Campuchia nói gì về việc phân định 84% biên giới và 16% còn lại ?

Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Việt Nam và Campuchia đã phê chuẩn 84% công việc phân định biên giới đã được hoàn thành giữa hai nước.


Đưa tin về sự kiện này, tờ Khmertimeskh viết: Campuchia và Việt Nam có đường biên giới dài 1270 km và hai nước đã bắt đầu phân định biên giới kể từ năm 2006. Thỏa thuận này với Việt Nam diễn ra 1 tháng sau khi Thủ tướng Hun Sen và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith phê chuẩn 86% đường biên giới giữa hai nước. 



Ông Hun Sen đã gặp Thủ tướng Việt Nam ở Hà Nội hôm 5/10 để tham dự hội nghị Đánh giá về việc phân định biên giới Việt Nam - Campuchia - nơi mà nhiều văn bản đã được ký kết gồm một bản phê chuẩn đường biên giới đã được phân định. 

Tuyên bố chung hai nước nhấn mạnh: “Việc này đánh dấu một cột mốc lịch sử trong tiến trình giải quyết biên giới trên bộ giữa hai nước”. 

Sau khi ký văn bản phê chuẩn, Thủ tướng Hun Sen phát biểu tại một cuộc họp báo rằng cả hai nước đã làm việc nỗ lực để phân định đường biên. Ông nói: “Hôm nay, chúng ta đã đạt được 84% việc phân định. Chúng ta phải tiếp tục giải quyết 16% còn lại. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn với những nỗ lực của cả hai chính phủ, những người đã hy sinh rất nhiều để công việc được hoàn thành. 


“Nếu chúng ta không thể giải quyết vấn đề biên giới, xung đột biên giới sẽ tiếp tục thách thức các thế hệ tiếp theo. Hòa bình và phát triển xuyên biên giới sẽ không thể khả thi. Tôi muốn kêu gọi các nhà chức trách và nhân dân địa phương ở cả hai nước cùng nhau giữ gìn các mốc biên giới và cùng nhau biến các vùng biên giới trở thành những khu vực hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển vì sự hòa hợp của nhân dân hai nước chúng ta”. 


Đáp lại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ca ngợi văn bản này là “thỏa thuận lịch sử” và nói thêm rằng Campuchia và Việt Nam là những bạn bè gần gũi. 

Загрузка...


Ông Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Chúng ta sẽ xây dựng biên giới Việt Nam - Campuchia trở nên ổn định, hòa bình và phát triển bền vững. Về 16% đường biên giới còn lại cần phải phân định, lãnh đạo hai nước sẽ tiếp tục nỗ lực làm việc cho đến khi công việc hoàn thành. Chúng tôi sẽ làm việc này bằng sự hiểu biết lẫn nhau”. 

Var Kimhong - Chủ tịch Ủy ban Biên giới Campuchia - người tháp tùng ông Hun Sen ở Hà Nội, hôm 5/10 nói rằng hai nước sẽ yêu cầu Pháp giúp giải quyết vấn đề liên quan đến 16% đường biên giới còn lại. Ông cho biết: “16% còn lại nằm ở khu vực O’Yadav và Dakdam của tỉnh Mondulkiri và Svay Rieng, Tboung Khmum... và tỉnh Takeo”. 

Ông Kimhong lưu ý rằng việc đạt một thỏa thuận với Việt Nam để giải quyết tranh chấp trong những tỉnh này là khó khăn. Ông nói: “Có nhiều lý do vì sao chúng ta chưa đạt được một thỏa thuận, chẳng hạn các vấn đề kỹ thuật, các bản đồ tham khảo khác nhau và vấn đề pháp lý. Ví dụ, ở Ratanakiri và Mondulkiri vẫn còn một số tranh chấp bởi vì chúng ta đang đòi hỏi thực thi nguyên tắc của thỏa thuận ký năm 2005 ... nhưng chúng ta vẫn chưa đạt được một thỏa thuận để giải quyết tranh chấp này”. 



Kin Phea - Tổng giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia hôm qua nói rằng một số người không vui mừng với công việc mà chính phủ đã hoàn thành trong việc phân định biên giới với Việt Nam. 

Ông Kin Phea nói: “Họ nghĩ rằng vì chúng ta đã ký những thỏa thuận này với Việt Nam cho nên Campuchia đã mất quyền đối với Kampuchea Krom và đảo Koh Tral. Nhưng đối với tôi, tôi hiểu rằng đây là thời điểm thích hợp để hai nước chấp nhận lẫn nhau và có một đường biên giới rõ ràng”. 

Kin Phea nói thêm rằng: ‘Chúng ta không thể tiếp tục giữ một đường biên giới không rõ ràng, chúng ta cần kết thúc vấn đề này và dọn đường cho thế hệ sau phát triển xuyên biên giới”. 

Bên cạnh văn bản phê chuẩn đường biên đã phân định, 7 văn bản khác đã được ký với Việt Nam trong chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen. 5 trong số đó là về hải quan, thương mại và cơ sở hạ tầng. Hai thỏa thuận khác là về vấn đề tài trợ cho việc xây dựng tòa nhà quốc hội của Campuchia và xây dựng một trung tâm cai nghiện ma túy ở tỉnh Preah Sihanouk. 

Nguồn: Khmertimeskh

Post a Comment

Tin liên quan

    -->