Dù kiểm soát được Covid-19, Đông Nam Á cũng sẽ khó khăn để phục hồi

Một số nền kinh tế ở Đông Nam Á đã có nhiều thành công trong kiềm chế dịch Covid-19 nhưng tình hình bất ổn toàn cầu sẽ ngăn trở sự phục hồi kinh tế trong khu vực này, theo một nhà kinh tế từ ngân hàng Nomura của Nhật Bản. 

Một sân bay ở Bangkok vắng khách vì dịch bệnh. 



Euben Paracuelles – kinh tế trưởng của ngân hàng Nomura nói với CNBC: “Nói chung với khu vực ... sự phục hồi có thể là hình chữ U, tôi có thể nói vậy bởi vì vẫn còn đầy bất trắc và tôi nghĩ rủi ro đi xuống vẫn tiếp tục”. 

Một đợt phục hồi hình chữ U điển hình nghĩa là một nền kinh tế phải mất một thời gian dài hơn ở đáy trước khi nó từ từ phục hồi. 

Ông giải thích rằng dù cho Thái Lan có vẻ đã kiểm soát thành công dịch bệnh, nền kinh tế này vẫn sẽ gặp phải trì trệ vì sự suy giảm du lịch. Cú đánh từ du lịch chắc chắn sẽ tiếp tục cho đến khi các kiểm soát biên giới được nới lỏng hoặc có một vaccine nào đó xuất hiện – những điều sẽ cho phép người dân đi du lịch trở lại. 

Một báo cáo phát hành tháng trước bởi Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển đã đánh giá Thái Lan là một trong những nước có thể chịu thiệt hại kinh tế lớn nhất vì mất du lịch. Trong kịch bản lạc quan nhất, Thái Lan sẽ mất 9 % GDP tương đương khoảng 47,7 tỷ USD, theo báo cáo. 

Trước dịch Covid-19, “động lực kinh tế lớn duy nhất của Thái Lan thực sự là du lịch và các lĩnh vực liên quan”, Paracuelles nhấn mạnh. “Bỏ điều đó đi, thực sự không có nhiều thứ để thúc đẩy kinh tế”. 

Trong khi đó, Singapore đã nới lỏng cục bộ các biện pháp phong tỏa trong hơn 1 tháng nhưng một đợt bùng phát dịch toàn cầu mới có thể đe dọa các nhu cầu của nước ngoài đối với các sản phẩm và dịch vụ của nước này. 

Nền kinh tế Singapore phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài vì thị trường nội địa của họ nhỏ bé. 

Các nước đang tiếp tục vật lộn với dịch bệnh 

Indonesia và Philippines – hai nước đông dân nhất Đông Nam Á – vẫn đang vật lộn để kiểm soát sự lây lan virus corona. Cả hai nền kinh tế này đã chịu thiệt hại. Indonesia hôm qua đã báo cáo sự sụt giảm kinh tế lần đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ qua sau khi GDP quý 2 tụt giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó Philippines hôm 4/8 công bố con số sụt giảm đến 16,5% so với cùng kỳ năm trước – một sự sụt giảm kỷ lục. 

Philippines tuần này cũng thắt chặt phong tỏa ở thủ đô Manila và các tỉnh xung quanh - một động thái có thể đánh thêm vào các hoạt động kinh tế, Paracuelles nói. 

Nhà kinh tế Paracuelles nói cả hai chính phủ này đang đối mặt với sự cấp bách trong hỗ trợ nền kinh tế của mình. Ông nhấn mạnh rằng Philippines đã không có nhiều dư địa như các nước khác trong khu vực trong việc thúc đẩy kinh tế. 

Đối với Indonesia, Paracuelles nói nếu nhà chức trách càng mất nhiều thời gian kiểm soát dịch bệnh thì càng khó khăn cho bất kỳ biện pháp kích thích nào để khắc phục tác hại của dịch bệnh với nền kinh tế. 

Theo CNBC

Post a Comment

Tin liên quan

    -->