Một dự thảo thoả thuận an ninh đang được đàm phán giữa TQ và đảo Solomon gần đây đã bi rò rỉ và nó có thể ảnh hưởng an ninh cho toàn bộ Thái Bình Dương. Bản dự thảo này tạo ra một khuôn khổ để “cảnh sát, cảnh sát vũ trang, nhân viên quân sự và các lực lượng vũ trang và thực thi pháp luật khác” của Trung Quốc có thể triển khai đến đảo Solomon. Thoả thuận này cũng cho phép Trung Quốc, trong điều kiện được Solomon đồng ý, sẽ có các chuyến thăm tàu chiến, nhận tiếp tế hậu cần, dừng nghỉ và trung chuyển ở Solomon.
Tất cả các nước ở Thái Bình Dương đều có lợi ích trong việc bảo vệ ổn định và an ninh ở khu vực này. Các thành viên của Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương, bao gồm cả Australia, đã đồng ý với Tuyên bố Boe 2018 để giải quyết các thách thức an ninh khu vực theo cách tập thể. Một thoả thuận song phương như dự thảo đang được đề xuất giữa Trung Quốc và Solomon sẽ làm xói mòn tư tưởng của Tuyên bố Boe và cho thấy những tác giả của bản dự thảo này đánh giá thấp khía cạnh an ninh tập thể của cả khu vực.
Tầm nhìn tham vọng của dự thảo thoả thuận này là bằng chứng rõ hơn về xu hướng chiến lược của TQ ở Thái Bình Dương. Liệu Trung Quốc cuối cùng có thiết lập một căn cứ quân sự lâu dài ở đảo Solomon không vẫn là điều chưa chắc chắn. Tuy nhiên, dù thế nào thì đây cũng là bước đầu tiên trong nhiều bước hướng tới một mục tiêu như vậy. Tài liệu bị rò rỉ là bản dự thảo đầu tiên và Solomon chắc chắn sẽ thu hẹp một số điều khoản của thoả thuận, rút lại một số cam kết mà Trung Quốc đã đề xuất.
Quan hệ ngày càng gần gũi của Solomon với Trung Quốc kể từ khi họ chuyển công nhận ngoại giao từ Đài Loan sang TQ vào năm 2019, hiện vẫn đang là vấn đề nhạy cảm ở trong nội bộ của họ. Tình trạng bất ổn mà hồi tháng 11/2019 bùng phát ở Honiara, đã bị châm ngòi một phần bởi sự chuyển đổi công nhận ngoại giao này, dù rằng các động lực cơ bản dẫn tới bất ổn này là vấn đề nội bộ chứ không phải địa chính trị.
Sự cạnh tranh thù địch giữa các tỉnh đã tồn tại từ lâu, các vấn đề kinh tế sâu xa, các lo ngại về mối liên hệ đang gia tăng với Trung Quốc mà trong đó Thủ tướng Manasseh Sogavare được xem là người đề xướng chính – và tư tưởng bài xích châu Á âm ỉ ở trong cộng đồng này, tất cả đã kết hợp tạo nên bạo lực và những phá phách nhắm vào khu phố Tàu ở Honiara khiến 4 người chết và hơn 70 cửa hiệu bị phá huỷ.
Khi bất ổn bùng phát, Thủ tướng Sogavare đã yêu cầu sự trợ giúp khẩn cấp từ Australia – đất nước có thể triển khai phản ứng khẩn cấp trong 24 giờ thông qua một thoả thuận an ninh song phương hiện có nhưng phạm vi cam kết nhỏ hơn nhiều so với những gì mà TQ đang hứa hẹn bảo đảm. Papua New Guinea, Fiji và New Zealand cũng đã cử nhân viên tới. Đây là một phản ứng khu vực với một vấn đề khu vực và hiện nay được gọi là Lực lượng Hỗ trợ Quốc tế cho Solomon. Australia công bố họ sẽ duy trì sự hiện diện đến tháng 12/2023.
Tuy nhiên việc nhắm mục tiêu vào những người mang quốc tịch TQ trong bạo động cũng tạo lý do cho chính phủ TQ đóng góp vào an ninh ở Honiara. Trung Quốc kể từ đó đã gửi các sĩ quan cảnh sát liên lạc để đào tạo Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Solomon về trật tự công cộng cũng như các thiết bị chống bạo động. Sự gia tăng hiện diện an ninh của người TQ gây lo ngại cho các quan chức Australia và đặt câu hỏi về việc người TQ sẽ giữ vai trò thế nào bên cạnh chương trình hỗ trợ cảnh sát đã kéo dài hàng thập kỷ của Australia.
