Icon

Hồ Sơ

Hồ Sơ

24 September 2019

Báo Campuchia: Việt Nam kiên quyết trong giải quyết tranh chấp Biển Đông

Tờ Khmertimeskh của Campuchia hôm 24/9 đăng một bài viết của Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam nói về tranh chấp Biển Đông.

Bài báo viết: Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng đang tiếp tục thông qua các kênh ngoại giao để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông nhằm giảm căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước và trong khu vực. 

Là một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam muốn ASEAN đóng vai trò trong việc bảo đảm một khu vực hòa bình và ổn định, đặc biệt là khi trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc đã thực hiện các hành động trái ngược với tinh thần giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. 


Để cải thiện và thúc đẩy quan hệ song phương, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 8 đến 12/7/2019. Việt Nam đã đánh giá chuyến thăm là rất thành công với một số kết quả đạt được quan trọng. Chuyến thăm cũng cho thấy lãnh đạo hai nước có lòng tin chính trị và tiếp tục thống nhất trong một số vấn đề chiến lược. 

Bắc Kinh đáp ứng với đề xuất của Hà Nội về tăng cường hợp tác, hữu nghị và truyền thống. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh việc bảo vệ hòa bình và ổn định trên biển bằng các hành động cụ thể. Điều không thể chối cãi được là Trung Quốc là một đối tác lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và là thành viên của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Do đó, Trung Quốc phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đóng góp cho một môi trường hòa bình và ổn định, thúc đẩy hợp tác và hữu nghị ở Đông Nam Á cũng như trên khắp thế giới. 

Ở Đông Nam Á, Trung Quốc có quan hệ ngoại giao với các nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên ít nhất 4 thành viên ASEAN gồm Malaysia, Philippines, Brunei, Việt Nam đều đang đối mặt với vấn đề chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông khi Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng. Do đó, là một đối tác của ASEAN, Trung Quốc cần thực hiện đầy đủ các cam kết đối với hòa bình trong khu vực. 

Trong ngắn hạn, Trung Quốc dựa vào sức mạnh tài chính, kinh tế và quân sự của mình, có thể thống trị nhưng về lâu dài họ sẽ đối mặt các nguy cơ từ những hành động của các láng giềng trong ASEAN và phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với các vi phạm chủ quyền nước khác của họ ở Biển Đông. 



Các nước trong khu vực đang cố gắng kiên nhẫn với những hành động của Trung Quốc để tuân thủ luật pháp trong vấn đề Biển Đông. Hành động của Việt Nam và các nước khác đã đề cập ở trên không phải là yếu đuối hay là chấp nhận mà nó là cử chỉ bày tỏ thiện chí. 

Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 34 hồi tháng 6/2019 đã phản ánh lo ngại và vai trò của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, bao gồm các tiến trình tích cực trong đàm phán giữa ASEAN với Trung Quốc về bộ Quy tắc Ứng xử (COC) và thông qua tuyên bố “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Đặc biệt nó đã khẳng định nguyên tắc bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN, nắm vững và thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực trên cơ sở các quy tắc hiện tại. 


Tuy nhiên, ASEAN đã bị chỉ trích vì thường xuyên đưa ra các tuyên bố thận trọng trước các hành động hung hăng và bồi lấp đất của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc này có thể làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và gây tổn hại cho hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. 


Tuyên bố ASEAN lo ngại về Biển Đông đã không phản ánh đầy đủ thực tế những gì diễn ra trong khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2019. Hồi tháng 6, một tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Philippines ở Bãi Cỏ Rong (Recto Bank) và bỏ mặc 22 ngư dân Philippines “cho may rủi”. Sau khi xây dựng các đảo nhân tạo và thiết lập căn cứ quân sự trên một số thực thể ở Biển Đông, Trung Quốc đã thực hiện những vụ phóng tên lửa chống hạm hồi đầu tháng 7/2019. 

Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) đưa tin rằng tháng 5/2019, tàu hải cảnh 35111 Trung Quốc đã cản trở giàn khoan dầu Malaysia hoạt động gần Luconia ngoài khơi Sarawak. Tháng 7, Trung Quốc cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất số 8 thực hiện những khảo sát bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. 

Đối phó lại, Việt Nam đã triển khai một nhóm tàu cảnh sát biển và phản đối thông qua các kênh ngoại giao về việc Trung Quốc phạm chủ quyền hợp pháp của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế. Hoa Kỳ cũng chỉ trích các hành vi khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông và gọi đó là một đe dọa với an ninh hàng hải ở Đông Nam Á cũng như đe dọa sự tự do và mở ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. 

Hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất số 8 có thể phá hoại các nỗ lực chung trong tiến trình đàm phán COC, đặt ra các thách thức cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục kết tội sự hiện diện của Hải quân Mỹ và các lực lượng quân sự phương Tây trong khu vực này. 



Trong khi đó, Giáo sư Carl Thayer (Australia) đã phát biểu chống lại hành vi của Trung Quốc và kêu gọi sự can thiệp mạnh mẽ hơn từ các cường quốc như Mỹ, Anh hoặc Nhật Bản và các tổ chức đa phương khu vực như ARF, EAS và ADMM+. Theo ông, Bắc Kinh nên hiểu rằng Việt Nam sẽ giữ vai trò Chủ tịch ASEAN và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ vào năm 2020. 

Lịch sử cho thấy Việt Nam sẽ dùng mọi phương tiện hòa bình để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực có vẻ bị thất vọng vì các hành động hung hăng và kiêu căng của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Nếu Trung Quốc tiếp tục gây bất ổn Biển Đông, Việt Nam và các nước khác trong khu vực có thể tiếp tục kêu gọi đoàn kết hơn và đưa vấn đề này ra thảo luận trong các diễn đàn đa phương thời gian tới. 

Theo Khmertimeskh


No comments:
bình luận nhận xét bạn đọc

Note: Only a member of this blog may post a comment.