Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình 6,5% trong 5 năm tới

Việt Nam đang xem xét đề xuất kế hoạch kinh tế 5 năm với mục tiêu tăng trưởng 6,5% đến 7% trong giai đoạn 2021-2025 và tăng GDP bình quân đầu người lên 4700 USD từ mức khoảng 2750 của năm nay.

Kế hoạch này sẽ hoàn thành khi Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức đại hội vào tháng 1, tại đó các đảng viên sẽ bầu một ban lãnh đạo mới và chiến lược tăng trưởng kinh tế cho 5 năm tiếp theo. 



Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất mức tăng GDP bình quân 6,5 đến 7% trong 5 năm tới khi họ tổ chức một phiên họp hôm 29/9. Phiên họp này cũng nêu mục tiêu GDP bình quân đầu người từ 4700 đến 5000 USD vào năm 2025. Đề xuất này được nêu lên khi Việt Nam đã bỏ lỡ mục tiêu trong kế hoạch 2016-2020. 

Theo báo Đầu tư - một cơ quan truyền thông thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư: “Tỉ lệ tăng trưởng trung bình của 5 năm từ 2016 đến 2020 được dự kiến ở mức 5,8%”. 

GDP Việt Nam năm nay ước tính 269 tỷ USD, tăng khoảng 40% so với con số 193 tỷ USD 5 năm trước đây. GDP bình quân đầu người ước tính ở mức 2750 USD, tăng 30% so với mức 2109 của 5 năm trước. 

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, nói trong phiên họp rằng Việt Nam đã đạt nhiều mục tiêu kinh tế xã hội. Tuy nhiên ông thừa nhận rằng 4 mục tiêu đã không đạt được là tăng trưởng GDP, GDP bình quân đầu người, tỉ lệ lao động qua đào tạo trong lực lượng lao động và tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực đô thị. 


Tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2016-2019 trung bình là 6,8%. Nhưng nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh Covid-19 trong năm nay. Mặc dù nhiều nước láng giềng đã được dự báo tăng trưởng tiêu cực, Việt Nam dự kiến vẫn duy trì sự tích cực với tỉ lệ tăng trưởng khoảng 2%. Nhưng sự suy giảm trong năm 2020 đã làm giảm tỉ lệ tăng trưởng GDP bình quân trong 5 năm qua xuống 5,8%. 

Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội nói trong cuộc họp rằng: “Trong 4 năm đầu, nền kinh tế vận hành khá trôi chảy nhưng năm cuối cùng không lường trước được và không tưởng tượng được. Covid-19 đã làm thay đổi mọi thứ”. 

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư nói: “(sự suy giảm) năm 2020 là vì ảnh hưởng của Covid-19 cho nên nó là bất khả kháng”. Tuy nhiên ông cũng nói tác động của đại dịch cần được đánh giá không chỉ ở 5 năm qua mà còn trong quá trình chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm tới. 

Mục tiêu tăng trưởng được đề xuất cho kế hoạch kinh tế xã hội 2021-2025 chỉ là phác họa ban đầu khi Hà Nội định hướng một nền kinh tế được dẫn dắt bởi sản xuất và các thành phần kỹ thuật số. Việt Nam đang tìm cách trở thành một trung tâm mới trong chuỗi cung ứng khu vực để hưởng lợi từ căng thẳng thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. 


Bộ Kế hoạch Đầu tư nói trong cuộc họp: “Mục tiêu tổng thể là đạt được tăng trưởng kinh tế cao hơn so với trung bình của 5 năm trước và vào năm 2025 khẳng định vị thế là một nước đang phát triển với công nghiệp hóa hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”. 

Tuy nhiên Việt Nam đã không đạt được các mục tiêu tăng trưởng GDP trong 3 kế hoạch kinh tế 5 năm liên tiếp. Nền kinh tế Việt Nam đã không đạt được mục tiêu 7,5% đến 8% trong giai đoạn 2006-2010 và 7 đến 7,5% trong giai đoạn 2011 - 2014. Hai giai đoạn này tỉ lệ tăng trưởng đạt được chỉ là 7% và 5,9%. 

Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng 7,51% trong giai đoạn 2001-2005, tức là đạt mục tiêu 7,5 đến 8% đề ra cho thời kỳ đó. 

Kế hoạch 5 năm mới sẽ là kế hoạch thứ 8 kể từ khi Việt Nam thực hiện Đổi Mới. Những người tham dự cuộc họp của Bộ Kế hoạch Đầu tư đã đồng ý về việc cần xác lập công thức và thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội cẩn thận. 

Ông Phùng Quốc Hiển nói: “Năm 2021, tình hình sẽ vẫn rất khó khăn”. 

Theo Nikkei

Post a Comment

Tin liên quan

    -->