Từ Singapore đến Thụy Điển, các nước ngày càng ngờ vực TQ

Các nỗ lực của Nga nhằm ảnh hưởng bầu cử ở Mỹ và châu Âu đã làm dấy lên những kêu gọi về mối đe dọa ảnh hưởng của nước ngoài đối với chính trị và ý kiến công chúng nội địa cũng như vi phạm rành rành các quy tắc không can thiệp.


Trung Quốc không phạm các lỗi quá đáng như Nga nhưng các chiến dịch thông tin và ảnh hưởng của Bắc Kinh đã tác động nhiều nước từ Singapore đến Thụy Điển, khiến họ phải có các biện pháp đối phó. 

Các chiến dịch của Trung Quốc có phạm vi từ ngoại giao công khai và gieo rắc các thông điệp công cộng thông qua bộ máy tuyên truyền cho đến các hoạt động ngầm trên mạng được thực hiện bởi các hacker đặc biệt và cả đảng 50 cent trên mạng xã hội. 

Chúng có khả năng được xây dựng vào trong bộ máy tuyên truyền khổng lồ của chính phủ, bao gồm Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc, các cơ quan tình báo và các bộ liên quan đến văn hóa và giáo dục nước ngoài. 




Nhiệm vụ gây ảnh hưởng là vấn đề quan trọng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là trong Ban Công tác Mặt trận Thống nhất - một cơ quan chịu trách nhiệm về việc thu hút tầng lớp trí thức, bao gồm cả những người Trung Quốc ở nước ngoài. 

Sự nâng cấp và phục hồi của Mặt trận Thống nhất và sự thành lập nhóm lãnh đạo nhỏ do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì để trông coi công việc này, đã làm tăng tính chất quan liêu đối với công việc mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với những người gốc Hoa và người Trung Quốc ở nước ngoài. 

Các nỗ lực của mặt trận thống nhất đang được cảm nhận rõ ràng ở những nước có cộng đồng người Hoa đông đảo như Australia và Canada. Các cuộc tuần hành yêu nước ủng hộ Trung Quốc và sự phá hủy bức tường Lennon ở Canada đang khiến người Canada lo ngại rằng chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và sự quyết đoán toàn cầu của họ sẽ đụng chạm đến quyền của Canada. 

Một cuộc khảo sát gần đây phát hiện rằng chưa tới 1/3 người Canada có cái nhìn thiện cảm với Trung Quốc. 

Tương tự như vậy, những cuộc ẩu đả giữa những người biểu tình thân Hong Kong với thân Bắc Kinh ở Australia đã làm nổi bật lên những biểu hiện không thích hợp của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc ở nước ngoài. Trong đó bao gồm cả việc giương cờ Trung Quốc trên một đồn cảnh sát ở Australia trong khi quốc ca Trung Quốc vang lên. 




Việc công dân bày tỏ lòng trung thành với một nước ngoài không phải là điều chứng tỏ sự lành mạnh của một mối quan hệ song phương mà ngược lại, lá cờ đỏ của Trung Quốc giương lên lại cho thấy chiến dịch ảnh hưởng của Trung Quốc đã đi quá xa và đang phá hoại mối quan hệ song phương. 

Ở Thụy Điển, chiến dịch truyền thông điệp đối nghịch công cộng liên tục của Đại sứ quán Trung Quốc đã khiến các ý kiến công chúng kiên quyết chống lại Trung Quốc và thúc đẩy chính phủ của họ phải đánh giá lại quan hệ. 

Quan hệ song phương hai nước đã trở nên căng thẳng vào năm 2015 khi nhà chức trách Trung Quốc bắt cóc một công dân Thụy Điển gốc Hoa, người có một cửa hiệu sách ở Hong Kong đang bán những cuốn sách về đời tư các lãnh đạo Trung Quốc. 

Năm ngoái, 3 du khách Trung Quốc tuyên bố họ đã bị cảnh sát Thụy Điển lạm dụng sau một tranh chấp về chỗ ở trọ. 

