Ấn Độ nên lo lắng về hành động của TQ ở Biển Đông

Tuần trước, Trung Quốc đã ra lệnh tổ chức lại đơn vị hành chính trên những vùng lãnh thổ ở Biển Đông, tạo ra thêm sóng gió cho khu vực vốn đã căng thẳng này.



Bắc Kinh đã thành lập 2 quận mới để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - những khu vực này trước đó thuộc Tam Sa - thành phố cực nam tỉnh Hải Nam. Tây Sa và Nam Sa (tức tên mà Trung Quốc gọi Hoàng Sa và Trường Sa) giờ đây sẽ chia thành hai đơn vị cấp quận riêng biệt với phạm vi quản lý trên các nhóm đảo của nó. 

Với mục đích tăng cường kiểm soát đối với khu vực Biển Đông đang có tranh chấp, động thái này đã bị chỉ trích từ các nhà phân tích an ninh - những người nói rằng sự thay đổi trong quản lý quần đảo Trường Sa nói chung và đá Chữ Thập nói riêng - một trong 3 đảo nhân tạo bị quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực này, đã làm gia tăng nguy cơ xung đột khu vực. 



Các láng giềng của Trung Quốc có thể đã đoán trước canh bạc này. Việt Nam, Indonesia và Malaysia trong những tháng gần đây đã tìm cách đẩy lùi sự xâm phạm của Trung Quốc trong những vùng biển gần của mình dựa trên các phương tiện hành chính, pháp lý. 

Hồi tháng 12 năm ngoái, Malaysia đã thăm dò Ủy ban LHQ về Giới hạn Thềm lục địa khi tuyên bố vùng biển bên ngoài 200 km vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở phía Bắc - một động thái đã dẫn đến sự mở rộng hiện diện của Trung Quốc trong và xung quanh bãi cạn Luconia. Vài tuần sau đó, Indonesia đã triển khai các tàu chiến và một tàu ngầm trong vùng biển ngoài khơi đảo Natuna sau khi các tàu đánh cá và tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập khu vực này. 

Đầu tháng này, Việt Nam đã gửi một công hàm ngoại giao lên LHQ để phản đối các yêu sách quá đáng ở Biển Đông của Trung Quốc, sau khi một tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu đánh cá Việt Nam. 

Các nỗ lực này không có quá nhiều giá trị. Trung Quốc cảm thấy khó chịu đã tăng gấp đôi các hành động yêu sách chủ quyền khi cử nhiều tàu hải cảnh và dân quân biển đến các vùng tranh chấp. Hành vi bắt nạt của Trung Quốc đã trở nên dễ thấy trong các vùng biển ngoài khơi Việt Nam, Malaysia, những nơi mà căng thẳng đang tích tụ giữa các tàu cảnh sát biển Malaysia với một tàu khảo sát của Trung Quốc. Con tàu của Trung Quốc và các tàu hải cảnh hộ tống nó đã bị cáo buộc là quấy rối một tàu khai thác do công ty dầu khí nhà nước Malaysia vận hành. 


Mỹ đã nhanh chóng phản ứng, ra lệnh cho tàu đổ bộ tấn công USS America và hai tàu tên lửa dẫn đường gồm USS Bunker Hill và USS Barry đến khu vực này. Trong bối cảnh lo ngại về cuộc đối đầu với Trung Quốc đang treo lơ lửng, một tàu chiến Australia - tàu HMAS Parramatta đã cùng với nhóm tàu chiến Mỹ thực hiện một cuộc diễn tập ở gần nơi các tàu Trung Quốc đang hoạt động. 

Ba khía cạnh của câu chuyện đang mở ra ở Biển Đông này có liên quan đến Ấn Độ. Thứ nhất, các hoạt động của dân quân biển Trung Quốc đã tập trung vào phía Tây của khu vực này và gần với Ấn Độ Dương, nhắm mục tiêu vào các nước mà Ấn Độ có quan hệ chính trị và quân sự gần gũi. Kể từ tháng 12/2018, khi một tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc đi vào cự ly 100 sải với tàu USS Decatur gần đá Ga Ven ở Biển Đông, các hoạt động của hải quân và dân quân biển Trung Quốc đã quấy rối các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam và Indonesia trong khi lực lượng trên biển của hai nước này thường xuyên phối hợp với Hải quân và Cảnh sát biển Ấn Độ trong các sáng kiến an ninh khu vực. 

