Đánh cá trộm làm nóng quan hệ ngoại giao giữa VN, Malaysia, Indonesia

Quan hệ ngoại giao ở Đông Nam Á đã trở nên căng thẳng trong những tuần gần đây sau các cáo buộc của phía Indoneisa và Malaysia rằng các ngư dân Việt Nam đã xâm nhập vùng biển của họ. 

Căng thẳng đã bùng lên khi các thanh tra của Ủy ban châu Âu dự kiến đến Việt Nam cuối tháng này hoặc đầu tháng 6 để đánh giá “thẻ vàng” được đặt ra với Việt Nam năm 2017. Thẻ vàng được châu Âu áp đặt vì Việt Nam đã thất bại trong việc kiềm chế ngư dân đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo. 


Vào ngày 8/5, Bộ Ngoại giao Malaysia đã triệu tập Đại sứ Việt Nam đến để yêu cầu giải thích về số lượng lớn các tàu đánh cá Việt Nam xâm nhập vào vùng biển Malaysia. Thứ trưởng Ngoại giao Raja Datuk Nushirwan Zainal Abidin đã chuyển cho Đại sứ Lê Quý Quỳnh công hàm bày tỏ phản đối của chính phủ Malaysia đối với các vụ xâm nhập - theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Malaysia. 

Tuyên bố nói: “Chính phủ Việt Nam được kêu gọi có các biện pháp để sửa đổi tình hình này”. 



Cũng theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Malaysia: Kể từ năm 2006 đến nay, đã có 748 tàu và 7203 ngư dân Việt Nam bị nhà chức trách Malaysia bắt giữ vì cáo buộc đánh cá bất hợp pháp. Việc các ngư dân Việt Nam xâm nhập vùng biển Malaysia không chỉ đe dọa công dân Malaysia mà còn vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Malaysia và vi phạm luật quốc tế, gồm công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. 

Sự căng thẳng ngoại giao của Malaysia với Việt Nam diễn ra chỉ vài ngày sau khi Indonesia đánh chìm 51 tàu đánh cá nước ngoài, trong đó có 38 tàu mang cờ Việt Nam, đó là những tàu đã bị họ phát hiện đánh cá bất hợp pháp. 

Hành động của Indonesia vào ngày 4/5 đã diễn ra khoảng 1 tuần sau vụ đụng độ giữa hai tàu kiểm ngư của Việt Nam với một tàu hải quân của Indonesia ở Biển Đông. Indonesia nói tàu của họ ngày 27/4 đã bị 2 tàu Việt Nam đâm va sau khi nó chặn một tàu đánh cá mà người Indonesia nói rằng đang đánh cá trộm trong vùng biển Indonesia. Indonesia đã bắt giữ 12 ngư dân Việt Nam thuộc tàu này còn con tàu thì bị chìm trong quá trình sự việc. Hai người ngư dân còn lại trong thủy thủ đoàn được tàu Việt Nam cứu. 

Tuy nhiên ngày 2/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói họ đã trao công hàm ngoại giao thứ 2 cho Đại sứ quán Indonesia ở Việt Nam để phản đối việc Indonesia sử dụng vũ lực với tàu đánh cá Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam nói lực lượng Indonesia đã bắt giữ trái phép ngư dân Việt Nam trong khi những người này đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam. Bộ cũng yêu cầu Indonesia thả những ngư dân này ngay lập tức, đối xử nhân đạo với họ và bồi thường thỏa đáng cho tàu đánh cá và ngư dân Việt Nam. 

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng Việt Nam vẫn đang khó khăn trong việc ngăn chặn các ngư dân của mình đánh cá bất hợp pháp. Báo cáo từ Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho biết: Năm ngoái, 137 tàu với 1162 ngư dân đã bị phát hiện đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển nước ngoài, gồm Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Indonesia, Brunei, tăng nhiều so với con số 91 tàu của năm 2017. Đến thời điểm hiện nay (5/2019) con số đó đã lên tới 46 tàu và 96 ngư dân. 

Ngày 29/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo về tiến trình thực thi khuyến cáo của Ủy ban châu Âu về nạn đánh cá trộm. Ông yêu cầu các nhà chức trách địa phương trừng phạt nghiêm khắc các ngư dân hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển nước khác. 

Nguồn: https://www.seafoodsource.com/news/supply-trade/illegal-fishing-heats-up-diplomatic-exchanges-between-vietnam-malaysia-and-indonesia


Post a Comment

Tin liên quan

    -->