Sina: Radar bắt máy bay tàng hình của VN với ăng ten bằng tòa nhà 10 tầng

Gần đây, trong lúc Truyền hình Quốc phòng Việt Nam đưa tin về trạm radar 50 thuộc trung đoàn radar 294 sư đoàn 367 đã công bố hình ảnh hiếm thấy về trang bị của nó. Đó là một hệ thống radar cảnh giới tầm xa cỡ lớn được nhập khẩu từ nước ngoài mang tên NEBO-UE.

Radar NEBO-UE của Việt Nam trên chương trình truyền hình quốc phòng được báo TQ chụp màn hình lại. 

Được biết radar này là một trong nhiều trang bị trinh sát tiên tiến mà Việt Nam nhập khẩu từ Nga sau năm 2000. Kích thước của nó rất lớn, ăng ten sau khi lắp hoàn chỉnh cao tới khoảng 30m, tức là cao bằng một tòa nhà 10 tầng. Do băng tần làm việc đặc thù của nó nên cự ly sục sạo với các mục tiêu trên không rất xa. Mặt khác, điều đặc biệt đáng chú ý là nó còn có năng lực phát hiện máy bay tàng hình ở mức độ nhất định. 



NEBO-UE là một radar cảnh giới 3 tham số được dùng phổ biến trong quân đội Nga cho các loại tên lửa phòng không S-300 và S-400. Do nó làm việc ở băng tần VHF, hay cũng dải sóng mà ta hay gọi là sóng mét, cho nên tuy độ chính xác trong việc quét mục tiêu không cao nhưng cự ly thì lại rất xa, lại cộng thêm năng lực đo cao nên được dùng chỉ thị mục tiêu cho tên lửa phòng không trong giai đoạn đầu, hoặc là để dẫn đường cho máy bay chiến đấu đi đánh chặn đều thích hợp.

Cột ăng ten rất cao của một hệ thống radar NEBO-UE ở Nga. 

Căn cứ vào tài liệu giới thiệu về loại radar này thì nó có thể phát hiện mục tiêu có diện tích phản xạ 2,5 m2 trên độ cao 10.000m từ cự ly trên 300 km. Đây cũng là cự ly cảnh giới đối của nó đối với máy bay chiến đấu không tàng hình .

Nhưng bản thân các loại radar sóng mét cũng có nhược điểm là khả năng bắt các mục tiêu ở độ cao thấp kém. Cho nên nếu đối phương hạ độ cao bay, sử dụng phương pháp đột nhập ở độ cao thấp và siêu thấp thì cự ly cảnh giới của radar này sẽ bị rút ngắn rất nhiều. Đối với mục tiêu kích cỡ máy bay chiến đấu, nếu bay ở độ cao 500m thì cự ly phát hiện của nó chỉ còn 65 km là tối đa. Do vậy trong thực tế sử dụng, NEBO-UE thường cần phối hợp với các radar bắt thấp để bổ khuyết. 



Đối với phương diện đối phó máy bay tàng hình, NEBO - UE có hiệu quả độc đáo. Do máy bay tàng hình, cơ bản thiết kế đều là đối phó với các radar sử dụng dải sóng cực ngắn và cao tần cho nên việc đối phó với tần số VHF không được tốt lắm. Theo thử nghiệm của cơ quan nghiên cứu nước ngoài cho thấy rằng: Cùng là một máy bay tàng hình nhưng diện tích phản xạ của nó trên radar sóng mét cao hơn diện tích phản xạ trên radar sóng cực ngắn từ 10 đến 100 lần. Do đó tần số radar sóng mét có hiệu quả nhất định trong việc bắt máy bay tàng hình. 

Hiện nay các máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 phổ biến có diện tích phản xạ trên radar ở khoảng 0,1 m2; nếu ở phần đầu máy bay như F-22 và F-35 thì diện tích phản xạ chỉ khoảng 0,01 m2. Nhưng NEBO-UE lại được nói là có thể phát hiện mục tiêu có diện tích phản xạ 0,01m2 ở độ cao lớn từ cự ly 50 km, còn mục tiêu có diện tích 0,1 m2 nếu bay ở độ cao lớn thì có thể phát hiện được từ cự ly 90 đến 100 km.

Một loại radar bắt thấp đặt bên cạnh để bổ sung cho radar NEBO-UE. 

