Báo Thái Lan: Việt Nam chuẩn bị cho sự phục hưng

Việt Nam hiện đang chạy đua để kiểm soát đợt bùng phát virus corona mới – đợt dịch đã nổi lên trở lại từ cuối tháng trước sau 3 tháng không có ca nhiễm mới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm thứ 4 tuần trước nói rằng trong 10 ngày tới sẽ là “sống còn” trong đất nước mà trước đó đã được ca ngợi rộng rãi về thành công trong kiềm chế dịch bệnh. 



Đợt bùng phát mới này đã bắt đầu vào ngày 25/7 tại Đà Nẵng, làm dấy lên những lo ngại rằng du lịch và các hoạt động khác có thể bị một cú đánh mạnh ngay khi nền kinh tế đang trên đà phát triển. 

Tuy nhiên đây không phải hoàn toàn là tin xấu cho Việt Nam – đất nước đang là một trong số ít các nước được dự báo có tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Điều đó còn tùy thuộc một phần vào sự hồi phục của thương mại toàn cầu nhưng vị trí của Việt Nam là tốt. 

Trước tiên, hiệp định tự do thương mại với liên minh châu Âu (EU) đã có hiệu lực trong tháng này và được kỳ vọng sẽ cung cấp nhiều sức cầu sau đại dịch. 

Thỏa thuận tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA), theo như Reuters, sẽ xóa bỏ 99% thuế đánh vào hàng hóa của hai bên, cung cấp cho các nhà xuất khẩu Việt Nam quyền truy cập vào thị trường trị giá 18.000 tỷ USD. 


Chính phủ Việt Nam dự báo xuất khẩu vào EU sẽ tăng 42,7% trong 5 năm tới. Ngân hàng Thế giới nói thỏa thuận này có tiềm năng giúp GDP Việt Nam tăng 2,4% và tổng xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030. 

Việt Nam đã được thụ hưởng nhiều ưu đãi thuế ở EU theo Hệ thống Ưu đãi Phổ cập (GSP). EU là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, chiếm gần một nửa tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này. 

Một trong những lĩnh vực được hưởng lợi chính từ thỏa thuận này là dệt may – ngành đã tạo ra khoảng 10% xuất khẩu của cả nước. EU là thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ, chiếm khoảng 15% tổng xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm ngoái. Được hậu thuẫn bởi hơn 1 tá hiệp định tự do thương mại, Việt Nam đã nổi lên như một kết nối chính trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. 

EVFTA là thỏa thuận tự do thương mại (FTA) thứ 2 mà EU ký với một nước châu Á, sau Singapore. Đối với khu vực, Đông Nam Á là đối tác thương mại toàn cầu lớn thứ 3 của EU sau Mỹ và Trung Quốc. Với số vốn đầu tư trực tiếp lũy kế đến cuối năm 2017 đạt 374 tỷ USD, EU đã bày tỏ khao khát theo đuổi một FTA với cả khối ASEAN nhưng tiến trình để thực hiện khát vọng này chưa tiến được bao nhiêu. Các cuộc đàm phán đã bắt đầu từ 2007 nhưng kết thúc vào năm 2009 khi các quốc gia thành viên bắt đầu thúc đẩy các cuộc đàm phán song phương. 

Ở một khía cạnh khác, thỏa thuận của EU với Việt Nam và Singapore có thể gây bất lợi cho các nước ASEAN khác nếu EU tăng đầu tư của họ ở Singapore và Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghiệp ô tô – lĩnh vực mà Thái Lan là lãnh đạo trong khu vực. 

Tuy nhiên EVFTA cho thấy rõ rằng EU đang nhìn vào các cơ hội đang gia tăng ở Đông Nam Á, và thỏa thuận này có tiềm năng trở thành một chất xúc tác cho các cuộc đàm phán mới giữa EU và ASEAN. 

Trong khi đó ngành dệt may đã hội nhập cao vào chuỗi cung ứng khu vực và sự gia tăng xuất khẩu quần áo gắn mác “Made in Vietnam” cũng có lợi ích liên quan đến các nhà máy ở Campuchia – nơi ngành dệt may là một trong số ít những ngành tạo việc làm, và ở Bangladesh – nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. 


Châu Á vẫn là nguồn hàng dệt may lớn nhất cho các hãng thời trang phương Tây. Họ đã đa dạng hóa nguồn hàng để giảm phụ thuộc Trung Quốc nưng các đơn hàng của họ phần lớn vẫn gửi đến các nước châu Á khác – chủ yếu có lợi cho Bangladesh, Việt Nam và những nơi khác ở châu Á. 

Bên cạnh dệt may, Việt Nam cũng có lợi từ chiến lược Trung Quốc +1 trở thành một xu hướng vì căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng. Các công ty đa quốc gia gồm Apple, Samsung và Nintendo đã di chuyển một số cơ sở từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các cụm công nghiệp xuất khẩu thiết bị điện tử và dệt may lớn đã nổi lên ở Việt Nam để thu hút các nhà sản xuất toàn cầu và các khu công nghiệp đang bùng nổ. 

Tuy vậy, thách thức chính của Việt Nam nằm ở cảng và cơ sở hạ tầng vận tải mà hiện nay vẫn chưa phát triển bằng các nước khác trong khu vực trong khi ổn định cung ứng điện tử là một vấn đề thường xuyên. Thêm vào đó, công nhân tay nghề cao đang thiếu dù cho việc này cung cấp cơ hội cho các công nhân tay nghề cao từ các nước láng giềng như Thái Lan để giúp công nghiệp Việt Nam tiến vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Khi nền kinh tế định hình lại sau đại dịch, một số nước ở Đông Nam Á có thể nổi lên từ khủng hoảng nhanh hơn và với các cơ hội tốt hơn những nước khác. 

Tuy nhiên khi chúng ta hướng tới việc tái mở cửa nền kinh tế và biên giới, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các thành viên ASEAN thậm chí sẽ quan trọng hơn và các tiến trình hướng tới hội nhập sâu hơn sẽ là một ưu tiên. Nhìn xa hơn các thách thức ta đang đối mặt, làm thế nào ASEAN phản ứng chung sẽ giúp cho mỗi nước và cả khu vực. Chúng ta nên tồn tại mạnh mẽ hơn cùng với nhau, phải không? 

Theo Bangkok Post

Post a Comment

Tin liên quan

    -->