Philippines đã diễn tập hải quân với Việt Nam và Brunei trong những vùng biển lân cận Biển Đông trong khi trên đường tới dự cuộc tập trận hàng hải đầu tiên giữa ASEAN với Mỹ.
Philippines, Brunei và Việt Nam là 3 trong 4 thành viên của ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông - một vùng biển chiến lược mà Mỹ và Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng. Thành viên ASEAN thứ 4 có tuyên bố chủ quyền là Malaysia.
Tàu BRP Ramon Alcaraz (PS-16) của Hải quân Philippines là một tàu tuần tra xa bờ, đã liên kết với tàu KDB Darulaman của Hải quân Hoàng gia Brunei ở gần bãi Đinh ở quần đảo Trường Sa hôm thứ 2 tuần trước, trước khi họ cùng đi với nhau để gặp tàu HQ-18 của Hải quân Nhân dân Việt Nam trong vùng biển gần Hòn Khoai - điểm cực nam của Việt Nam và gần với Biển Đông.
Trung úy Ryan Luna - sĩ quan phụ trách truyền thông của binh đoàn Navy Task Group 80.5 của Philippines cho biết: “Hàng loạt bài tập đã được thực hiện trên đường đến khu vực tập trận”.
Ba tàu hải quân này sẽ thành một nhóm trong cuộc tập trận với Mỹ - nơi Hải quân Philippines do Đại úy Hilarion Cesista chỉ huy sẽ được chỉ định làm chỉ huy chung của nhóm.
10 thành viên ASEAN và Mỹ đã bắt đầu tập trận chung tại căn cứ Sattahip của Hải quân Hoàng gia Thái Lan từ 2/9. Cuộc diễn tập này sẽ được thực hiện trong 5 ngày từ Vịnh Thái Lan đến Biển Đông trước khi kết thúc ở Singapore.
Hải quân của ASEAN và Mỹ sẽ phối hợp thực hiện hàng loạt kịch bản thực tế được thiết kế để củng cố khả năng tương tác trong các lĩnh vực như thăm viếng, tìm kiếm và bắt giữ, nhận thức hàng hải, theo dõi hàng hải.
Chuẩn Đô đốc Loumer Bernabe nói trong lễ xuất quân lực lượng tham gia tập trận của Philippines hồi tuần trước rằng: “Hải quân sẽ có lợi từ sự kiện này vì họ sẽ được làm việc với các hải quân khác hơn nữa khi an toàn và an ninh hàng hải được chú trọng. Nó cũng thúc đẩy thực thi tự do hàng hải và hàng không và không ngăn trở thương mại”.
Đây là lần đầu tiên cả khối ASEAN tổ chức tập trận chung với Mỹ. Năm ngoái, ASEAN đã diễn tập hàng hải với Trung Quốc bất chấp nước này đang xung đột lợi ích với 4 thành viên ASEAN trên Biển Đông.
Xung đột đang bộc lộ ra khi một tàu khảo sát Trung Quốc vẫn đang ở trong vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Điều này đã thúc đẩy Lầu Năm Góc hồi tuần trước cáo buộc Bắc Kinh là “vi phạm trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Xung đột cũng đã xuất hiện khi các tàu chiến và tàu khảo sát Trung Quốc đi qua vùng biển Philipines những tháng gần đây khi chưa được phép.
Trung Quốc yêu sách hầu hết Biển Đông dựa trên cái mà họ gọi là đường 9 đoạn.
Đối với Mỹ, cuộc diễn tập chung này không liên quan gì đến sự gia tăng sức mạnh quân sự và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực.
Chuẩn Đô đốc Murray Joe Tynch - Tư lệnh Nhóm Hậu cần Tây Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo qua điện thoại hôm qua rằng: “Cuộc diễn tập này không tập trung hay dành riêng để chống lại hay hướng đến bất kỳ ai. Nó chỉ để củng cố kỹ năng làm việc chung giữa ASEAN và Mỹ. Các thách thức chúng ta đối mặt trong lĩnh vực hàng hải đã mở rộng vượt ra ngoài điều mà bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết, và đó là nơi mà các đối tác và đồng minh cần nhân lên sức mạnh cho hòa bình và tương tác. Đó là một ưu thế vô song mà không có người cạnh tranh hay đối thủ nào có thể sánh kịp. Tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta mạnh mẽ hơn khi chúng ta đi cùng nhau”.
Theo Inquirer