Tờ Sina gần đây có bài viết đánh giá về lực lượng Không quân Việt Nam năm 1979. Bài báo viết như sau: "Nói tới Không quân Việt Nam, phản ứng đầu tiên của mọi người có lẽ đều cho là lạc hậu, số lượng nhỏ máy bay Su-27/30 điểm xuyết trong số lượng lớn Mig-21, Su-22. Nhưng điều ít người biết là năm 1979 trong cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung, Không quân Việt Nam lại không phải như hiện tại.
Khi đó, trang bị của họ tuy không quá nhiều nhưng ít nhất là về trình độ công nghệ trên lý thuyết, cơ bản có thể xếp ở hạng ba. Mặc dù không bằng những cường quốc không quân như Anh, Pháp nhưng đại thể cũng không kém các nước như Italia, Bungari. Đương nhiên con số trên lý thuyết là một chuyện, sức chiến đấu thực sự lại là một chuyện khác, nhưng điều không thể không thừa nhận là con số lý thuyết đích thực là một tiêu chí quan trọng để cân nhắc không quân một nước.
Thời đó, máy bay chiến đấu chủ lực của Việt Nam là Mig-21, ước tính khoảng 120 chiếc, đại bộ phận là di sản của chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên chiếc Mig-21 tiên tiến nhất lúc đó là Mig-21bis thì khi đó Liên Xô không cung cấp, trong tay Việt Nam chủ yếu là Mig-21F/PF. Ngoài ra còn có 2 chiếc trinh sát Mig-21P, 89 chiếc gồm cả Mig-17 và J-5. Các máy bay J-6 do Trung Quốc viện trợ, do Việt Nam không đủ phi công cho nên không phục vụ ở tuyến 1 mà được đem niêm cất.
Tuy nhiên trong lực lượng máy bay tác chiến của Việt Nam, loại có sức uy hiếp lớn nhất với Trung Quốc là những máy bay Su-22 tấn công mà Việt Nam lúc đó vừa nhập khẩu. Trên thực tế, do nó có thể bắn ném bom đạn chính xác, đến năm 1988 khi hải chiến Trường Sa, Su-22 vẫn là mối lo lắng nhất của Hải quân Trung Quốc.
Ngoài ra Việt Nam còn thu được hàng trăm chiếc máy bay do Mỹ chế tạo sau khi thống nhất. Tuy số lượng lớn nhưng trạng thái kỹ thuật phổ biến là không tốt. Các máy bay còn có thể sử dụng được đại đa số biên chế về sư đoàn không quân 372 và tham gia vào cuộc chiến tranh với Campuchia. Do trong chiến tranh hao tổn nghiêm trọng và Không quân Việt Nam thiếu khả năng bảo dưỡng cho nên đến cuộc chiến 1979, số lượng máy bay chiến lợi phẩm này đã giảm xuống đến mức khó tin. Mặt khác các máy bay này bình thường cũng chủ yếu đóng tại chiến trường Campuchia hoặc là khu vực miền Nam Việt Nam, rất ít khi thấy ở miền Bắc.
Căn cứ theo tài liệu liên quan, thời đó Việt Nam đưa vào sử dụng máy bay Mỹ chưa đến 70 chiếc, trong đó chủ yếu là 20 chiếc F-5, 19 chiếc A-37, 10 chiếc huấn luyện T-41, 17 chiếc U-17.
Ngoài máy bay cánh cố định, Không quân Việt Nam khi đó còn có một lực lượng trực thăng có thể xem là khá hùng hậu. Lực lượng này lấy trang bị của Liên Xô làm chủ yếu, số lượng lớn nhất là trực thăng vận tải gồm 46 chiếc Mi-8 và 10 chiếc Mi-6. Các trực thăng Mỹ do nguyên nhân thiếu điều kiện bảo trì thay thế như nói trên cho nên chỉ có khoảng 30 chiếc UH-1 được sử dụng thường xuyên.
Tuy vậy những trực thăng thực sự đáng gờm trong tay Việt Nam là 13 chiếc trực thăng vũ trang Mi-24 và 13 chiếc Ka-25. Đặc biệt là trực thăng Mi-24, đây là chiếc trực thăng vũ trang tiêu chuẩn trang bị phối hợp cho lục quân của Liên Xô. Tuy nhiên so với tiêu chuẩn trang bị 12 chiếc mỗi sư đoàn của Liên Xô, 90 sư đoàn của Việt Nam chỉ có 13 chiếc, có thể gọi là muối bỏ biển.
Thực tế Mi-24 cũng là một hình ảnh thu nhỏ của Không quân Việt Nam thời đó, tuy trang bị không tồi nhưng do vấn đề bảo đảm hậu cần, trong chiến tranh quy mô lớn rất khó tạo ra sự khác biệt".
Bình luận: Những phân tích trên đây, về mặt nào đó cũng có thể có căn cứ. Tuy nhiên căn cứ so sánh của họ là so với tiêu chuẩn của các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới. Do vậy tất nhiên là sẽ bộc lộ ra những chỗ yếu chỗ thiếu của Việt Nam. Không phải chỉ năm 1979 mà ngay cả thời điểm hiện tại, nếu đem Không quân Việt Nam so với Không quân của Mỹ, Nga, Anh, Pháp về biên chế và trang bị cũng là sự khập khiễng. Sự so sánh chính xác trong thời điểm năm 1979 thì chỉ nên so với trình độ trang bị và kỹ năng chiến đấu của Không quân Trung Quốc. Trong thực chiến, cả Việt Nam và Trung Quốc đã không sử dụng không quân nhưng nếu sử dụng thì phi công Trung Quốc rõ ràng không có nhiều kinh nghiệm thực chiến bằng phi công Việt Nam.