Việt Nam sẽ nêu tình hình Biển Đông, bao gồm 4 lần tàu Trung Quốc xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam kể từ tháng 7, trong đối thoại an ninh thường niên tới đây với Ấn Độ, sẽ diễn ra trong tháng này. Thông tin này được Đại sứ Phạm Sanh Châu nói với truyền thông.
Ông Phạm Sanh Châu nói trong một cuộc phỏng vấn rằng vụ xâm phạm gần đây nhất của 28 tàu Trung Quốc đã bắt đầu ngày 30/9 và tiếp tục diễn ra bất chấp hơn 40 lời phản đối của quốc tế kể từ vụ xâm phạm đầu tiên diễn ra 3 tháng trước đây. Ông Châu nói: “Chúng tôi đã nói với họ là không nên vi phạm vào vùng biển của chúng tôi và họ nên rút tất cả mọi tàu của họ ngay”.
Ấn Độ là một trong 3 nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam và đối thoại an ninh thường niên được dự kiến tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 10 này. Đại sứ Phạm Sanh Châu nói: “Chúng tôi hy vọng chúng ta sẽ đề cập không chỉ an ninh của hai nước mà còn cả các vấn đề liên quan đến toàn bộ khu vực, và đặc biệt chúng ta sẽ nêu lên tình hình hiện nay ở Biển Đông”.
Ba lần triển khai trước đây của Trung Quốc đã diễn ra ở vị trí gần với khu vực công ty dầu khí nhà nước ONGC Videsh đang hoạt động khai thác năng lượng, theo như nguồn thạo tin cho biết. Các tàu Trung Quốc này đã đến gần cơ sở của ONGC Videsh nhất trong lần triển khai ngày 3/7.
Hồi tháng 8, Ấn Độ nói họ có “lợi ích lâu dài trong hòa bình và ổn định” của khu vực này và kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Đại sứ Việt Nam mô tả hợp tác quốc phòng và an ninh, thương mại và đầu tư, và sự cộng tác trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ là những lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.
Cả hai nước đang làm việc với nhau để hiện thực hóa khoản tín dụng 500 triệu USD mà Ấn Độ cấp cho mua sắm quốc phòng của Việt Nam. Ông Châu nói: “Cần có thời gian vì cả hai bên, đặc biệt là các công ty phải trao đổi nhiều liên lạc liên quan đến giá cả, thủ tục và trình tự, và thậm chí cả tính ổn định tài chính của dự án. Tôi nghĩ nó đang trong tiến trình, không có vấn đề gì. Đơn giản chỉ là cần thời gian”.
Ông Phạm Sanh Châu cũng nói Indigo của Ấn Độ và Vietjet của Việt Nam đã lập kế hoạch các chuyến bay thẳng. Indigo sẽ bay từ Hà Nội đến Kolkata và kết nối đến Delhi và các thành phố khác ngay trong ngày kể từ 3/10. Trong khi đó Vietjet sẽ bay từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến New Delhi hàng ngày kể từ 7/12.
Cả hai nước cũng đang trong tiến trình để đạt mục tiêu tăng thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020 mặc dù Việt Nam đã bị Ấn Độ điều tra trợ cấp đối với một số sản phẩm thép không gỉ và điều tra bán phá giá với các sản phẩm thép.
Việt Nam cũng đã bị ảnh hưởng vì quyết định của Bộ Thương mại Ấn Độ cách đây 1 tháng về việc hạn chế nhập khẩu các nguyên liệu thô cho ngành sản xuất hương. Tổng giá trị của ngành công nghiệp sản xuất hương của Ấn Độ là 1 tỷ USD và giá trị xuất khẩu nguyên liệu thô của Việt Nam cho ngành công nghiệp này là 84 triệu USD. Trong khi đó quyết định hạn chế nhập khẩu này được được ra mà không có giai đoạn đánh giá xem xét. Đại sứ Phạm Sanh Châu nói “Tôi kêu gọi Ấn Độ xem xét lại quyết định này”.
Theo Hindustantimes
Tags:
hau-truong-chinh-tri