Trung Quốc đưa tàu cẩu giàn khoan xuống gần miền Trung Việt Nam

Theo tin tức trên mạng xã hội, gần đây Trung Quốc đã đưa tàu cẩu Lam Kình xuống vùng biển gần Nam Trung Bộ của Việt Nam.


Tài khoản South China Sea News trên mạng xã hội Twitter ngày hôm qua đưa tin rằng tàu cần cẩu Lam Kình thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc gần đây đã được thấy xuất hiện trong vùng biển Việt Nam. 




Theo những ảnh chụp từ dữ liệu theo dõi hàng hải thì từ ngày 5/8 đến 3/9, tàu Lam Kình (Lanjing) đã đi từ Trạm Giang, vòng qua Hải Nam vào trong vịnh Bắc Bộ rồi đi trở xuống phía Nam. Đến hiện tại, vị trí của nó tương ứng với khoảng tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định của Việt Nam. 



Bình luận trên Twitt này, ông Greg Poling - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á viết: “Đó có vẻ là nằm trong Lô 120 mà công ty Eni của Italia và công ty KrisEnergy đang hoạt động (trong đó công ty Eni là bên vận hành). Họ đã thử một giếng sản xuất năm ngoái nhưng nó đã cạn. Liệu có phải họ hợp đồng với COOEC - chủ sở hữu của tàu Lam Kình, để thử khoan lại. Kris đã hợp tác với COOEC trước đó”. 




Tuy nhiên trong Twitt mới nhất của South China Sea News, trang này viết: “Một nguồn tin độc lập quen thuộc với công nghệ khoan dầu và các dự án dầu khí ở Việt Nam đã nói với chúng tôi rằng gần đây không có dự án nào ở Việt Nam cần đến loại tàu cẩu như vậy. Vậy sự hiện diện của tàu Lam Kình quá gần bờ biển Việt Nam như vậy có thể không phải là để phục vụ cho một hợp đồng nào”. 

Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp - Nhà nghiên cứu an ninh và chính trị khu vực tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS tại Singapore thì tàu Lam Kình đang di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chứ không phải bên trong lãnh hải cho nên nó có quyền “đi qua vô hại” và Việt Nam chưa thể phản ứng gì. 


“Đi kèm theo nó là mấy tàu vận tải khác, nhưng người ta thấy các tàu vận tải đó không có các khung nhà giàn hay khung giàn khoan cố định nào. Và kèm theo nó còn có hàng chục tàu cảnh sát biển Trung Quốc đi hộ tống. Cảnh sát biển Việt Nam cũng đi theo và không làm gì được người ta cả vì người ta đã làm gì đâu” - Lời ông Hà Hoàng Hợp được trích dẫn trên VOA. 


Sự xuất hiện của tàu cẩu Lam Kình trong bối cảnh căng thẳng ở gần Tư Chính vẫn tiếp diễn có thể là một mũi tiến công mới của Trung Quốc để tiếp tục gây áp lực lên Việt Nam. Tuy nhiên nếu Trung Quốc định đặt giàn khoan ở khu vực ngang Quảng Ngãi như vị trí hiện nay thì họ sẽ thách thức trực tiếp với Mỹ vì ở đây công ty Exxon Mobil của Mỹ đang có hợp tác khai thác với Việt Nam trong dự án Cá Voi Xanh. 




Mặt khác hiện nay trên biển thời tiết khá xấu vì áp thấp nhiệt đới. Sóng to gió lớn sẽ không thuận lợi cho ngay cả các tàu bè đi lại chứ không nói đến hoạt động triển khai giàn khoan. Thêm nữa, theo quy luật thời tiết ở Biển Đông thì từ thời điểm này trở đi, bão gió sẽ chuyển dần từ phía Bắc xuống phía Nam Biển Đông. 

Do vậy tôi cho rằng rất ít khả năng Trung Quốc triển khai giàn khoan mà khả năng cao là họ tạo thêm một động thái mới để trả đũa những chỉ trích của Mỹ và cuộc tập trận Mỹ - ASEAN đang diễn ra. Với Việt Nam, động thái này của họ nhằm gây thêm căng thẳng và áp lực cho chúng ta, buộc ta phải gồng mình đối phó.

Post a Comment

Tin liên quan

    -->