Japan Times: Đọc vị được TQ là chìa khóa thành công cho VN

Sự phản ứng của Việt Nam trước dịch bệnh Covid đã trở thành một trong những thành công nhất trên thế giới. Kể từ giữa tháng 4, nước này chỉ có vài ca nhiễm là những người về từ nước ngoài và bị cách ly ngay sau khi nhập cảnh dù cho các ca lây nhiễm trong cộng đồng đã tăng lên trong những tuần gần đây. Đã có khoảng 500 ca nhiễm và 1 ca tử vong (đây có lẽ là số liệu ở thời điểm tác giả viết bài và chưa được cập nhật thêm). Đường hàng không nội địa đã khôi phục như trạng thái trước khi có dịch Covid. 



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố rằng hàng không quốc tế sẽ phục hồi với những nước chưa xác nhận các ca nhiễm mới trong 30 ngày trở lên. Vietnam Airlines đã nói sẽ nối lại chuyến bay với Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và các nước Đông Nam Á khác. Việt Nam là nước đầu tiên mà Nhật Bản nới lỏng lệnh hạn chế nhập cư (vì mục đích kinh doanh) đã được áp đặt trước đó để kiểm soát dịch bệnh. 

Tại sao sự phản ứng của Việt Nam với dịch bệnh này đã thành công như vậy? Theo một người bạn của tôi, một nhà đầu tư có quan hệ thân cận với các lãnh đạo doanh nghiệp châu Á thì thói quen của người Việt đã góp phần vào thành công của đất nước. Người này nói: “Chúng tôi là những người đi mọi nơi trên xe máy Honda. Chúng tôi đã quen với việc đeo khẩu trang để chống bụi. Tôi nghĩ rằng đó điều đã bảo vệ chúng tôi lúc này”. 

Phải chăng văn hóa khẩu trang phổ biến ở các nước Đông Á đã làm nên sự khác biệt? Người dân đã chủ động ngăn chặn sự lây lan của virus bằng cách đeo khẩu trang ở mọi nơi, rửa tay thường xuyên, tránh tụ tập đông người và duy trì giãn cách xã hội dù cho không có yêu cầu từ nhà chức trách. 

Thay đổi trong hành vi của mỗi người và của mọi công dân là chìa khóa để phản ứng với dịch bệnh. Bảo vệ bản thân để bảo vệ xã hội – và ngược lại, bằng cách bảo vệ toàn xã hội thì mỗi cá nhân được bảo vệ. Có vẻ như ở Việt Nam, xã hội và chính phủ có thể hợp tác hiệu quả. 



Theo hãng nghiên cứu YouGov có trụ sở ở Anh – đơn vị đã thực hiện các cuộc khảo sát hàng tuần đối với 26 quốc gia và khu vực, công dân Việt Nam có mức độ hiểu biết về Covid-19 cao nhất và mức độ đánh giá cao nhất đối với phản ứng của chính phủ họ. 95% người Việt Nam được hỏi tin rằng chính phủ của họ “đang phản ứng tốt” trước dịch bệnh, trong khi chỉ có 39% người Nhật có đánh giá cao đối với các biện pháp chống dịch của chính phủ họ. 

Nhưng biện pháp nào của chính phủ đã thực sự quyết định đến việc kiểm soát sự lây lan của viurs? Tuyên bố ngày 31/1 của chính phủ Việt Nam rằng Việt Nam sẽ “cách ly” với Trung Quốc có thể là nguyên nhân cốt yếu. 

Vào ngày đó, Việt Nam đã quyết định sẽ thực hiện “ba không” từ ngày 1/2. Trước hết chính phủ hạn chế các di chuyển đi TQ và từ TQ đến Việt Nam. Thứ hai, họ ngừng cấp visa du lịch cho du khách nước ngoài, bao gồm tất cả người Trung Quốc và cả những ai đã ở bất kỳ nơi nào của Trung Quốc trong 2 tuần trước đó. Thứ ba, họ đình chỉ mọi chuyến bay đi và đến từ các vùng của Trung Quốc (sau đó, vào ngày 22/3, mọi du khách nước ngoài đều không được nhập cảnh Việt Nam). Việt Nam và Trung Quốc chia sẻ đường biên giới 1400 km và nền kinh tế của họ phụ thuộc sâu sắc lẫn nhau. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. 

Tại thời điểm dịch SARS bùng phát năm 2003, chính phủ Việt Nam đã ngay lập tức lưu ý đến cảnh báo của Tiến sĩ Carlo Urbani – quan chức WHO ở Hà Nội. Các ca nhiễm được cách ly hoàn toàn, truy vết tiếp xúc được thực hiện và các biện pháp ở ngoại vi (như tăng cường hệ thống xét nghiệm PCR ở sân bay) đã được thực hiện. Dịch bệnh này đã được kiểm soát thành công. 

Lần này, Việt Nam đã sử dụng bài học từ dịch SARS. Ngay khi một ca nhiễm được phát hiện, người đó sẽ được đưa vào các cơ sở nhà nước như ký túc xá đại học hoặc doanh trại quân đội. Mọi trường hợp liên lạc tiếp xúc với ca nhiễm cũng được đưa vào cách ly trong các cơ sở này, ngay cả khi lúc đó họ chưa có triệu chứng. 

Hồi đầu tháng 4, khi chỉ có 240 người bị nhiễm, 45000 người đã bị cách ly. Mỗi khi xuất hiện một nhóm nhỏ ca nhiễm, cả làng sẽ bị cách ly với bên ngoài. 



Việt Nam cũng sử dụng phép ẩn dụ chiến tranh (cuộc chiến chống covid) để đoàn kết nhân dân chống lại virus. Mặc dù kẻ thù của họ là virus corona nhưng cả chính phủ và người dân Việt Nam đã thấy bóng dáng của Trung Quốc ở phía sau. Qua lịch sử của Việt Nam, hầu hết những cuộc khủng hoảng quốc gia đã đến “từ biên giới phía Bắc”. Lần này cũng không ngoại lệ. 

Một nhà ngoại giao Nhật Bản đã hỏi một quan chức chính phủ cấp cao Việt Nam rằng làm thế nào mà Việt Nam có thể sắp giành thắng lợi trong cuộc chiến chống lại Covid. Câu trả lời chỉ đơn giản là “đọc vị Trung Quốc”. Vị quan chức Việt Nam này giải thích: “Đọc vị Trung Quốc tức là làm sao để chúng tôi có thể hiểu được Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc sẽ không công bố chính xác con số cho nên chúng ta không thể đơn giản chấp nhận những gì họ nói với mình”. 

Đừng tin những gì chính phủ Trung Quốc nói bề ngoài. Luôn luôn nên có phản ứng nghi ngờ trước hết. Phán đoán ý định của Trung Quốc qua hành động của họ chứ không phải qua lời nói. Cho đến giữa tháng 1, các quan chức chính phủ Trung Quốc vẫn nói “không có lây nhiễm từ người sang người”. Đó là điều đáng ngờ. Vào ngày 10/3, Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố ‘chiến thắng’ trong cuộc chiến chống virus. Lời khẳng định đó cũng đáng ngờ. Thật vậy, “đọc vị Trung Quốc” đã trở thành một từ sống còn trong thế kỷ 21. 

Theo Japan Times

Post a Comment

Tin liên quan

    -->