Thượng nghị sĩ Mỹ trải lòng về di sản chiến tranh và quan hệ Việt - Mỹ

Dưới đây là một bài viết của thượng nghị sĩ Patrick Leahy về những vấn đề di sản chiến tranh và sự phát triển quan hệ Việt - Mỹ, Mõ Quốc Tế xin giới thiệu nguyên văn với quý vị: 

“Khi tôi trở thành thượng nghị sĩ của Vermont năm 1975, một trong những lá phiếu đầu tiên tôi bỏ là cho một bộ luật để ngăn chặn tài trợ cho chiến tranh ở Việt Nam. Luật đó đã được thông qua. 

Thượng nghị sỹ Patrick Leahy. 

Nhiều người trong chúng ta biết những người đã phục vụ trong cuộc chiến tranh này. Một số người đã thiệt mạng. Những người khác bị thương nghiêm trọng. Từ ngữ không thể mô tả tương xứng mức độ khốc liệt của cuộc chiến đó đối với người dân của cả hai nước. 40 năm sau, chúng ta vẫn vật lộn trong nước mình với những tàn dư của sự chia rẽ trong xã hội chúng ta do cuộc chiến ấy gây ra, cũng như nó đã làm với người dân Việt Nam. 



Sự tham gia của tôi vào hậu chiến Việt Nam bắt đầu năm 1989 khi cựu Tổng thống George H.W. Bush và tôi nói về sự cần thiết phải giảng hòa với Việt Nam - điều mà nhiều người Mỹ, gồm các cựu chiến binh, đang kêu gọi. 

Tổng thống Bush đã đồng ý sử dụng cái mà sau này gọi là Quỹ Nạn nhân Chiến tranh Leahy để cung cấp chân tay giả và xe lăn cho người Việt đã bị tàn tật vì mìn và các quả bom chưa phát nổ. Sự hỗ trợ kéo dài đến ngày nay đó đã giúp hàng ngàn người Việt lấy lại được khả năng di chuyển. 

Dĩ nhiên những người khác đã và đang làm việc trong vấn đề MIA (người Mỹ mất tích trong chiến tranh) thậm chí còn sớm hơn. Công việc đó giúp mang lại sự kết thúc cho hàng trăm gia đình Mỹ. Nó đã nhờ vào sự giúp đỡ của chính phủ Việt Nam, tại thời điểm mà Việt Nam đang vật lộn để khắc phục hậu quả chiến tranh. 

Trong nhiều năm Mỹ cũng giúp xác định và phá hủy hàng triệu quả mìn và các quả bom chưa phát nổ khác - những thứ vẫn tiếp tục gây thương tật hoặc tử vong cho những người Việt vô tội. May mắn thay, nhờ vào các nỗ lực đó, số lượng thương vong ngày nay đã giảm nhiều so với trước đây. Nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải làm. 

Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh vẫn đang gây ra nhiều thương vong cho người dân Việt Nam.

Những năm qua, tôi đã có nhiều cuộc nói chuyện với các quan chức Việt Nam, trước và sau khi quan hệ ngoại giao được tái thiết lập năm 1995. Bất kể chủ đề cuộc nói chuyện là gì, người Việt Nam luôn nhắc đến chất độc da cam và những tác hại của nó với người dân của họ. 

Đồng thời, các cựu binh Mỹ - những người đã bị nhiễm chất độc da cam và phải chịu ung thư cùng các chứng bệnh khác, cũng đang tìm kiếm giúp đỡ từ chính phủ của chúng ta. Năm 1991, Bộ Cựu chiến binh chấp nhận đòi hỏi của các cựu binh nhưng phải 15 năm sau chúng ta mới bắt đầu giải quyết vấn đề này ở Việt Nam. 

Chúng ta đã bắt đầu tại sân bay Đà Nẵng, một căn cứ quân sự cũ của Mỹ, nơi chất độc da cam với thành phần dioxin đã được dự trữ. Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) xứng đáng với công trạng lớn lao vì đã thực hiện và hoàn thành một dự án phức tạp và khó khăn như vậy. 100.000 m3 đất và bùn đã được khử độc. 

Bộ Quốc phòng Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với USAID để khắc phục nhiều trở ngại nhằm hoàn thành dự án, và trong khi làm những việc đó, họ đã giúp thúc đẩy quan hệ giữa hai nước chúng ta lên một tầm cao mới. Giống như các vấn đề MIA và UXO (bom mìn chưa nổ) trước đó, vấn đề chất độc da cam phát triển từ một chủ đề tức giận và oán hận lên một sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau. 

