Đài Loan lo ngại TQ biến Thái Bình Dương thành Biển Đông tiếp theo

Đài Loan đã cáo buộc Trung Quốc đang thi hành “chủ nghĩa bành trước độc đoán” ở Thái Bình Dương, ám chỉ vào những báo cáo về kế hoạch hiện diện quân sự của Trung Quốc ở hai nước Thái Bình Dương mà gần đây đã chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh.

Các đồng minh còn lại của Đài Loan ở Thái Bình Dương. 

Tháng trước, đảo Solomon đã cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan sau khi chính phủ của họ biểu quyết cho việc chuyển công nhận ngoại giao này và Kiribati thực hiện việc này chỉ sau vài ngày. 



Để tăng cường hỗ trợ cho Đài Loan, đại diện của Mỹ, Đài Loan và các quốc đảo Thái Bình Dương đã tổ chức cuộc đối thoại đầu tiên các đảo Thái Bình Dương ở Đài Bắc hôm 7/10. Cuộc đối thoại này được các nhà quan sát tin rằng nhằm giúp Đài Loan giữ lại các đồng minh còn lại ở Thái Bình Dương. 

Ngoại trưởng Joseph Wu của Đài Loan nói tại cuộc đối thoại: “Chúng tôi đã thấy những báo cáo rằng Trung Quốc đang quan tâm đến việc mở lại một trạm radar ở Kiribati và đang xây dựng một căn cứ hải quân ở tỉnh Tây của đảo Solomon. Từ viễn cảnh chiến lược lâu dài, những bạn bè và đối tác cùng chí hướng nên thực sự lo ngại về việc liệu Thái Bình Dương sẽ tiếp tục duy trì tự do và mở và liệu rằng những nhân tố chính có tuân theo trật tự quốc tế dựa trên quy tắc hay không”. 

Sự thay đổi quan hệ ngoại giao mới nhất của đảo Solomon và Kiribati đã khiến Đài Loan chỉ còn 4 đồng minh ở Thái Bình Dương là Palau, Marshall Islands, Tuvalu và Nauru - và trên quy mô toàn cầu thì số đồng minh của Đài Loan chỉ còn 15 (tức là những quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao). 


Việc giành được Solomon và Kiribati cũng làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương - nơi Mỹ và Canada đã gia tăng lo ngại về việc Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng. 

Ông Joseph Wu cũng đã kêu gọi các nước gồm Mỹ hãy “làm áp lực mạnh mẽ” chống lại các động thái của Trung Quốc nhằm giảm bớt sự hiện diện của Đài Loan ở Thái Bình Dương. 

Đề cập đến các động thái của Trung Quốc nhằm xây dựng các căn cứ quân sự trên những đảo nhân tạo ở các vùng biển tranh chấp, ông Wu nói: “Tôi chắc chắn không muốn thấy Thái Bình Dương biến thành một Biển Đông khác khi một ngày nào đó tất cả chúng ta phải thở dài rằng đã quá muộn để làm bất cứ điều gì”. 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa có bình luận gì về việc này. 

Những nhà ngoại giao đã tham dự cuộc đối thoại ở Đài Bắc gồm Sandra Oudkirk - Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Australia, New Zealand và các đảo Thái Bình Dương, các đại sứ từ Tuvalu, Nauru và Marshall Islands. 


Chuyến thăm của bà Oudkirk được một số nhà phân tích và ngoại giao ở Đài Loan xem là một nỗ lực để tăng cường ủng hộ cho Đài Bắc. 

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đã đưa tin rằng bà Oudkirk đã gọi Đài Loan là một bạn bè lâu dài, đối tác đáng tin cậy và có trách nhiệm của Mỹ. Bà nói: “Đài Loan là một lực lượng mang lại tốt đẹp ở Thái Bình Dương và thế giới. Đó là lý do vì sao chúng tôi ủng hộ vững chắc cho quan hệ của Đài Loan với các quốc đảo Thái Bình Dương”. 


Mỹ đã tán thành cái gọi là chính sách ‘một nước Trung Quốc’, tức là họ chính thức công nhận Bắc Kinh chứ không phải Đài Bắc. Tuy nhiên họ vẫn tiếp tục trợ giúp cho Đài Bắc. 



Đài Bắc đã chịu áp lực từ Bắc Kinh từ khi Tổng thống Thái Anh Văn nắm quyền năm 2016 vì Bắc Kinh cáo buộc bà Thái đang thúc đẩy cho Đài Loan độc lập. Đây là một lằn ranh đỏ mà chính phủ Trung Quốc không cho phép vượt qua. 

Trong khi đó, Đài Loan cáo buộc Trung Quốc đang cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của họ vào tháng 1 khi bà Thái mong muốn tái cử. Trung Quốc phủ nhận cáo buộc này. 

Theo Abc.net.au


Post a Comment

Tin liên quan

    -->