Phi công VN tốt nghiệp khóa học ở Mỹ là tín hiệu cho điều gì?

Hôm 3/6, trên Facebook chính thức của Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam đăng tin nói rằng: “Thượng úy Đặng Đức Toại sẽ là phi công Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khóa đào tạo trong Chương trình Lãnh đạo Hàng không (ALP) của không quân Mỹ tại căn cứ Columbus, tiếp đó là trung úy Doãn Văn Cảnh”. Ngay sau khi sứ quán Mỹ đăng thông tin này, các cơ quan truyền thông Việt Nam đã trích dẫn lại và bàn luận rộng rãi.

Phi công Đặng Đức Toại trên máy bay huấn luyện T-6 Texan II ở Mỹ.

Có những ý kiến cho rằng việc phi công quân sự của Việt Nam được học bổng đi dự khóa học của Không quân Mỹ là một dấu hiệu cho khả năng Việt Nam sắp sửa mua sắm máy bay quân sự từ Mỹ. Luồng ý kiến này được nêu ra trong hai bài báo, một của báo Đất Việt và một của trang Soha. Bài báo của Đất Việt dự đoán sự kiện nói trên là cơ sở để Việt Nam có thể mua máy bay vận tải C-130 sau này.



Bài báo của Đất Việt lập luận rằng: “Theo giới thiệu của phía Mỹ trong lễ tốt nghiệp, Thượng uý Đặng Đức Toại là phi công thuộc Lữ đoàn vận tải 918, đơn vị đang khai thác vận hành dòng máy bay C-295M, đây là dấu hiệu tương đối rõ ràng cho thấy nếu tiếp tục khóa học nâng cao thì khả năng lớn phi công của chúng ta sẽ học lái C-130 Hercules.

Hiện nay Việt Nam đang có nhu cầu lớn đối với một dòng máy bay vận tải hạng trung để giữ vai trò chủ lực bên cạnh phi đội hạng nhẹ C-295M và C-212. Trong số các ứng viên được nhắc tới thì C-130 Hercules của Mỹ là lựa chọn khả thi nhất do Nga hiện không có sản phẩm tương đương. Bên cạnh C-130 thì một khả năng khác cũng được nhắc tới đó là máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion”.

Còn trên bài báo của trang Soha thì dự đoán việc phi công Việt Nam tốt nghiệp khóa học của Mỹ là một tiền đề để Việt Nam nhập khẩu máy bay huấn luyện Texan II của Mỹ. Bài báo lập luận rằng: “Sự kiện phi công quân sự Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khóa đào tạo bay do Không quân Mỹ tổ chức, cũng được cho là sẽ mở ra cánh cửa quan trọng để hai nước tiến tới đàm phán hợp đồng mua các máy bay T-6 Texan II từng được Đô đốc Philip S. Davidson, Tư lệnh Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương đề cập tới vào đầu tháng 2 năm nay”.

Trước đó, trong bài phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Đô đốc Philip S. Davidson có nói rằng hiện nay hợp tác quân sự giữa Bộ Chỉ huy Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tập trung vào việc tăng năng lực hàng hải của Việt Nam thông qua việc Việt Nam đặt mua các máy bay không người lái ScanEagle, máy bay huấn luyện T-6 và tàu tuần duyên thứ hai của lực lượng Tuần duyên Mỹ.


Đến thời điểm hiện nay, thông tin về việc Việt Nam mua máy bay không người lái ScanEagle đã chính thức được xác nhận cho nên bài báo của Soha nhận định “từ điểm này thì thông tin Việt Nam đang xúc tiến hợp đồng mua máy bay huấn luyện T-6 Texan II từ Mỹ là hoàn toàn có cơ sở. Cũng cần nhấn mạnh rằng phi công quân sự Việt Nam vừa tốt nghiệp khóa huấn luyện tại Mỹ là bay trên những chiếc T-6, đây rất có thể là cách chúng ta đánh giá trước các tính năng kỹ chiến thuật của loại máy bay này trước khi đưa ra quyết định chính thức”.

Phi công Việt Nam tốt nghiệp khóa học Lãnh đạo Hàng không của Mỹ. 

Nói chung các phỏng đoán được đưa ra trong 2 bài báo nói trên đều dựa trên những căn cứ nhất định. Tuy nhiên tôi cho rằng sự kiện phi công Việt Nam được học bổng chương trình ALP của Mỹ chủ yếu chỉ dừng ở mức độ giao lưu, học hỏi là chính chứ không phải một tín hiệu về khả năng sẽ mua máy bay của Mỹ, dù là máy bay huấn luyện hay vận tải.

Lý do là hiện nay Việt Nam đang khai thác chủ yếu máy bay xuất xứ từ Nga. Phi công ban đầu học lái sơ cấp thì học trên máy bay cánh quạt Yak-52 do Liên Xô chế tạo, sau đó chuyển tiếp lên máy bay phản lực L-39 do Tiệp Khắc chế tạo. Sau khi tốt nghiệp ra trường, phi công về đơn vị sẽ tiếp tục được học chuyển loại sang các máy bay chính đang có trong biên chế đơn vị như Su-22, Su-27, Su-30, tất cả đều là máy bay của Liên Xô/ Nga chế tạo.

Mặc dù máy bay T-6 cũng là máy bay cánh quạt sơ cấp như Yak-52 nhưng trong thiết kế máy bay, Liên Xô và Mỹ là hai trường phái khác nhau, có phong cách thiết kế và hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau. Nếu sử dụng máy bay T-6 làm máy bay huấn luyện sơ cấp thì lại khó tương thích với các loại máy bay tiếp theo. Trừ khi Việt Nam có ý định nhập khẩu và vận hành nhiều máy bay quân sự của Mỹ và phương Tây thì máy bay huấn luyện T-6 mới hữu dụng. Tuy nhiên trong trường hợp đó sẽ phải thành lập 1 nhánh đào tạo riêng phục vụ cho máy bay hệ phương Tây. Mà như vậy thì đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều nguồn lực, khả năng tài chính có hạn của Việt Nam chưa thể thực hiện.

Về việc mua các máy bay vận tải hoặc săn ngầm, tuy đã có những đồn đoán trong mấy năm qua nhưng đến nay cũng mới chỉ dừng ở lời đồn, chưa có tin tức gì thêm.



Do vậy khả năng cao nhất trong trường hợp này vẫn chỉ là cử người sang Mỹ học là một động thái tăng cường giao lưu quốc phòng và học hỏi thêm những phương phương pháp và kinh nghiệm đào tạo không quân. Dù sao thì Mỹ cũng là nước có lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới và một nền đào tạo hàng không tiên tiến, khoa học nên có nhiều điều hay đáng để học hỏi.

Trong một bài báo của tờ VnExpress, thượng úy Toại cũng đánh giá việc tham gia chương trình ALP là một cơ hội tốt để “học hỏi những điều mới mẻ” và khi trở về Việt Nam, anh sẽ truyền đạt lại cho các đồng đội những kiến thức đã học được trong 12 tháng huấn luyện ở căn cứ không quân Columbus.

Các nguồn tham khảo:

http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/my-dao-tao-phi-cong-viet-nam-de-van-hanh-c-130-hercules-3381506/

http://soha.vn/hop-dong-mua-may-bay-quan-su-my-dau-tien-cua-viet-nam-da-o-rat-gan-20190607085620121.htm

https://vnexpress.net/the-gioi/quy-trinh-tuyen-ung-vien-phi-cong-viet-nam-cho-khoa-huan-luyen-o-my-3934258.html

Post a Comment

Tin liên quan

    -->