của bài viết gốc), hình thái quốc tế cực kỳ phức tạp cho nên trong xây dựng Trường Sa, xây đảo nhân tạo là việc vừa quan trọng và khẩn cấp. Hiện nay nước ta đã xây dựng 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa, trong đó đảo Chữ Thập (Trung Quốc gọi là đá Vĩnh Thử) được mọi người gửi gắm nguyện vọng. 

Sơ đồ đá Chữ Thập của Trung Quốc. Các chú thích trong ảnh là mực nước biển tương ứng với các màu biểu thị. 

Đảo Chữ Thập diện tích 108 km2, do nhiều rạn san hô độc lập cấu thành, hiện nay nước ta đã xây dựng một đảo nhân tạo có diện tích 2,8 km2 ở góc tây nam của nó. Tương lai có thể sẽ bồi lấp tạo đảo trên những rạn san hô độc lập trong nhóm nào để hình thành quần đảo Chữ Thập. 

Đá Thuyền Chài trên ảnh vệ tinh. 

Đá Thuyền Chài (Trung Quốc gọi là Bách Tiêu) có diện tích 66,4 km2, trong đó diện tích mặt bằng của rạn san hô là 49,5 km2, là rạn san hô có diện tích mặt bằng lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Ngoài ra đá Thuyền Chài có mực nước tương đối nông, khối lượng phải bồi lấp không quá lớn, rất dễ hình thành đảo nhân tạo cỡ lớn, điều kiện để bồi lấp so với đá Chữ Thập còn tốt hơn. 

Đá Tốc Tan của Việt Nam trên ảnh vệ tinh. 

Đá Tốc Tan (Trung Quốc gọi là Lục Môn Tiêu) có diện tích 72,5 km2, trong đó diện tích có san hô bên dưới là 36,8 km2, là đá ngầm có diện tích lớn thứ hai chỉ sau đá Thuyền Chài. Đá Tốc Tan có điều kiện bồi lấp kém hơn đá Thuyền Chài nhưng bên trong nó có hồ nước có thể neo đậu được tàu cỡ lớn. 

Lưu ý: cả đá Thuyền Chài và đá Tốc Tan hiện thời do Việt Nam kiểm soát thực tế, trên hai đảo này có lực lượng cỡ hai trung đội trở lên trú đóng”. 

Bình luận: Bài viết trên đây của Toutiao phân tích về 3 đảo bãi đá ngầm có diện tích lớn nhất trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong đó có 1 bãi hiện nay Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép và hai bãi đá ngầm còn lại thì Việt Nam vẫn đang kiểm soát được. Giọng điệu của bài viết cho thấy phía Trung Quốc khá là thèm muốn những bãi đá ngầm mà Việt Nam đang kiểm soát. 

Qua các bản đồ trên đây có thể thấy nếu như Việt Nam cũng có tiềm lực như Trung Quốc thì có thể bồi lấp được những đảo nhân tạo lớn hơn cả các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Tuy nhiên do nguồn lực có hạn, Việt Nam không có điều kiện để bồi lấp quy mô lớn mà chỉ cải tạo dần dần để bảo đảm phòng thủ vững chắc những chỗ đang có trong tay.

Xem thêm:
Trung Quốc ra tay quá nhanh ở Biển Đông

Báo Mỹ: Việt Nam quyết đoán không kém gì TQ trên Biển Đông

1 Comments

Tin liên quan

    -->