Việt Nam lần đầu tiên nhập khẩu gạo

Việt Nam - nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, đã bắt đầu mua lúa từ đối thủ Ấn Độ lần đầu tiên trong hàng thập kỷ sau khi giá lúa nội địa tăng lên mức cao nhất trong 9 năm qua giữa bối cảnh nguồn cung nội địa hạn chế. 




Thương vụ này làm nổi bật tình trạng nguồn cung thắt chặt ở châu Á và việc này có thể đẩy giá gạo tăng lên trong năm 2021 và buộc những khách hàng mua gạo truyền thống từ Thái Lan, Việt Nam phải chuyển sang Ấn Độ - nước xuất khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới. 

Các nhà giao dịch Ấn Độ đã ký hợp đồng xuất khẩu 70.000 tấn gạo 100% tấm từ tháng 1 đến tháng 2 với giá khoảng 310 USD/ tấn theo phương thức giao hàng tự do. 

B.V Krishna Rao - Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo của Ấn Độ nói với Reuters hôm qua rằng: “Lần đầu tiên chúng tôi sẽ xuất khẩu đến Việt Nam. Gạo Ấn Độ rất thu hút. Sự chênh lệch giá quá lớn đang khiến cho việc xuất khẩu trở nên khả thi”. 

Nguồn cung thu hẹp và việc Philippine tiếp tục mua đã đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao đến mức cao nhất trong 9 năm. 

Gạo 5% tấm RI-VNBKN5-P1 của Việt Nam được cung cấp với giá khoảng 500-505 USD/tấn, cao hơn nhiều so với gạo RI-INBK5-P1 của Ấn Độ ở mức giá 381 -387 USD/ tấn. 

Việc thu hẹp nguồn cung sẽ làm gia tăng lo ngại về an ninh lương thực với các nước châu Phi cận Sahara giữa bối cảnh các khu vực này đang gia tăng nhu cầu nhập khẩu một phần vì dân số tăng lên. 

Theo Ngân hàng Thế giới, nạn đói kinh niên và cấp tính đang tăng lên, ảnh hưởng đến những hộ gia đình dễ bị tổn thương ở hầu hết các nước với việc dịch bệnh Covid-19 đang làm giảm thu nhập và phá hủy chuỗi cung ứng.  

Các nhà giao dịch nói dịch bệnh toàn cầu cũng đã thúc đẩy Việt Nam và các nước khác dự trữ gạo. Việt Nam năm ngoái công bố sẽ dự trữ 270.000 tấn gạo để bảo đảm nguồn lương thực giữa bối cảnh dịch Covid đang phá hủy chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Các nhà giao dịch ở Việt Nam nói gạo từ Ấn Độ đã được dự trữ trong các kho dự trữ của chính phủ từ năm 2016/2017 và giá tương đối rẻ của nó phản ánh chất lượng thấp. 

Một nhà giao dịch gạo ở thành phố Hồ Chí Minh nói: “Chất lượng gạo này quá thấp nên nó không tốt để tiêu dùng trực tiếp cho con người mà chỉ để sản xuất bia và thức ăn chăn nuôi”. 

Tổng sản lượng lúa của Việt Nam năm 2020 đã giảm 1,85% xuống 42,69 triệu tấn, tương đương với khoảng 21,35 triệu tấn gạo, theo dữ liệu sơ bộ từ Tổng cục Thống kê. Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2020 được dự báo giảm khoảng 3,5% còn 6,15 triệu tấn. 

Sự tăng mạnh nhu cầu từ các nước châu Á và châu Phi cũng đã làm tăng giá gạo Ấn Độ nhưng chúng vẫn rất cạnh tranh vì nguồn dự trữ phong phú, theo lời Nitin Gupta - Phó Chủ tịch công ty kinh doanh gạo Olam India. 

Gupta cho rằng Việt Nam có thể mua nhiều thêm chừng nào sự chênh lệch giá vẫn duy trì. 

Tháng 12, nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là Trung Quốc đã bắt đầu nhập gạo Ấn Độ lần đầu tiên trong ít nhất 3 thập kỷ vì nguồn cung đang bị thắt chặt từ Thái Lan, Myanmar và Việt Nam và do vậy đã tạo ra một đợt tăng giá mạnh mẽ. 

Năm 2020 Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục 14 triệu tấn gạo theo số liệu tạm tính từ Bộ thương mại của nước này. 

Theo Reuters

https://uk.reuters.com/article/india-vietnam-rice-exports/rpt-exclusive-vietnam-buys-indian-rice-for-first-time-in-decades-industry-officials-idUKL1N2JG011
Tags: tin-tuc

Post a Comment

Tin liên quan

    -->