Chính vì phía Nga tuyên truyền phổ biến như vậy cho nên truyền thông Việt Nam cũng tuyên bố ràng nếu radar này đặt tại Bắc Bộ thì có thể cảnh báo sớm và giám sát được J-20 Trung Quốc và F-35 của Mỹ từ phía biển. Nhưng rõ ràng truyền thông Việt Nam đã nghĩ quá nhiều, vì radar này cũng không được bố trí đến Bắc Bộ. 

Từ hình ảnh vệ tinh có thể thấy radar NEBO - UE của Việt Nam thực tế bố trí ở Cần Thơ, chủ yếu để bảo vệ trọng điểm kinh tế thành phố Hồ Chí Minh và cung cấp cảnh báo sớm cho tên lửa S-300PMU1 của trung đoàn 93. Còn các trạm radar ở miền Bắc Việt Nam thì không thấy bố trí loại radar này. 



Tôi nghĩ nguyên nhân chủ yếu vẫn là vì radar NEBO- UE không tiện cơ động, tuy nó cũng được đặt trên xe tải nhưng ăng ten quá cồng kềnh khiến rất mất thời gian triển khai và thu hồi. Trong khi đó miền Bắc bố trí một số lượng lớn radar Vostok - E nhập khẩu từ Belarus và radar RV-02 do họ tự sản xuất, đây cũng là những radar sóng mét nên có năng lực chống tàng hình nhất định. Hơn nữa tính năng cơ động của những loại này tốt hơn NEBO-UE cho nên khả năng sống sót cao hơn. Còn radar NEBO-UE bố trí ở miền Nam tương đối an toàn cũng là điều dễ hiểu. 

Đối với các máy bay tàng hình như J-20 của Trung Quốc hay F-35 của Mỹ, tuy radar sóng mét có hiệu quả cảnh giới nhất định nhưng nếu không có các khí tài giám sát không địa và thiết bị tấn công phối hợp, chỉ đơn độc dựa vào mấy bộ radar thông thường như NEBO-UE thì không có nhiều ý nghĩa. Bởi vì đối phương rất dễ dùng biện pháp giảm độ cao để dễ dàng thoát khỏi giám sát. Trong khi đó dù cho có biết hướng đi của máy bay tàng hình cũng không thể chỉ huy phòng không mặt đất tấn công và không có cách nào dẫn máy bay tiêm kích đi đánh chặn.


Trong tác chiến phòng không, nếu đã bị hãm vào thế bị động thì hoạt động đánh trả thường sẽ tốn công vô ích, hơn nữa phần lớn bộ đội sẽ bị các nhóm máy bay nhỏ của đối phương quần đảo không chịu nổi, từ đó khả năng mạng lưới phòng không xuất hiện lỗ hổng sẽ tăng cao. Còn nếu muốn xây dựng mạng lưới cảnh giới máy bay tàng hình hoàn thiện thì rõ ràng một nước nhỏ như Việt Nam không thể làm được. Cho nên họ mua vài bộ radar VHF cũng chỉ có tác dụng tự an ủi bản thân mà thôi. 

Nguồn: https://mil.news.sina.com.cn/jssd/2019-06-04/doc-ihvhiews6733494.shtml

Bình luận: Các lập luận của tác giả không phải là vô căn cứ. Tuy nhiên điều họ có thể nghĩ được thì những người trong lĩnh vực quân sự của Việt Nam còn nghĩ xa hơn thế. Hiện nay Việt Nam có rất nhiều chủng loại radar khác nhau, trong đó có cả các radar hiện đại và các radar thế hệ cũ. Mỗi loại radar có tính năng kỹ thuật khác nhau nên sẽ được bố trí ở những khu vực khác nhau phục vụ cho các mục đích khác nhau.



Khi bước vào thời kỳ chiến tranh, thế bố trí của không chỉ riêng radar mà tất cả các lực lượng và phương tiện sẽ được điều chỉnh tùy theo tình hình. Trong khi hoạt động, các loại radar sẽ phối hợp và bổ sung cho nhau để phát huy cao nhất tính năng kỹ thuật với mục đích cuối cùng là "đánh được địch và giữ được mình". Do vậy máy bay dù là máy bay tàng hình, khi xâm nhập vào vùng trời Việt Nam sẽ phải đối mặt với một hệ thống giám sát nhiều tầng nhiều lớp, cho nên muốn dựa vào thủ đoạn bay thấp để hãm radar Việt Nam vào thế bị động là việc không phải dễ làm. 

Post a Comment

Tin liên quan

    -->