Gần đây hơn, một tờ báo ở Solomon báo cáo một kho bí mật lớn chứa súng trường tấn công theo mẫu của TQ, bị cáo buộc là tuồn vào nước này trên một tàu chở gỗ trong đêm tối. Việc này gây ra đồn đoán xôn xao trên truyền thông xã hội về mục đích thật sự của nó và tuyên bố từ cảnh sát Solomon rằng họ sẽ điều tra xem câu chuyện được đưa ra như thế nào. Các chính trị gia đối lập đã đặt câu hỏi về việc hợp tác an ninh với Trung Quốc sẽ đi xa đến mức nào.
Dự thảo thoả thuận này cung cấp một manh mối. Nhưng các điều khoản chưa hoàn thiện. Ký vào một thoả thuận an ninh với TQ có thể gây ra nhận thức về sự vi phạm chủ quyền của Solomon và góp phần vào sự bất ổn nội bộ ở thời điểm các vấn đề sau cuộc bạo động năm ngoái chưa được giải quyết. No cũng có thể gây lo ngại trong các nước Thái Bình Dương khác, không chỉ Australia.
Một văn bản mà cho phép bộ máy an ninh TQ tiếp cận quá mức vào Solomon, có thể gây thiệt hại về chính trị cho Thủ tướng Sogavare, người đã tự bộc lộ bản thân trước các cáo buộc rằng đã bắt giữ những người tinh hao trong bối cảnh cuộc bạo động gần đây.
Quyết định của Solomon chuyển công nhận ngoại giao từ Đài Loan sang TQ đã gặp sự phản đối chính trị quyết liệt trong quốc hội và sự chỉ trích từ nhà chức trách tỉnh Malaita – nơi đang muốn duy trì quan hệ với Đài Loan. Bởi thế thoả thuận này bị tiết lộ bởi cố vấn của người đứng đầu tỉnh Malaita Daniel Suidani, chỉ vài ngày trước khi quốc hội Solomon họp, là điều dễ hiểu.
Sogavare trong thời điểm chuyển công nhận ngoại giao sang TQ đã nói rằng sẽ nhận được nhiều lợi ích kinh tế cho Solomon hơn là khi nước này vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Kể từ đó, Sogavare đã tìm cách chứng minh cho người dân rằng lợi ích đang đến. Ông đã ở dưới áp lực phải chứng minh sau khi thúc đẩy thông qua quyết định năm 2019 với rất ít lợi ích nhận được ngoài những gì Đài Loan đã đang cung cấp.
Tầm nhìn của thoả thuận này cho phép Trung Quốc cung cấp trợ giúp an ninh cho các dự án chính. Với hơn 90% nguồn tài nguyên khai thác từ Solomon được chuyển tới TQ năm 2019 và một đống các dự án cơ sở hạ tầng được các doanh nghiệp nhà nước TQ cam kết, một thoả thuận như vậy có thể gắn liền với nỗ lực của Sogavare nhằm chứng minh cam kết gia tăng lợi ích cho Solomon.
Trật tự khu vực đang đổi thay nhanh chóng và sẽ rất khác trong 10 năm tới. Nó sẽ ồn ào hơn. Australia không thể và cũng không mong đợi là đối tác an ninh duy nhất cho các nước Thái Bình Dương. Nhưng sự hiện diện an ninh gia tăng của một nước như TQ ở Thái Bình Dương sẽ làm leo thang hơn nữa các cạnh tranh địa chính trị trong khu vực này.
Australia sẽ phải thực tế về sự gia tăng hiện diện an ninh của TQ ở Thái Bình Dương. Thách thức cho các nhà làm chính sách ở Canberra sẽ là làm thế nào để phản ứng với một Thái Bình Dương đang ngày càng náo nhiệt mà không leo thang căng thẳng địa chính trị trong khu vực.
Nguồn: https://www.theguardian.com/world/2022/mar/26/a-security-agreement-between-china-and-solomon-islands-could-impact-stability-in-the-whole-pacific