Rất nhanh sau khi đến Stockholm, đại sứ Trung Quốc Gui Congyou đã bắt tay vào một chiến dịch mở rộng, buộc tội cảnh sát Thụy Điển tàn ác dù cho một video về vụ việc cho thấy cảnh sát đang đứng bên cạnh trong khi các du khách tự nằm phủ phục trên vỉa hè. 

Đại sứ Gui đã thực hiện các cuộc phỏng vấn truyền thông và phát hành gần 60 tuyên bố chỉ trích các cam kết của Thụy Điển với nhân quyền và cáo buộc họ là bạo ngược, ngạo mạn, phân biệt chủng tộc và bài ngoại. 




Đối mặt với những cáo buộc được chính phủ Trung Quốc phê chuẩn này và với cuộc thăm dò ý kiến công chúng cho thấy 70% người Thụy Điển có cái nhìn không tốt về Trung Quốc, hồi tháng 2, Thụy Điển đã công bố rằng họ đang cập nhật lại chiến lược Trung Quốc của mình. 

Trong một bản ghi nhớ gửi quốc hội tháng trước, chính phủ Thụy Điển nói: “Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một trong những thay đổi toàn cầu lớn nhất kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ”. 

Bước đi đầu tiên của chính phủ Thụy Điển là thiết lập một trung tâm nhận thức về Trung Quốc để tăng cường phối hợp chính phủ và trao đổi thông tin, đề xướng những cuộc đối thoại quốc gia với Trung Quốc và làm thế nào Thụy Điển có thể bảo vệ tốt hơn các lợi ích của mình cũng như quản lý sự trỗi dậy của Trung Quốc. 

Những lo ngại về ảnh hưởng nước ngoài cũng không chỉ giới hạn ở châu Âu và Bắc Mỹ. 

Singapore đang đặc biệt chú ý đến các chiến dịch gây ảnh hưởng của nước ngoài sau khi đã trục xuất một quan chức đại sứ quán Mỹ trong thập niên 1980 và một nhà khoa học được cho là làm việc cho Trung Quốc vào năm 2017, vì cáo buộc can thiệp vào chính trị và quá trình ra chính sách nội bộ của Singapore. 

Với thực tế người gốc Hoa chiếm 2/3 dân số Singapore, họ nhận thức sâu sắc về sự dễ tổn thương của mình trước các chiến dịch giành ảnh hưởng và chiến thuật của Mặt trận Thống nhất của Trung Quốc, cũng như khả năng Malaysia và Ấn Độ muốn ảnh hưởng đến các nhóm cư dân gốc Mã và gốc Ấn. 

Singapore vì vậy đã đầu tư nhiều vào các phương tiện và cơ chế để ngăn chặn bất kỳ nước ngoài nào ảnh hưởng đến dân chúng của họ và gây bất ổn cho chính thể Singapore. 




Singapore gần đây đã hành động để giải quyết các nguy cơ của những chiến dịch thông tin thù địch trên mạng xã hội và họ đã ban hành một đạo luật mới để đối phó với những chiến dịch gây ảnh hưởng không thân thiện. 

Chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc đang gây hại nhiều hơn là lợi. Áp lực của Trung Quốc lên kinh doanh toàn cầu, bao gồm hàng không, khách sạn, các công ty hàng hóa tiêu dùng và Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ có thể thành công trong việc xem lại các website và những ý kiến cá nhân nhạy cảm của nhân công nhưng nó không cải thiện được cách mà các chính phủ và các cộng đồng nhìn Trung Quốc. 

Những việc làm của Trung Quốc đang buộc các nước phải xem xét lại quan hệ của họ với Trung Quốc bằng cách phân tích chặt chẽ hơn xu hướng của chính phủ Trung Quốc và xác định rõ ràng hơn những giá trị sẽ bị thách thức bởi Trung Quốc. 

Lược dịch từ SCMP

Post a Comment

Tin liên quan

    -->