Thứ hai, diễn biến ở Biển Đông trùng hợp với sự gia tăng trong các hoạt động của Trung Quốc ở miền Đông Ấn Độ Dương, đặc biệt là sự hiện diện của tàu khảo sát và nghiên cứu Trung Quốc. Hồi tháng 12 năm ngoái, một tàu chiến Ấn Độ đã trục xuất tàu Shiyan 1 (Thực Nghiệm 1) - là tàu khảo sát của Trung Quốc bị phát hiện đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ. 


Ở thời điểm khi mà đang có cuộc thảo luận về một kế hoạch do Trung Quốc hậu thuẫn nhằm xây dựng một kênh đào xuyên qua Thái Lan và một thỏa thuận bí mật để cho Trung Quốc đóng căn cứ hải quân ở Campuchia thì sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc ở Đông Ấn Độ Dương đã gây ra mối băn khoăn ở New Delhi. Để làm tăng thêm sự không thoải mái của Ấn Độ, các hoạt động khai thác mỏ của Trung Quốc ở phía Nam Ấn Độ Dương đã mở rộng đáng kể cũng như sự hiện diện của các tàu đánh cá Trung Quốc ở các khu vực gần với các vùng lãnh thổ Ấn Độ. 

Khía cạnh thứ ba cho các nhà phân tích Ấn Độ xem xét là sự gia tăng các trường hợp tàu tình báo của Trung Quốc xuất hiện trong vùng Ấn Độ Dương. Các tàu thu thập tình báo lớp Dongdiao của Trung Quốc trước đây đã được biết là bám theo các tàu chiến Mỹ, Australia và Nhật Bản ở Tây Thái Bình Dương thì nay đang hoạt động trong vùng biển Đông Ấn Độ Dương với cặp mắt dán vào các động thái của Hải quân Ấn Độ. 

Một tàu gián điệp như vậy đã bị phát hiện gần đường ranh giới biển phía Đông, gần với đảo Andaman và Nicobar cuối năm ngoái, gây ra một số lo âu trong các cơ quan an ninh Ấn Độ. 

Các nhà quan sát khu vực đã bị phiền lòng vì các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tranh thủ dịch Covid-19 để chiếm lợi thế địa chính trị. Với việc nhiều lãnh đạo Đông Nam Á đã bị ốm hoặc phải tự cách ly và Washington phải khó khăn đối phó dịch bệnh tại nội địa, dân quân biển Trung Quốc đã tăng cường nhịp độ hoạt động trong các điểm nóng khu vực. 

Vị trí của Ấn Độ trong tranh chấp Biển Đông cho đến nay vẫn là trung lập. Một khuynh hướng nhìn khu vực này thông qua lăng kính địa chính trị và “cân bằng quyền lực” khiến các nhà lập chính sách Ấn Độ thận trọng trong việc chọn một lập trường trước tư thế hiếu chiến của Trung Quốc. 



Tuy nhiên những cái giá của việc không nói gì và không làm gì đang gia tăng. Đối với nhiều người ở New Delhi, rõ ràng là sự cương quyết của Trung Quốc trong các vùng lãnh thổ ở Biển Đông đang báo trước cho việc Trung Quốc sẽ tỏa chiếu sức mạnh nhiều hơn vào Đông Ấn Độ Dương. 

Yêu cầu đối với Ấn Độ lúc này là đứng về phía các nguyên tắc hàng hải ở Biển Đông. New Delhi phải thể hiện đoàn kết với các đối tác Đông Nam Á bằng cách công khai phát biểu sự bất đồng đối với các hành động quyết đoán của Trung Quốc. 

Một cuộc đối thoại với Trung Quốc và ASEAN về “trật tự dựa trên quy tắc” trong hàng hải châu Á cũng như sáng kiến của Ấn Độ nhằm thiết lập một thỏa thuận hoạt động giữa các lực lượng hàng hải trong các vùng biển khu vực sẽ là một con đường dài. Nếu không thì Trung Quốc sẽ điều khiển cuộc chơi ở Đông Nam Á và cuối cùng là ở Ấn Độ Dương. 

Theo Orfonline


Post a Comment

Tin liên quan

    -->