Hoạt động tẩy chất độc da cam ở sân bay Đà Nẵng. 

Trong 4 thập kỷ, sân bay Đà Nẵng là một mối nguy hiểm cho sức khỏe của hàng ngàn người dân sống gần đó. Nhưng hơn 1 năm trước, hội nghị thượng đỉnh APEC đã được tổ chức ở đó. Sau đó không lâu, một tàu sân bay Mỹ đã cập cảng Đà Nẵng và các thủy thủ đã thăm một trại trẻ mồ côi - những người có thể đã bị di truyền các khuyết tật từ cha mẹ hoặc ông bà bị nhiễm chất độc da cam. 


Không có gì trong những điều này sẽ xảy ra nếu như không có sự kiên trì và hợp tác của hai chính phủ chúng ta. 

Qua giai đoạn này, USAID cũng mở rộng các chương trình sức khỏe và tàn tật với 7 tỉnh của Việt Nam. Họ cung cấp y tế, phục hồi chức năng, cơ sở hạ tầng và trợ giúp xã hội cho nhiều người tàn tật Việt Nam ở những vùng bị nhiễm chất độc da cam nặng nề. 

Ngày 17/4, tôi sẽ đến Việt Nam lần thứ 3 cùng với 8 thượng nghị sỹ của cả hai đảng (Cộng hòa và Dân chủ). Lần này chúng tôi sẽ đến sân bay Biên Hòa gần thành phố Hồ Chí Minh, vốn là một căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trong thời chiến tranh. 

Cùng với Đại sứ Mỹ và các quan chức Việt Nam, chúng tôi sẽ bắt đầu dự án khử độc tại Biên Hòa - nơi nhiễm độc dioxin lớn nhất còn tồn tại. Đây sẽ là một trong những dự án khử độc môi trường lớn nhất trên thế giới. 

Đồng thời, chúng tôi sẽ chứng kiến việc ký kết một thỏa thuận giữa Mỹ và Việt Nam về cam kết 5 năm để hỗ trợ các chương trình sức khỏe và tàn tật cho những người bị khuyết tật tại các tỉnh bị nhiễm chất độc da cam nặng. 

Lợi ích của sự hợp tác nhân đạo này đang được mở rộng: 

Nó giúp đoàn tụ hài cốt lính Mỹ với các thân nhân của họ; 

Nó cho phép nhiều người ở Việt Nam đã bị tàn tật có thể phục hồi khả năng di chuyển; 

Nó giúp các gia đình và cộng đồng Việt Nam chăm sóc cho người tàn tật; 

Chúng ta đang thoát khỏi dioxin và chúng ta đã bắt đầu giúp Việt Nam xác định hài cốt của những người Việt Nam mất tích. 

Một điều cũng quan trọng là sự hợp tác này đã khởi đầu của một quan hệ đối tác đang phát triển. Mặc dù hai chính phủ chưa đồng thuận trong những vấn đề quan trọng, chúng ta chia sẻ nhiều lợi ích: từ sự gia tăng trao đổi sinh viên đến mở rộng quan hệ thương mại và ứng phó biến đổi khí hậu. 

Quan hệ đối tác của chúng tôi với Bộ Quốc phòng và các hoạt động hỗ trợ và tham gia của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ trong những nỗ lực nhân đạo này, đã mở ra các cơ hội mới cho hợp tác trong những vấn đề an ninh khu vực của hôm nay và tương lai. 

Chúng ta không thể chạy trốn thực tế rằng cuộc chiến là một thảm họa cho những thế hệ người Việt và người Mỹ. Mỗi chúng ta đã sống qua giai đoạn đó đều có những ký ức, xúc cảm và quan điểm của mình. 

Đối với tôi, không thể tha thứ cho cuộc chiến điên rồ đó và sự hạ thấp những hủy diệt khủng khiếp và những đau khổ mà nó gây ra. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về cách hai nước đã làm để vượt qua di sản thảm thương đó. Chúng ta còn một con đường dài và chúng ta còn phải đi tiếp.” 

Nguồn: https://vtdigger.org/2019/04/16/patrick-leahy-war-legacies-expanding-u-s-vietnam-partnership/



Post a Comment

Tin liên quan

    -->