Việt Nam tìm kiếm quan hệ đối tác với Biden sau kỷ nguyên Trump

Việt Nam đang tìm cách thiết lập lại mối quan hệ đầy biến động với Mỹ sau khi thấy mình mắc kẹt giữa cuộc đối đầu kinh tế của Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc. 




Việt Nam nằm trong số những nước có lợi nhất trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi các công ty toàn cầu bổ sung đầu tư để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ. Tuy nhiên sự bùng nổ thặng dư thương mại với Mỹ khiến Việt Nam bị đánh thuế và bị cáo buộc thao túng tiền tệ. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói gần đây rằng: “bất kể ai thắng, Mỹ vẫn là một người bạn”. Tuy nhiên phía sau tình huống này, các quan chức đang tính toán liệu rằng Việt Nam có thể khôi phục ổn định trong quan hệ kinh tế với Tổng thống đắc cử Joe Biden hay không và làm thế nào để làm điều đó. 

Theo ông Lê Đăng Doanh - nhà kinh tế và cựu cố vấn chính phủ: Hà Nội mong đợi chính quyền Biden sẽ thúc đẩy sự tham gia rộng mở hơn với Việt Nam và sẽ không tập trung vào các vấn đề tiền tệ và thương mại như thời Trump. Ông Doanh nói: “Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam”. Và để giữ ổn định việc làm “Việt Nam cần giữ đà tăng xuất khẩu”. 

Có những lo ngại giữa một vài doanh nghiệp Mỹ rằng chính quyền Trump sẽ đánh thêm thuế vào Việt Nam sau khi Bộ Thương mại Mỹ trong tháng này đã áp thuế chống trợ cấp sơ bộ đối với lốp ô tô của Việt Nam với một trong những lý do là đồng tiền của Việt Nam bị giữ “dưới giá trị”. 


Bộ này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về khoản thuế này vào ngày 16/3, gần thời điểm Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ dự kiến đưa ra phán quyết về vụ việc. Mỹ nhập khẩu lốp xe du lịch từ Việt Nam với trị giá gần 470 triệu USD vào năm 2019. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đang trên đà phá vỡ kỷ lục 56 tỷ USD của năm ngoái. 

Ông Trương Văn Phước, một thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nói: “Với một nước như Việt Nam, nơi tỷ lệ lạm phát cao hơn hầu hết các đối tác thương mại, một đồng tiền yếu hơn là có thể hiểu được”. Chính phủ Việt Nam đã giữ tỷ lệ lạm phát ở khoảng 4% trong khi sự mất giá của tiền đồng chỉ khoảng 1 đến 2% trong mấy năm qua. 

Mỹ đã chỉ trích Việt Nam về thặng dư tài khoản vãng lai và cáo buộc Việt Nam mua đồng bạc xanh để làm yếu đồng tiền của mình. Tuy nhiên theo ông Phước thì thặng dư tài khoản vãng lai chủ yếu là do kiều hối chứ không phải do xuất khẩu. Kiều hối là tiền gửi về Việt Nam từ nước ngoài và thường được sử dụng cho kinh doanh chứ không chỉ hỗ trợ gia đình. 

Ông Phước nói: “Khi các nhà đầu tư mang dollar đến, họ cần đổi chúng sang tiền đồng để đầu tư”, ông cũng lưu ý rằng đó không phải là ngân hàng trung ương thu hồi dollar. 

Các khoản thuế tăng thêm được áp đặt bởi các quan chức sắp mãn nhiệm có thể trói buộc chính quyền Biden - những người sẽ phải chi tiêu vốn liếng chính trị để tháo gỡ nó. Ernie Bower - Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của BowerGroupAsia cho rằng các đảng viên đảng Dân chủ cũng được dự kiến thúc đẩy sự tập trung mạnh mẽ hơn vào các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. 

Ổn định kinh tế 

Trong cuộc gặp tháng trước với Adam Boehler - người đứng đầu cơ quan Hợp tác Tài chính Phát triển Quốc tế của Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại rằng Việt Nam không sử dụng đồng tiền của mình để làm lợi thế cạnh tranh. Làm như vậy sẽ “gây tổn thương nghiêm trọng sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như lòng tin của nhân dân và nhà đầu tư” trong khi phá hoại nền kinh tế quốc gia. 

Việt Nam sẽ có một cơ hội diễn giải cấp cao với chính quyền sắp mãn nhiệm của Mỹ khi Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien sẽ thăm Việt Nam và Philippines trong tuần này. 


Các nhà đầu tư nước ngoài và công ty đa quốc gia đang ngày càng bị thu hút đến Việt Nam - nơi được dự kiến là một trong những nền kinh tế hiếm hoi có tăng trưởng trong năm 2020. Các lãnh đạo Việt Nam đã tăng gấp đôi các thỏa thuận tự do thương mại, trong đó gồm thỏa thuận ký năm ngoái với Liên minh châu Âu và làm chủ nhà lễ ký kết thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới mang tên Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). 

Theo ông Lê Đăng Doanh, các khoản thuế Mỹ mới có thể gây tổn hại cho nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất - nơi đang vật lộn giữa đại dịch toàn cầu. Tăng trưowngr kinh tế được dự báo tụt xuống 2 đến 3% trong năm 2020 so với 7,02% năm ngoái. 

Bower nói rằng “người Việt Nam có niềm hy vọng có thể tin được rằng cách tiếp cận của Biden sẽ ít tính ý thức hệ và ít mạnh mẽ hơn” dù vẫn duy trì áp lực lên Trung Quốc. 

Trong khi đó, dựa vào các lợi ích tương đồng về chính trị khu vực, thương mại và đầu tư, “đã có những quan điểm trong nhóm chính sách đối ngoại của Biden cho rằng Việt Nam đã trở thành một đất nước rất có tư duy chiến lược ở châu Á”. 

Theo Bloomberg

https://www.bloomberg.com/news/articles/2020-11-20/vietnam-looks-for-biden-partnership-after-rocky-trump-era?utm_source=google&utm_medium=bd&cmpId=google

Post a Comment

Tin liên quan

    -->