Việt Nam thông báo cho Ấn Độ tình hình xấu đi ở Biển Đông

Trong khi Ấn Độ vẫn đang mắc trong căng thẳng quân sự với Trung Quốc, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã tóm tắt cho Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Shringla về tình hình an ninh đang xấu đi ở Biển Đông sau khi Bắc Kinh triển khai máy bay chiến đấu và một máy bay ném bom đến các đảo tranh chấp. 

Đại sứ Việt Nam và Ngoại trưởng Ấn Độ trong cuộc gặp mới đây. 


Mặc dù được mô tả là một kêu gọi nhã nhặn theo các nguồn tin ngoại giao, trong cuộc gặp này đại sứ đã chia sẻ quan điểm của Việt Nam với Shringla về diễn biến mới nhất trong khu vực này và cũng bày tỏ sự kiên quyết của đất nước ông về việc tăng cường “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mạnh mẽ” với Ấn Độ. 

Trung Quốc đã triển khai máy bay ném bom H-6J hồi đầu tháng này đến đảo Phú Lâm - hòn đảo lớn nhất trên quần đảo Hoàng Sa, để cho phép quân đội Trung Quốc ngăn chặn các hoạt động của quân đội Mỹ trong khu vực này, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc. Thời báo Hoàn Cầu trích lời các chuyên gia nói rằng việc đó sẽ đóng vai trò như một “răn đe to lớn” đối với các tàu sân bay Mỹ. 

Việt Nam có tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa, đã phản ứng với động thái này, nói rằng đó không chỉ là vi phạm chủ quyền của họ mà còn “gây nguy hại” cho tình hình trong khu vực. 


Hai quan chức trong cuộc gặp đã thảo luận về những diễn biến gần đây liên quan đến sự gia tăng quyết đoán của Trung Quốc. Bên cạnh việc mở rộng quan hệ quốc phòng với Ấn Độ, Việt Nam cũng tìm kiếm vai trò lớn hơn cho Ấn Độ trong khai thác ở các lô dầu khí ở ngoài khơi Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc và nói rằng khu vực này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. 

Ấn Độ trước đó đã giúp Việt Nam mua các tàu tuần tra bằng thỏa thuận cho vay tín dụng trị giá 100 triệu USD. Ấn Độ cũng đã công bố một khoản tín dụng khác trị giá 500 triệu USD cho Việt Nam để giúp Việt Nam mua thêm các trang bị quốc phòng khác từ Ấn Độ. 

Trong khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc coi Biển Đông như “đế chế hàng hải” của mình, Ấn Độ tháng trước cũng đã lặp lại quan điểm của mình rằng lập trường vững chắc cho “các hoạt động tự do hàng hải hàng không và hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở trong những vùng biển quốc tế này, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS”. Ấn Độ cũng nói Biển Đông là một phần của cộng đồng toàn cầu và rằng họ có “lợi ích vĩnh cửu” trong hòa bình và ổn định ở đây. 

Cũng giống như Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng ở đường kiểm soát biên giới thực tế, Việt Nam và các bên tranh chấp khác cáo buộc Bắc Kinh đang làm điều tương tự ở Biển Đông thông qua việc xây dựng đảo nhân tạo và lắp đặt các thiết bị quân sự trong khu vực này. 

Theo Times of India

Post a Comment

Tin liên quan

    -->