Trung Quốc và Việt Nam đã tham gia vào một vụ căng thẳng dâng cao trên biển. Kể từ đầu tháng 7, một tàu Trung Quốc đã khảo sát dầu khí từng hồi cách quãng trong các lô dầu khí nằm trên thềm lục địa của Việt Nam. Các tàu cảnh sát biển của Trung Quốc đã cơ động nguy hiểm quanh các tàu Việt Nam đang phản ứng lại những sự xâm phạm này của Trung Quốc.
Tuần trước, Trung Quốc leo thang thêm trò chơi bằng cách khôi phục lại hoạt động khảo sát và đồng thời đưa một con tàu mà họ từng dùng để đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đi vào khu vực chỉ cách bờ biển miền Trung Việt Nam 56 dặm. Trung Quốc đang sử dụng những chiến thuật bắt nạt này để không cho Việt Nam tiếp tục các hoạt động khoan dầu khí ở gần bãi Tư Chính.
Chúng tôi đã thấy những cảnh này trước đây. Năm 2014, Trung Quốc đã triển khai một giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Sau đó, cuộc xung đột đã dẫn tới sự gia tăng đáng kể trong hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ. Điều tương tự chắc chắn sẽ xuất hiện trong tình hình hiện nay.
Quan hệ Trung - Việt làm nổi bật những gì đang diễn ra khi sự cưỡng ép của Trung Quốc đi quá xa và là một ví dụ về cách Mỹ có thể tận dụng những cơ hội này để xây dựng quan hệ gần hơn với các láng giềng của Trung Quốc.
Cuộc triển khai giàn khoan của Trung Quốc năm 2014 vào vùng biển Việt Nam là bước lùi đáng kể nhất trong quan hệ Trung - Việt kể từ khi 64 thủy thủ của Việt Nam bị Hải quân Trung Quốc bắn tại bãi đá ngầm Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa năm 1988. Cuộc khủng hoảng năm 2014 nổ ra khi Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia nhằm mục đích khoan thăm dò ở khu vực cách đảo Lý Sơn của Việt Nam chừng 120 hải lý.
Việc triển khai giàn khoan này gợi ý rằng Trung Quốc đang đưa ra yêu sách chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên dầu khí ở phía Tây đường trung tuyến giữa Việt Nam và Trung Quốc. Căng thẳng đã leo thang nhanh chóng và ở đỉnh điểm của nó, khoảng 130 tàu thuyền Trung Quốc đã cơ động xung quanh khoảng 60 tàu Việt Nam gây ra nhiều vụ đâm va cho thấy sự hung hăng của Trung Quốc. Cuối cùng, cuộc khủng hoảng kết thúc khi Trung Quốc rút giàn khoan của họ khỏi khu vực trước một tháng so với dự kiến.
Các chiến thuật cưỡng ép của Trung Quốc để giải quyết tranh chấp Biển Đông là một chất xúc tác đã thúc đẩy Hà Nội tìm kiếm hợp tác an ninh tăng cường với Washington. Chỉ 5 tháng sau cuộc khủng hoảng 2014, Hoa Kỳ đã gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam để cho phép Việt Nam mua các thiết bị phòng thủ biển phi sát thương.
Mặc dù các vận động ngoại giao để gỡ bỏ sự hạn chế này đã bắt đầu từ trước cuộc khủng hoảng nhưng sự cưỡng ép trên biển của Trung Quốc có thể đã làm tăng động lực cho Hà Nội trong việc làm mới lại những yêu cầu thúc giục Washington gỡ bỏ lệnh cấm.
Tháng 6/2015, Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Ash Carter đã cam kết cung cấp cho Việt Nam 18 triệu USD để mua các tàu tuần tra cảnh sát biển và ký một tuyên bố tầm nhìn chung cho quan hệ quốc phòng với người đồng cấp Việt Nam. Trong chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Hà Nội năm 2016, Hoa Kỳ đã hoàn toàn gỡ bỏ phần còn lại của lệnh cấm bán vũ khí sát thương - đó là phần còn chưa được gỡ bỏ ở thời điểm 2014.
Là một tùy viên Hải quân Mỹ ở Việt Nam trong những năm sau sự cố 2014, tôi đã chứng kiến sự hình thành của các thỏa thuận chiến lược cho phép Hải quân và Cảnh sát biển Việt Nam bắt đầu sự hợp tác chưa từng có với các đơn vị đồng cấp của Mỹ. Một năm sau cuộc khủng hoảng 2014, các tàu hải quân từ Việt Nam và Mỹ đã tăng độ phức tạp của những hoạt động huấn luyện chung trên biển trong khuôn khổ các chuyến thăm thiện chí hàng năm của tàu thuyền đến Việt Nam.
Sau đó, vào tháng 8/2016, tàu bệnh viện của Hải quân Việt Nam đã lần đầu tiên tham gia vào cuộc diễn tập nhân đạo hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai hàng năm mang tên Đối tác Thái Bình Dương. Chu kỳ của các chuyến thăm của tàu hải quân Mỹ đã bắt đầu tăng lên từ năm 2016 và tháng 5/2017, Hoa Kỳ đã lần đầu tiên chuyển giao một tàu cảnh sát biển cho Việt Nam. Tiếp theo đó, tàu sân bay Mỹ có chuyến thăm lịch sử đầu tiên đến một cảng Việt Nam kể từ sau năm 1975 và nhân viên hải quân Việt Nam đã tham gia vào cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương gọi tắt là RIMPAC năm 2018.
![]() |
Tàu sân bay Mỹ lần đầu thăm Đà Nẵng sau năm 1975. |
Nếu Hà Nội đi theo khuôn mẫu tương tự những điều đã diễn ra sau khủng hoảng 2014 thì chúng ta có thể trông đợi Việt Nam tìm kiếm liên kết quốc phòng gần gũi hơn với Hoa Kỳ sau những căng thẳng hiện tại gần bãi Tư Chính. Chủ tịch Việt Nam sẽ chăm Mỹ trong mùa thu này, đây là dịp để cung cấp cho Bộ Quốc phòng Việt Nam một phạm vi chiến lược để đưa quan hệ quốc phòng tiến về phía trước.
Các thỏa thuận hợp tác quốc phòng chiến lược mới, chẳng hạn như ủng hộ một chuyến thăm thứ hai của tàu sân bay Mỹ hoặc cam kết gửi một tàu tham gia vào cuộc tập trận RIMPAC năm sau có thể là những cách Việt Nam sẽ làm để chỉ ra rằng họ có xu hướng tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ.
Các chính quyền Mỹ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, từ Clinton đến Trump đã nhận ra lợi ích của việc tìm kiếm quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam. Tuy nhiên quan hệ quốc phòng có truyền thống tụt hậu hơn so với những phần còn lại của mối quan hệ song phương. Các chiến thuật bắt nạt của Trung Quốc trong cuộc căng thẳng gần đây gần bãi Tư Chính đã tạo ra một cơ hội cho Việt Nam để tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ.
Tuy nhiên Hà Nội sẽ muốn bảo đảm rằng sự tăng cường hợp tác quốc phòng là bền vững. Điều này có thể đòi hỏi Washington xác định tốc độ tham gia của họ hoặc phản ứng linh hoạt với những ý tưởng Việt Nam về cách tốt nhất để tăng cường quan hệ quốc phòng.
Bài viết của Đại úy Christopher Sharman. Trước đây ông từng là Tùy viên Hải quân ở cả Hà Nội và Bắc Kinh.
Dịch từ The Diplomat