Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã bóng gió chỉ trích Mỹ là “xúi giục cách mạng màu” ở nước khác và sử dụng “các chiến thuật cánh tay dài” để ảnh hưởng đến các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Phát biểu tại phiên khai mạc của Diễn đàn Hương Sơn (một diễn đàn quốc phòng và an ninh thường niên) ở Bắc Kinh hôm nay, ông Ngụy nói với các thính giả là những sĩ quan quân đội nước ngoài rằng các nước nên giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và tôn trọng lẫn nhau, và Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ trước áp lực nước ngoài.
“Can thiệp bừa bãi vào vấn đề của nước nước khác sẽ không bao giờ giành được thắng lợi. Can thiệp vào các vấn đề nội bộ nước khác, xúi giục cách mạng màu hoặc thậm chí nỗ lực để lật đổ chính phủ hợp pháp của các nước khác là nguyên nhân thực sự gây ra chiến tranh và bất ổn ở những khu vực khác nhau trên thế giới”.
Mặc dù ông Ngụy không nêu cụ thể đối tượng chỉ trích của mình nhưng Trung Quốc đã bất hòa với Mỹ về một loạt vấn đề về địa chính trị từ Iran đến Syria và Venezuela. Họ cũng cáo buộc các chính trị gia Mỹ là ủng hộ cho các cuộc biểu tình chống chính phủ đang diễn ra ở Hong Kong - nơi Bắc Kinh đã mô tả là “cuộc cách mạng màu phiên bản Hong Kong”.
Không đề cập trực tiếp đến Mỹ, Ngụy Phượng Hòa đã lên án nước lớn - người đã “vẫy những cây gậy lớn của họ”, chẳng hạn như lệnh trừng phạt, để tạo “áp lực tối đa” lên các nước khác để buộc phải chấp nhận đòi hỏi của họ.
Tuần trước Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, giúp đạo luật này tiến gần hơn đến chỗ trở thành một đạo luật thực sự. Nó cũng có thể lót đường cho các hành động dân chủ và trừng phạt về kinh tế chống lại chính quyền Hong Kong.
Ông Ngụy Phượng Hòa nói: “Nắm những cây gậy lớn hoặc dùng những biện pháp pháp lý cánh tay dài không thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào và trừng phạt sẽ không bao giờ có hiệu quả để đạt được bất kỳ kết quả nào. Người Trung Quốc không mua những hăm dọa như vậy và chúng tôi không sợ phải chiến đấu”.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng nhắc lại lập trường lâu dài của Bắc Kinh về Đài Loan và cảnh báo “các thế lực bên ngoài” định “can thiệp”. Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh cứng đầu phải được thống nhất với đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết.
Ngụy Phượng Hòa nói: “Trung Quốc cam kết thúc đẩy sự phát triển hòa bình của quan hệ hai bờ eo biển, và thúc đẩy việc tái thống nhất hòa bình. Tuy nhiên chúng tôi dứt khoát sẽ không khoanh tay ngồi nhìn Đài Loan độc lập hoặc không làm gì để ngăn chặn các thế lực bên ngoài an thiệp”.
Ông cũng nói thêm: “Tái thống nhất với tổ quốc là con đường duy nhất, và mọi nỗ lực ly khai đất nước sẽ dẫn tới con đường chết”.
Bình luận của ông Ngụy kém diều hâu hơn một phát biểu tương tự mà ông đã nói trong diễn đàn này năm ngoái - nơi mà ông đã chỉ trích Mỹ là phá hoại quan hệ với Trung Quốc và tố giác các nỗ lực của Washington nhằm xây dựng các đồng minh chống Trung Quốc với những nước khác.
Zhang Tousheng - giám đốc trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Trung Quốc nói rằng bài phát biểu mới nhất của ông Ngụy ít chỉ trích hơn vì Bắc Kinh đã quyết định rằng: Mặc dù họ cần quản lý sự khác biệt với Washington, điều quan trọng hơn là phải nhận diện các mục tiêu chung của cả hai nước.
Đề cập tới cuộc gặp Tập và Trump tại thượng đỉnh G-20, Zhang nói: “lập trường này đã được đặt ra từ một năm trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Arghentina”.
Alexander Neill - thành viên nghiên cứu cao cấp về an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Singapore, nói rằng cảnh báo của Ngụy về cách mạng màu là “một đề cập rõ ràng đến biểu tình Hong Kong”.
Jiang Xinfeng - một nhà nghiên cứu quân sự tại Học viện Khoa học Quân sự - cơ quan nghiên cứu hàng đầu của quân đội Trung Quốc, nói rằng: “Mặc dù Ngụy không nêu tên Mỹ, thực tế rõ ràng là Mỹ đã dùng cách mạng màu để lật đổ các nước khác và khuyến khích tư tưởng của họ”.
Cao Yangzhong - một nhà nghiên cứu khác tại học viện nói trên cho rằng bình luận của Ngụy chỉ ra mức độ lo ngại về việc làm sao vãn hồi trật tự ở Hong Kong.
Cao nói: “Chúng tôi rất lo lắng về tình hình hiện tại ở Hong Kong, tương lai của Hong Kong sẽ là gì và làm sao thành phố này có thể ổn định lại. Hong Kong phải cảnh giác cao độ với sự can thiệp của các nước bên ngoài, đặc biệt là các nỗ lực có chủ ý nhằm xúi giục”.
Theo SCMP